Chủ đề
Không phải nước lọc, có một loại nước khác có thể cấp nước tốt cho cơ thể
CNN vừa đưa tin về một nghiên cứu xem xét mức độ cấp nước của một số đồ uống phổ biến. Kết quả có thể khiến bạn bất ngờ.
Khi bạn khát nước và cần uống nước, bạn đã bao giờ tự hỏi loại đồ uống nào cung cấp nước cho cơ thể tốt nhất?
Điều đầu tiên hầu hết chúng ta nghĩ tới là một cốc nước lọc – nhưng đó không phải là đồ uống cấp nước tốt nhất, theo một nghiên cứu từ Đại học St. Andrews của Scotland, CNN đưa tin.
Nghiên cứu thực hiện năm 2016 đã so sánh phản ứng hydrat hóa của một số loại đồ uống khác nhau.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nước (cả nước thông thường và nước có ga) thực hiện khá tốt nhiệm vụ cung cấp nước cho cơ thể một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, điều đặc biệt là đồ uống có một chút đường, chất béo hoặc protein thậm chí còn làm tốt hơn nữa việc cung cấp nước.
Sữa – đồ uống cấp nước tốt nhất
Ronald Maughan, giáo sư tại Trường Y – Đại học St. Andrews, tác giả của nghiên cứu, giải thích có nhiều yếu tố quyết định đồ uống nào cấp nước cho cơ thể tốt nhất. Yếu tố đầu tiên là thể tích được tiêu thụ của đồ uống: Bạn càng uống nhiều, đồ uống đó sẽ càng nhanh chóng rời khỏi dạ dày và được hấp thụ vào máu, nơi nó có thể pha loãng các chất lỏng của cơ thể và cấp nước cho cơ thể.
Yếu tố khác ảnh hưởng đến mức độ hydrat hóa của đồ uống có liên quan đến thành phần dinh dưỡng của đồ uống. Ví dụ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra sữa thậm chí còn cấp nước cho cơ thể tốt hơn nước thông thường vì nó có chứa đường lactose, một số protein và một số chất béo. Tất cả các chất này đều giúp làm chậm quá trình đẩy nước ra khỏi dạ dày, giữ cho quá trình hydrat hóa diễn ra trong thời gian dài hơn.
Sữa cũng có natri, hoạt động giống như một miếng bọt biển giữ nước trong cơ thể, kết quả là cơ thể tạo ra ít nước tiểu hơn.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với các dung dịch bù nước đường uống được sử dụng để điều trị tiêu chảy. Những loại dung dịch này chứa một lượng nhỏ đường, cũng như natri và kali, cũng có thể giúp thúc đẩy quá trình giữ nước trong cơ thể.
Tuy nhiên, cần lưu ý sử dụng đồ uống có đường ở mức vừa phải
“Nghiên cứu này cho chúng ta biết nhiều điều chúng ta đã biết: Chất điện giải – như natri và kali – giúp cho quá trình hydrat hóa được diễn ra tốt hơn, trong khi lượng calo trong đồ uống làm chậm quá trình đẩy nước ra khỏi dạ dày và do đó đi tiểu ít hơn”, Melissa Majumdar, một chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, cho biết. Majumdar cũng là phát ngôn viên của Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu.
Tuy nhiên, đồ uống có nhiều đường hơn, chẳng hạn như nước ép trái cây hoặc cola, có thể không cấp nước tốt như những loại đồ uống có lượng đường thấp hơn. Chúng có thể ‘ở’ trong dạ dày lâu hơn nhưng một khi những đồ uống này đi vào ruột non, nồng độ đường cao của chúng sẽ bị pha loãng trong một quá trình gọi là osmosis (tạm dịch là ‘thẩm thấu’). Quá trình này “kéo” nước từ cơ thể vào ruột non để pha loãng đường, làm giảm nước trong cơ thể.
Majumdar giải thích: Nước trái cây và soda vừa không cấp nước tốt bằng các loại đồ uống khác, vừa cung cấp thêm đường và calo rỗng. Nếu phải lựa chọn giữa soda và nước để hydrat hóa, hãy uống nước. Xét cho cùng, thận và gan của chúng ta phụ thuộc vào nước để loại bỏ độc tố trong cơ thể và nước cũng đóng vai trò chính trong việc duy trì độ đàn hồi và mềm mại của da. Đó là loại kem dưỡng ẩm rẻ nhất mà bạn có thể tìm thấy.
Nước trái cây và soda vừa không cấp nước tốt bằng các loại đồ uống khác, vừa cung cấp thêm đường và calo rỗng.
Giữ nước cho cơ thể là rất quan trọng, điều này giúp khớp của chúng ta được bôi trơn, ngăn ngừa nhiễm trùng và mang chất dinh dưỡng đến các tế bào. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, mọi người không cần phải lo lắng quá nhiều về mức độ cung cấp nước của đồ uống.
Maughan nói: “Nếu bạn khát, cơ thể sẽ báo hiệu bạn nên uống nhiều hơn. Nhưng đối với các vận động viên tập luyện nặng trong điều kiện thời tiết nóng, mất nhiều mồ hôi hoặc đối với những người có chức năng nhận thức có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do làm việc nhiều giờ mà không được nghỉ giải lao, thì việc bù nước trở thành một vấn đề quan trọng”.
Bia và cà phê thì sao?
Rượu bia hoạt động như một chất lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, do đó, khi nói đến đồ uống có cồn, quá trình hydrat hóa sẽ phụ thuộc vào tổng thể tích của đồ uống. Maughan nói: “Bia gây mất nước ít hơn rượu whisky bởi vì khi uống bia, thường bạn sẽ uống nhiều chất lỏng hơn. Đồ uống có cồn mạnh sẽ làm mất nước, đồ uống có cồn được pha loãng thì không”.
Với cà phê, khả năng cấp nước còn phụ thuộc vào lượng cafein bạn tiêu thụ. Một cốc cà phê thông thường có khoảng 80 miligam cafein có khả năng cung cấp nước tương đương nước thông thường, theo nghiên cứu của Maughan.
Nhưng tiêu thụ hơn 300mg caffein, hoặc khoảng 2-4 tách cà phê, có thể khiến bạn mất chất lỏng dư thừa vì cafein có tác dụng lợi tiểu nhẹ, ngắn hạn. Điều này có nhiều khả năng xảy ra với những người không thường xuyên tiêu thụ cafein và nó có thể được bù đắp bằng cách thêm một hoặc hai thìa sữa vào cốc cà phê của bạn.
My Châu
Theo Soha