Chủ đề
Khoảng trống tiêm chủng não mô cầu ở thanh thiếu niên sẽ gây hậu quả nghiêm trọng
Còn nhiều khoảng trống trong việc tiêm chủng não mô cầu cho thanh thiếu niên, điều này dẫn đến thực trạng là khi lứa tuổi này mang trùng lại lây bệnh cho trẻ nhỏ hơn – lứa tuổi chưa được tiêm ngừa vaccine não mô cầu, gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, rất nhiều trường hợp tử vong.
Đây là khuyến cáo của các chuyên gia tại tọa đàm “Tầm quan trọng của chủng ngừa não mô cầu và bạch hầu – uốn ván – ho gà trên thanh thiếu niên”, do Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức sáng 5/5 tại TP.HCM.
Theo PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Vi sinh và An toàn tiêm chủng, Viện Pasteur TP.HCM, rất nhiều phụ huynh chưa có nhận thức đầy đủ về việc tiêm chủng cho thanh thiếu niên, mà thường chỉ tập trung vào đối tượng trẻ nhỏ. Trên thực tế, tỷ lệ thanh thiếu niên chưa được tiêm phòng bệnh não mô cầu vẫn còn khá cao. Chuyên gia này nhấn mạnh, viêm não mô cầu lây truyền qua giọt bắn hô hấp hoặc qua vật dùng chung chứa giọt bắn. Tỉ lệ người lành mang trùng khoảng từ 5-20%, tùy theo lứa tuổi và thói quen sinh hoạt hàng ngày. Đối với các sinh viên ở kí túc xá thì khả năng mang mầm bệnh cao hơn, vì vậy nhóm này cần được phòng ngừa.
TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, trong các ca được cứu sống tại bệnh viện, thì tỉ lệ bệnh nhân phải đoạn chi trong não mô cầu chiếm khoảng 30- 50%. Cùng với đó sẽ có những biến chứng khác như bại não, chậm phát triển, suy thận cấp, tổn thương gan…
Bác sĩ Nghĩa chia sẻ, trước đó, khoa đã điều trị cho một bé trai 4 tháng rưỡi tuổi, bị não mô cầu rất nghiêm trọng, bị lây từ người trẻ trong nhà. Sau 12 tiếng bị sốt cao, bé được đưa vào viện cấp cứu, nhưng chỉ từ 2-3 tiếng sau đó trẻ rơi vào tình trạng sốc nặng, phải thở máy. Các bác sĩ đã phải huy động rất nhiều máy móc, các loại kháng sinh khác nhau để điều trị. Đến ngày thứ 8, trẻ thoát chết nhưng phải đoạn chi vì hoại tử da rất sâu, gồm gối chân trái và một số ngón tay. Bác sĩ cho rằng, đây là một thiệt thòi rất lớn của trẻ và là cú sốc của cả gia đình, vì trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine não mô cầu (trên 6 tháng tuổi).
Cũng theo chuyên gia này, số ca chắc chắn trẻ bị viêm não mô cầu mỗi năm không cao nhưng số ca có liên quan đến não mô cầu, nghi ngờ não mô cầu thì rất nhiều, điều này đòi hỏi quá trình điều trị vô cùng khó khăn, tốn kém về nguồn lực y tế mà sau khi nỗ lực cứu sống vẫn để lại nhiều biến chứng. Nguồn lây cho trẻ là những người xung quanh, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên – đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sau các trẻ nhỏ.
Bác sĩ Nguyễn An Nghĩa khuyến cáo, lứa tuổi này cần phải được chú trọng tiêm vaccine.
“Cách để bảo vệ trẻ là bảo vệ những người xung quanh, người có nguy cơ tiếp xúc với trẻ. Vì vậy người là lứa tuổi thanh thiếu niên quan trọng, vì khi thanh thiếu niên là người lành mang trùng, với tỉ lệ cao, nếu trong gia đình có trẻ nhỏ thì nguy cơ lây cho trẻ. Để tránh cho căn bệnh này thì phải tiêm ngừa, hay còn gọi là bảo vệ kén”- BS Nguyễn An Nghĩa cho biết.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, ngoài bệnh do nhiễm não mô cầu thì bạch hầu, uốn ván, ho gà có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và cần thiết phải chủng ngừa.
Nhi Phan
Theo VOV