HIV/AIDS, bệnh mãn tính được khám, chữa bệnh từ xa
Bộ Y tế vừa ban hành thông tư quy định 50 danh mục bệnh, tình trạng bệnh được khám, chữa bệnh từ xa. Quy định này được áp dụng từ ngày 1-1-2024.
HIV/AIDS, bệnh mãn tính được khám, chữa bệnh từ xa
Cụ thể, thông tư hướng dẫn các bệnh, tình trạng bệnh được phép khám, chữa bệnh từ xa bao gồm 50 bệnh thuộc gần 20 chuyên khoa.
Trong đó, chuyên khoa nội tiết được phép khám, chữa bệnh từ xa đối với bệnh béo phì. Chuyên khoa tai mũi họng được phép khám, chữa bệnh từ xa với viêm mũi họng cấp tính, viêm mũi họng mãn tính, viêm lợi.
Chuyên khoa cơ xương khớp được khám, chữa bệnh đau vai gáy, hội chứng cánh cổ tay, đau thắt lưng viêm khớp dạng thấp, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối.
Với ung thư được khám, chữa bệnh từ xa trong trường hợp sau điều trị ung thư, chăm sóc giảm nhẹ.
Một số bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, suy giáp, suy thận chưa chạy thận nhân tạo, hen phế quản… cũng được phép khám, chữa bệnh từ xa.
Ngoài ra, quy định cũng cho phép một số bệnh thuộc chuyên khoa thần kinh, tâm thần khám, chữa bệnh từ xa, bao gồm rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần, đau đầu do căng thẳng, rối loạn tiền đình, đau nửa đầu, sa sút trí tuệ, Alzheimer, Parkinson…
Các bệnh truyền nhiễm được khám, chữa bệnh từ xa như sốt xuất huyết không có dấu hiệu cảnh báo, cúm, COVID-19. Với chuyên ngành da liễu là các bệnh da do vi rút, bệnh da dị ứng – miễn dịch và da viêm, bệnh da do nhiễm khuẩn, bệnh da do nấm – ký sinh trùng.
Theo quy định này, bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS cũng được phép khám chữa bệnh từ xa.
Bên cạnh đó, một số bệnh khác thuộc chuyên ngành mắt, phục hồi chức năng, tiêu hóa, hô hấp… cũng được cho phép khám, chữa bệnh từ xa.
Ai được phép khám, chữa bệnh từ xa
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực từ 1-1-2024, khám chữa bệnh từ xa là hình thức khám bệnh, chữa bệnh không trực tiếp tiếp xúc giữa người hành nghề và người bệnh mà việc khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện thông qua thiết bị, công nghệ thông tin.
Người thực hiện khám, chữa bệnh từ xa phải thực hiện theo phạm vi hành nghề, tuân thủ khám theo danh mục bệnh và tình trạng bệnh theo quy định.
Người hành nghề phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình.
Theo Tuổi Trẻ