Chủ đề
Hiểm hoạ ‘chết người’ khi mua thuốc qua livestream, quảng cáo trên mạng xã hội
Theo nhiều chuyên gia, việc cấm bán thuốc trên mạng xã hội là cần thiết và nên triển khai sớm để đảm bảo lợi ích, an toàn sức khỏe người tiêu dùng cũng như tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Hiểm họa khôn lường từ mua thuốc online
Anh Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) từng 2 lần đưa bố cấp cứu, thải độc gan ở Bệnh viện Quân đội 108 do đã tin tưởng, mua sử dụng thuốc, TPCN không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo chia sẻ của gia đình, là đại tá quân đội về hưu, ông D.V.C (75 tuổi, bố anh Thành) có các triệu chứng đau xương khớp, tiểu đêm thường gặp ở người già. Sau khi xem quảng cáo trên YouTube, ông C. được tư vấn rằng “đây là thuốc gia truyền đặc biệt, một liệu trình sẽ khỏi”. Không những vậy, người bán hàng còn tự xưng là bác sĩ nên ông đã tin tưởng và đặt mua. Tuy nhiên, khi nhận hàng và vừa sử dụng, ông C ngay lập tức bị đau tụy và phải đến BV Quân đội 108 điều trị.
“Từ quảng cáo trên Youtube, người bán điện thoại chào mời, rồi đến tận nhà giao hàng cho ông cụ khi vợ chồng tôi đi vắng. Dùng xong bố tôi bị đau khiến 2 lần phải nhập viện điều trị hơn một tuần. Một lần điều trị tụy còn một lần phải điều trị men gan tại BV Quân đội 108. Tại đây, bác sĩ cũng cảnh báo không được tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Dù đã có hậu quả như vậy nhưng không thể khuyên, ngăn ông cụ ngừng mua thuốc trên mạng xã hội”, anh Thành cho hay.
Gia đình cho biết thêm, các loại thuốc ông C. mua qua mạng không không thể hiện thông tin nguồn gốc, quy trình sản xuất, có loại còn đóng trong túi bóng dạng viên hoàn. Điều đáng nói, sau khi ông C. phải nhập viện điều trị, người bán hàng ngay lập tức liên hệ để xin thu hồi lại thuốc.
Về việc kinh doanh thuốc online, chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, chị Oanh (Chủ một hiệu thuốc tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, việc các nhà thuốc tư nhân đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng xã hội với các sản phẩm thuốc, TPCN nằm trong danh mục được phép bán không kê đơn (OTC) đã diễn ra phổ biến trong vài năm qua. Điều này tới từ xu thế kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử có nhiều lợi thế và dự kiến sẽ còn phát triển mạnh trong những năm tới.
Tuy nhiên, không chỉ nhà thuốc mà nhiều cá nhân cũng bán tràn lan các loại thuốc theo quy định phải có bác sĩ kê đơn mới được bán. Do đây là kênh bán hàng ít bị kiểm soát, trong khi đó sản phẩm dễ dàng giới thiệu, quảng cáo với chi phí thấp nhưng lại có thể tiếp cận số lượng lớn khách hàng.
“Hiện các quầy thuốc như chúng tôi phải đáp ứng đầy đủ quy định về cơ sở vật chất, nhân sự và chất lượng thuốc bày bán. Những người bán thuốc phải là dược sĩ, việc tư vấn bán hàng và theo dõi người bệnh phải theo quy trình, ngoài ra không được tiến hành quảng cáo thuốc theo quy định của Bộ Y tế.
Trong khi đó, không ít đơn vị, cá nhân livestream, quảng cáo bán thuốc, TPCN trên mạng xã hội mà không hề đáp ứng các quy định trên. Điều này không chỉ gây mất công bằng trong phân phối ngành dược mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi người bệnh”, chị Oanh cho hay.
Theo quy định tại Luật Dược năm 2016, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức (Nhà thuốc; quầy thuốc; tủ thuốc của trạm y tế xã/phường; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền). Đồng thời, các cơ sở này không được bán thuốc online và nghiêm cấm việc quảng cáo thuốc dưới hình thức lấy hình ảnh nhân viên nhà thuốc, thư mời, bác sĩ giới thiệu…
Dù vậy, thời gian qua, tình trạng bán thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) trên các nền tảng mạng xã hội trở nên phổ biến. Các sản phẩm này được chuyển đến tay người tiêu dùng mà không thông qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nguy hiểm với sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.
Cần kiểm soát chặt chẽ quy trình bán thuốc online
Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, ThS.BS Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện 19-8 cho biết, trong quá trình thăm khám đã xử lý nhiều trường hợp bệnh nhân dùng thuốc không đúng chỉ định, tự ý mua thuốc trên các nền tảng mạng xã hội.
“Có những trường hợp bệnh nhân điều trị tăng huyết áp, suy tim qua mạng và thuốc được gửi thông qua bên giao hàng. Sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân có dấu hiệu phù nề, khó thở và phải nhập viện. Qua khai thác các bệnh nhân này cho biết, trên mạng có những trang bán hàng bệnh gì cũng chữa được, chỉ cần báo bệnh là có đơn điều trị”, BS Huyền cho hay.
Cũng theo BS Huyền, việc người bệnh mua thuốc trên mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều rủi ro như: không kiểm soát được nguồn gốc thuốc, thuốc giả, không đúng chỉ định của thuốc… Điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân, gây ra các biến chứng hay hậu quả khó lường.
Cùng quan điểm như trên, ThS.BS Nguyễn Thị Kim Oanh (Phó Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu – Bệnh viện Hữu Nghị) cho rằng, hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều trang quảng cáo, bán thuốc không có sự quản lý, bất kỳ ai cũng có thể bán thuốc.
Do đó, rất khó để đảm bảo chất lượng các loại thuốc bán trên mạng hay xác minh được chuyên môn của người bán thuốc. Chưa kể đến, nhiều loại thuốc bán trên mạng chứa các hoạt chất nguy hiểm như corticoid.
“Những hoạt chất kháng viêm giúp giảm đau nhanh, khiến nhiều người tin tưởng vào các loại thuốc đó. Nhưng đó chỉ là phần ngọn, khi tự ý sử dụng sẽ dẫn tới các tác dụng phụ nguy hiểm như suy gan, suy thận… Tại Bệnh viện Hữu Nghị đã có không ít các trường hợp đến thăm khám do tự ý sử dụng thuốc mua trên mạng xã hội gây ra những hậu quả nặng nề”, BS Oanh chia sẻ.
Cũng theo BS Oanh, vừa qua Bộ Y tế đã đưa ra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược, trong đó quy định cụ thể hơn về việc các cơ sở được phép kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, nhưng không được phép livestream, bán hàng trên mạng xã hội. Đây là điều cần thiết để sớm định hình lại thị trường kinh doanh dược phẩm, đồng thời đảm bảo lợi ích hợp pháp và sức khỏe người tiêu dùng.
“Những quy định này sẽ liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người bệnh. Thông qua việc kiểm soát tốt nguồn thuốc, quy trình phân phối thuốc, người bệnh sẽ được tư vấn bởi các bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn thay vì tự ý mua thuốc tràn lan trên mạng xã hội”, BS Oanh chia sẻ.
Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định “các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương đáp ứng điều kiện kinh doanh dược”.
Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh dược không được thực hiện việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dược theo các hình thức online phải tuân thủ pháp luật về giao dịch điện tử; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; bảo mật thông tin của người mua; công khai chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy đăng ký lưu hành, bao bì thương phẩm. |
Theo SK&ĐS