Chủ đề
Hành trình xuyên Việt của cha và con trai tự kỷ
Tay ghì chặt ghi đông, chân nhấn mạnh vào pê đan, anh Nhật gồng mình vượt qua con dốc cao giữa trưa nắng. Phía sau anh là cậu con trai Anh Khoa ngồi yên lặng…
“Từng muốn quay về vì mệt mỏi khi vừa phải chăm con, vừa nấu ăn trên hành trình đạp xe xuyên Việt, nhưng thấy Khoa có nhiều thay đổi tích cực nên tôi quyết định đi tiếp”, người cha (ở Q.Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ lý do chở cậu con trai tự kỷ đi xuyên Việt hồi tháng 6 năm ngoái.
Đi để thấu hiểu
Anh Khoa (7 tuổi) là con trai đầu lòng của anh Nhật. Cậu bé mắc chứng tự kỷ bẩm sinh. Em vẫn chưa biết nói và không giao tiếp với ba mẹ. Anh Nhật là thợ chụp ảnh cưới, thường ngày việc chăm sóc và dạy con đều do vợ quán xuyến. Dù từng gửi con trai đến các lớp chuyên biệt nhưng tình hình của Khoa không biến chuyển. “Bế tắc và áp lực”, đó là tất cả những gì hai vợ chồng anh đối mặt.
Mong một chuyến đi để cân bằng cảm xúc và được bên con nhiều hơn nên trước khi xuất phát 3 tháng, anh cho con đi cắm trại, chở Khoa vòng quanh thành phố, tập quen với sương gió, bụi đường. Anh Nhật lắp thêm chiếc ghế, đặt Khoa ngồi yên sau. Trang bị cho con áo khoác chống nắng, kính và chiếc nón tai bèo. Ghi đông xe gần chục túi đồ từ quần áo, dụng cụ sửa xe cho đến lều bạt, bếp nồi… treo lủng lẳng. Mục tiêu là đạp xe đến đất mũi Cà Mau với hơn 1.300 km. Vì muốn tiết kiệm chi phí, anh quyết định tự nấu ăn, dựng trại qua đêm để nghỉ ngơi.
Chở theo Khoa và hành trang khá nặng, mỗi ngày anh Nhật chỉ đạp tầm 50 km. Trời về chiều, 2 cha con tìm những ngôi chùa, nhà thờ xin ngủ nhờ. Hôm nào không được thì dựng trại ngoài đường, xin nước người dân để nấu nướng, tắm rửa. Khoa khó ăn, chỉ thích ăn cơm với nước tương và uống sữa. Anh Nhật tự nấu những món đơn giản. “Nhiều người dân thương 2 ba con, đã mời cơm, cho ngủ nhờ qua đêm… Những tình cảm ấm áp của người lạ cũng giúp tưới tắm tâm hồn tôi”, anh nói.
May mắn suốt hành trình, Khoa không ốm. Đến nơi nào có nhiều trẻ em, anh dừng chân lại 2 – 3 ngày để con được vui đùa và khám phá. “Trước giờ mẹ chăm Khoa, giờ đi cùng con tôi thấu hiểu được sự vất vả của vợ”, anh nói.
Hành trình trưởng thành
Sau khoảng 1 tuần, dường như Khoa đã biết “cha là người quan trọng”. Em không chạy lung tung mà quấn cha không rời nửa bước. Trước đây, hễ nghe tiếng còi xe hoặc thấy xe container là em bịt tai, nhưng không biết từ bao giờ, Khoa không còn sợ những âm thanh đó nữa.
Là một người lạ, theo dõi hành trình của hai cha con trên mạng xã hội, anh Đậu Đình Điền (28 tuổi, ở TP.HCM) ngỏ lời đồng hành. “Suốt hành trình, Khoa không quan tâm tôi là ai”, anh Điền kể. Nhưng đầu năm 2023, khi ra Đà Nẵng thăm Khoa, anh Điền thấy cậu bé đã có nhiều thay đổi, đã biết đạp xe, viết chữ và tương tác với anh nhiều hơn.
Bà Thân Lan (55 tuổi), một người bạn trong nhóm xe đạp của anh Nhật, cũng thấy Khoa từ một đứa trẻ chỉ thích làm theo ý mình thì nay sang đường đã biết quan sát, chịu nghe lời ba. Anh Nhật thì đã vui vẻ, lạc quan hơn nhiều.
Tháng 3 năm nay, anh Nhật chở Khoa đi thêm các tỉnh miền Bắc bằng xe máy trong 2 tháng. Có lần anh hỏi: “Khoa đi lâu như vậy, có nhớ người bạn hàng xóm mà con hay chơi không?”. Cậu bé chưa thể nói nhưng đã biết mỉm cười. Điều mà từ trước đến nay người cha chưa bao giờ nhìn thấy. Đó cũng là lần đầu tiên trong hơn 7 năm, người cha dám mơ mình có thể giúp con trở thành người bình thường.
Cùng con trải qua, anh thấy con như người thầy của mình, 2 cha con cùng trưởng thành. “Vất vả là điều không thể tránh khỏi, nhưng đó không hẳn là một sự bất hạnh. Thay vì chăm sóc con theo ý mình, giờ tôi cho Khoa một cuộc sống theo ý thích của con. Tôi không có gì để bận lòng nữa”, anh Nhật bày tỏ.
Một đêm sau chuyến phượt ra Bắc trở về, Khoa dụi đầu vào người anh Nhật như muốn nựng cha. Lúc ngủ, Khoa cũng ôm chặt tay cha vào lòng khiến anh cảm thấy ấm áp. “Dù con không được bình thường, nhưng có con trên đời này mới là điều tốt cho tôi”, anh Nhật nói.
Theo Thanh Niên