Hành trình chữa lành không dễ dàng như bạn tưởng - Doctor247

Hành trình chữa lành không dễ dàng như bạn tưởng

Ngày nay, chúng ta nói nhiều về chữa lành, về sang chấn tâm lý, thao túng người khác hay tình trạng overthinking (suy nghĩ quá nhiều), nhưng chúng ta có thực sự hiểu được cơ chế và nguồn cơn dẫn đến những hiện tượng ấy là gì? Điều gì nằm sau những trạng thái, cảm xúc, suy nghĩ tích cực và tiêu cực ấy?
Hay bạn chỉ nghĩ đơn giản rằng để chữa lành những thương tổn tâm lý chúng ta chỉ cần một vài bài thiền tập, hít thở sâu hay thực hành chánh niệm.
chua-lanh
Bản chất của thiền tập hay chánh niệm không phải là giúp bạn loại bỏ những cảm xúc tiêu cực mà là giúp bạn nhận ra sự hiện diện của chúng.
Sự thật là hành trình chữa lành ấy không hề dễ dàng như bạn tưởng. Bản chất của thiền tập hay chánh niệm không phải là giúp bạn loại bỏ những cảm xúc tiêu cực mà là giúp bạn nhận ra sự hiện diện của chúng. Đó là khi bạn tạo ra một khoảng trống an toàn trong tâm trí.
Ở đó bạn sẽ không phán xét, chỉ trích mà chỉ đơn thuần là quan sát những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Bạn chỉ có thể bắt đầu hành trình chữa lành khi và chỉ khi bạn nhận diện được những tổn thương tâm lý. Giống như bác sĩ chẩn đoán bệnh tật.
Tuy nhiên, những tổn thương tâm lý cũng giống như tổn thương vật lý. Có những vết thương bạn có thể tự xử lý nhưng cũng có những vết thương cần sự can thiệp của bác sĩ và chuyên gia.
Việc tìm hiểu và trang bị những kiến thức tâm lý sẽ giúp bạn nhận diện những thương tổn tâm lý nhanh và chính xác hơn. Bạn sẽ hiểu vì sao mình lại cảm thấy khó chịu, ghen tị với người khác? Ganh đua và ganh ghét khác nhau ở đâu? Tại sao lòng tham của chúng ta là vô tận? Làm sao để kiểm soát ham muốn của mình?

Chứng rối loạn tâm thần, phức cảm và sự sợ hãi 

Thông qua bộ ba tác phẩm của Neel Burton: Thiên đường và địa ngục; Trốn và tìm Ý nghĩa của sự điên loạn, mình được tiếp cận hành trình chữa lành dưới một lăng kính hoàn toàn khác. Đó không phải là những tản văn chữa lành nhẹ nhàng cho giới trẻ, hay một tài liệu học thuật khô khan khó hiểu. Neel Burton đã dung hoà câu chữ của mình để đứng giữa hai biên giới đó.
Là một người trẻ yêu thích tâm lý học, mình nghĩ, Neel Burton kết hợp hài hoà được giữa lối viết học thuật và gần gũi với đa số độc giả.
Cụ thể, trong 3 tác phẩm của mình, Burton kể cho chúng ta nghe những câu chuyện gần gũi với đời sống, đan cài những học thuyết, phân tích thuật ngữ, trích dẫn từ nhiều nền văn hoá…Mình đã tìm được lời lý giải cho những cảm xúc phức tạp trong Thiên đường và địa ngục; đến những cơ chế phòng vệ cái tôi trong Trốn và tìm và cuối cùng và lời giải đáp về chứng rối loạn tâm thần trong Ý nghĩa của sự điên loạn.
Ba cuốn sách chính là ba mảnh ghép hoàn thiện lẫn nhau. Mỗi mảnh ghép lại hoàn thiện phần khuyết thiếu của những mảnh còn lại. Để rồi chúng ta nhận ra rằng một cuốn sách cũng giống như một con người: Chúng ta đều không hoàn hảo.
Mình đọc Ý nghĩa của sự điên loạn để hiểu sâu sắc về rối loạn tâm thần và căn bệnh trầm cảm. Mình đã từng trải qua nó trong vòng hai năm. Thật may mắn vì bản thân mình đã may mắn xoay xở để có thể tự chữa lành mà chưa cần đến can thiệp của bác sĩ. Nhờ những phân tích của Neel Burton, mình mới nhận ra những phức cảm mà bản thân đã từng trải qua mà mình đã không thể gọi tên hay định nghĩa chúng.
Mình tìm thấy bản thân trong Trốn và tìm, mình thấy một phiên bản non trẻ của mình thời thiếu niên. Mình thấy mình đã từng Chối bỏ con người mình vốn là, mình cho rằng tính cách hướng nội và nhạy cảm của mình là một điểm yếu, mình cố gắng gồng lên để cư xử như một người hướng ngoại để được người khác chấp nhận và yêu thương.
Mình đã từng “hợp lý hoá”, biện minh và viện cớ cho hàng tỉ thứ mà rõ ràng là mình muốn làm nhưng lại sợ. Mình khoác lên nỗi sợ của mình những lí do mĩ miều đẹp đẽ để xoa dịu sự sợ hãi của bản thân.
Mình đã từng “giận cá chém thớt” – cơ chế được Neel Burton gọi với cái tên là cơ chế dịch chuyển. Ví dụ khi mình bực dọc với sếp một chuyện gì đó, mình về nhà và nổi cáu với bé cún nhà mình (cơ chế dịch chuyển).
Cơn giận được chuyển dịch từ mình sang bé cún. Nhưng nếu mình đưa cún con đi dạo thì cơn giận của mình sẽ được chuyển hoá thành hoạt động thể chất và theo một hướng tích cực hơn (Burten gọi đó là sự thăng hoa).
Ví dụ trên là một mình chứng về một cơ chế phòng vệ cái tôi mang tính trưởng thành (sự thăng hoa), thay vì cư xử bốc đồng thiếu suy nghĩ (cơ chế dịch chuyển).
Thiên đường và địa ngục, mình khám phá sâu hơn về cảm xúc. Có những cảm xúc mà chúng ta rất dễ lẫn lộn với nhau, bởi lẽ ranh giới giữa chúng rất mong manh. Neel Burton đã sử dụng góc nhìn khách quan của mình để nói về những cảm xúc ấy.
Ví dụ như ganh đua và ganh ghét không giống nhau. Ganh ghét khiến bạn thụt lùi, ganh đua lại khiến bạn tiến bước. Ganh ghét là cảm giác khó chịu khi bạn thấy người khác có được thứ mà bạn không có, bạn trở nên tức tối và đẩy bản thân vào vòng xoáy của sự trì trệ.
Trái lại, ganh đua là cảm giác bạn muốn học hỏi, dạy bảo từ những người hơn mình, để từ đó đạt được sự tiến bộ.
chua-lanh
Bộ ba tác phẩm của Neel Burton (dưới)
Thế nào là cô độc, thế nào là cô đơn?
Tương tự với cô độc và cô đơn, chúng ta thường nhầm lẫn hai khái niệm này. “Cô độc là nỗi đau mang tính phá huỷ khi bị bỏ lại một mình. Cô độc là niềm vui thú khi được ở một mình, là năng lượng tích cực”.
Có một điểm thú vị mà Neel Burton phân tích về sự cô độc đó là: Mặc dù con người được sinh ra với tập tính xã hội, phải sinh sống theo bầy đàn, nhưng nhu cầu ở một mình cũng cần thiết ngang ngửa với nhu cầu kết nối. Cần thiết đến nỗi, cơ thể chúng ta phải áp chế tâm trí bằng giấc ngủ.
Bạn bắt buộc phải ngủ, bởi đó là cơ chế cô lập do tâm trí tạo ra. “Nhờ tách khỏi sự ràng buộc, những sao nhãng và ảnh hưởng mà người khác đặt lên ta, sự yên ổn giải phóng để ta kết nối lại với chính bản thân, đồng hoá những ý tưởng, tạo dựng bản sắc và ý nghĩa”.
Trong giấc mơ, chúng ta thoát khỏi sự kiểm soát và ảnh hưởng của những yếu tố ngoại cảnh và cho phép những giấc mơ và trí tưởng tượng hoạt động. Tương tự sự cô độc trong thiền định, học tập, làm việc, chỉ khi ở một mình, chúng ta mới có thể thăng hoa.
Sau tất cả, mình đọc để nhận ra rằng mỗi con người là một tiểu vũ trụ. Thật khó để chúng ta có thể lí giải được thế giới nội tại của mình nhưng nhờ sự hiểu biết, chúng ta có thể dần dần chạm đến tiệm cận của sự thấu tỏ ấy.
Trong lời đề tựa của 3 cuốn sách, có một trích dẫn của bác sĩ tâm thần học Giang Kate mà mình rất lưu tâm, đó là:
“Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ cao cả nhất của tâm lý học đó là để cho con người hiểu và hoà bình với chính mình. Hiểu mình thực sự là một hành trình rất dài và khó khăn. Chỉ có kiến thức thôi là chưa đủ, chúng ta còn cần thời gian, nỗ lực để quan sát chính mình, để ý thức và nhận ra những gì tâm trí đang muốn biểu đạt”.
Trương Khánh Linh
Blogger và tác giả sách
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận