Chủ đề
Dùng giấy bạc (giấy nhôm) trong nấu ăn có an toàn không?
Giấy bạc (hay còn gọi là giấy nhôm) đang dần trở nên quen thuộc từ các nhà hàng, quán ăn cho đến căn bếp của chính chúng ta, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu chúng có thật sự an toàn khi nấu nướng.
Hiểu về giấy bạc
Giấy bạc từ lâu đã là “trợ thủ” trong gian bếp – từ việc bọc thực phẩm khi nướng, giữ ẩm cho thịt, cho đến lót khay và vệ sinh vỉ nướng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại rằng việc dùng giấy nhôm trong nấu nướng có thể làm tăng lượng nhôm trong thực phẩm, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe.
Giấy bạc được sản xuất từ các lá nhôm mỏng chưa đến 0.2 mm và hiện diện trong hầu hết căn bếp gia đình. Nhôm cũng là kim loại phổ biến trong tự nhiên và có mặt trong nhiều loại thực phẩm – từ rau củ, ngũ cốc đến các sản phẩm từ sữa.
Nhôm là kim loại phong phú trong tự nhiên, có mặt trong đất, đá, nước, không khí và thực phẩm. Các thực phẩm như nấm, rau chân vịt, củ cải và lá trà có xu hướng hấp thụ nhôm nhiều hơn.
Ngoài ra, nhôm còn có trong các chất phụ gia như chất bảo quản, tạo màu, chống vón hay làm đặc trong thực phẩm chế biến sẵn. Tuy nhiên, cơ thể chỉ hấp thụ một lượng rất nhỏ và phần lớn được thải qua phân và nước tiểu.
Nấu ăn bằng giấy bạc có khiến thức ăn nhiễm nhôm hay không?
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc nấu ăn với giấy nhôm, đặc biệt ở nhiệt độ cao, với thực phẩm có tính axit (cà chua, cải bắp, đại hoàng) và có thêm muối hoặc gia vị, có thể làm tăng lượng nhôm thẩm thấu vào món ăn.
Một nghiên cứu đã cho thấy nấu thịt đỏ bằng giấy nhôm có thể tăng lượng nhôm trong thịt từ 89% đến 378%. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy điều này dẫn đến các bệnh lý cụ thể.
Trong điều kiện bình thường, cơ thể khỏe mạnh có thể đào thải lượng nhôm hấp thụ. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đặt nghi vấn nhôm có liên quan đến bệnh Alzheimer – do người mắc bệnh này có nồng độ nhôm cao trong não. Dù vậy, chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc tiêu thụ nhôm qua thực phẩm gây bệnh.
Một vài nghiên cứu khác cũng nghi ngờ nhôm có thể là yếu tố môi trường góp phần gây bệnh viêm ruột (IBD), nhưng chưa có kết luận chắc chắn.
Làm sao để giảm phơi nhiễm nhôm khi nấu ăn?
Bí quyết ở đây chính là:
-
Tránh nấu ăn ở nhiệt độ quá cao.
-
Hạn chế sử dụng giấy nhôm đối với thực phẩm có tính axit như cà chua hoặc chanh.
-
Dùng dụng cụ bằng thủy tinh hoặc sứ thay vì nhôm.
-
Tránh kết hợp giấy nhôm với thực phẩm có tính axit trong thời gian dài.
-
Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, chuyển sang ăn thực phẩm nấu tại nhà.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mức hấp thụ nhôm dưới 2 mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi tuần là an toàn, còn Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu khuyến nghị mức thận trọng hơn là 1 mg/kg/tuần – và hầu hết mọi người đều tiêu thụ dưới mức này.
Không cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn giấy nhôm khỏi gian bếp. Nếu bạn lo lắng, có thể hạn chế sử dụng, nhưng hiện tại không có bằng chứng rõ ràng cho thấy nó gây hại cho sức khỏe.
Nguồn tổng hợp