Chủ đề
Đừng để món quà trở thành “thủ tục”
Dạo gần đây, mạng xã hội xôn xao về đoạn tin nhắn của một cô giáo gửi cho các phụ huynh trong lớp không nên tặng quà vào ngày 20/10 và nhận lại nhiều ý kiến từ cộng đồng mạng. Không riêng gì ngành giáo dục, bạn có nghĩ rằng những món quà đã trở thành “thủ tục” mặc định của những dịp lễ?
Việc tặng quà dường như đã trở thành một phần của văn hóa, nhất là trong các dịp lễ, ngày kỷ niệm quan trọng như 20/10, 8/3, hay sinh nhật. Người tặng quà, đặc biệt là học sinh, sinh viên, hay những người trẻ, dễ bị cuốn vào việc phải tặng một món quà có giá trị để đáp ứng kỳ vọng của xã hội.
Áp lực người đưa
Thói quen tặng quà nhiều khi xuất phát từ áp lực nhóm và những khuôn mẫu xã hội, hơn là từ sự tự nguyện. Điều này có thể khiến người tặng cảm thấy như họ đang phải “chạy đua” để tặng quà đúng mốt, đúng xu hướng. Nếu món quà không đạt chuẩn hoặc không “đủ tầm,” họ có thể cảm thấy thiếu tự tin, sợ bị phán xét hoặc đánh giá là thiếu quan tâm.
Đối với nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên, hay những người có thu nhập thấp, việc tặng quà vào các dịp đặc biệt có thể gây ra áp lực tài chính lớn. Khi các dịp kỷ niệm liên tiếp diễn ra, họ cảm thấy cần phải chi tiêu nhiều hơn để tặng quà phù hợp. Điều này có thể tạo ra sự căng thẳng và lo lắng khi phải dành dụm hoặc thậm chí vay mượn để mua quà, làm ảnh hưởng đến ngân sách cá nhân.
Ngoài ra, khi việc tặng quà không còn là sự tự nguyện mà trở thành nghĩa vụ, người tặng có thể cảm thấy mất tự do. Họ không còn cảm giác mình có quyền chọn cách thể hiện tình cảm của bản thân, mà bị “ràng buộc” vào việc phải tặng một món quà, bất kể điều kiện của họ ra sao.
Thậm chí, việc chọn một món quà phù hợp luôn là thách thức lớn. Người tặng quà phải suy nghĩ xem món quà nào sẽ làm người nhận vui, phản ánh được sự quan tâm và không gây hiểu lầm. Đôi khi, họ phải tìm hiểu kỹ sở thích, nhu cầu của người nhận, điều này có thể gây áp lực và làm tăng sự lo lắng. Áp lực chọn quà không chỉ là về giá trị vật chất, mà còn về việc làm sao để món quà thể hiện được tình cảm chân thành và sự kính trọng, điều này đôi khi khiến người tặng cảm thấy mệt mỏi và mất đi niềm vui từ hành động tặng quà.
Nỗi lo người nhận
Thế còn phía người nhận thì sao? Liệu nhận quà có hoàn toàn dễ chịu như mọi người thường nghĩ?
Khi nhận được một món quà, đặc biệt là món quà có giá trị lớn, người nhận thường cảm thấy phải có trách nhiệm đáp lễ. Họ lo lắng về việc làm sao để đáp lại tình cảm này một cách xứng đáng, đặc biệt là trong những mối quan hệ có sự chênh lệch tài chính hoặc địa vị, như học sinh tặng quà cho giáo viên, hay cấp dưới tặng quà cho sếp.
Cảm giác rằng mình “mắc nợ” hoặc phải đền đáp có thể khiến niềm vui khi nhận quà trở thành gánh nặng. Người nhận có thể cảm thấy bị ràng buộc vào nghĩa vụ đáp lễ, khiến họ lo lắng về việc phải tặng lại món quà có giá trị tương xứng, gây áp lực cả về tài chính và tinh thần.
Một số người lo ngại rằng khi nhận quà, đặc biệt là từ người khác giới hoặc trong mối quan hệ không quá thân thiết, họ có thể bị hiểu lầm về mối quan hệ hay ý đồ. Khi bị “ố dề” quá mức, người nhận có thể cảm thấy lo lắng về việc người khác có thể nhìn nhận mối quan hệ của họ một cách sai lệch.
Không chỉ liên quan đến giá trị món quá, mà ngay cách nhận cũng có những áp lực. Phải thể hiện sự trân trọng, sự vui mừng khi được nhận quà vì sợ rằng sẽ làm phật lòng người nhận. Điều này có thể làm cho việc nhận quà trở thành một trải nghiệm thiếu thoải mái, và đôi khi còn tạo thêm áp lực trong các mối quan hệ thân thiết.
Đừng để món quà trở thành thứ “thủ tục”
Một cách mà dạo gần đây, mạng xã hội đang tập trung bàn tàn đó chính là tin nhắn của cô giáo khuyên phụ huynh không nên tặng quà, thay vào đó là những tấm thiệp đơn giản do chính tay học sinh vẽ nên. Đây cũng là một cách mà cả người tặng và người nhận đều có thể ngồi lại với nhau để cùng trao đổi về cách tiếp cận việc tặng quà.
Thay vì theo đuổi những món quà mang giá trị vật chất lớn, hai bên có thể chuyển sang các món quà trải nghiệm hoặc những vật phẩm tiêu hao như thức ăn, dịch vụ hay đơn giản là những tấm thiệp. Cách này không chỉ giúp người nhận cảm thấy thoải mái hơn mà còn giảm bớt gánh nặng tài chính cho người tặng. Các món quà trải nghiệm như chuyến đi, bữa ăn tối hoặc vé xem phim sẽ giúp tạo ra những kỷ niệm chung mà không để lại áp lực vật chất lâu dài.
Thay vì cố gắng tìm kiếm một món quà hoàn hảo, hãy tập trung vào những điều mà bạn thực sự muốn tặng và có thể dễ dàng dành cho người nhận. Việc này không chỉ giúp người tặng cảm thấy bớt áp lực, mà còn tạo ra niềm vui và sự tự nhiên trong quá trình tặng quà.
Đối với người nhận, nên tập trung vào ý nghĩa và tình cảm đằng sau món quà, hơn là cảm thấy áp lực phải đáp lễ. Một cách tiếp cận đơn giản hơn và thoải mái sẽ giúp cả hai bên cảm nhận được sự chân thành và giảm thiểu cảm giác bị ép buộc.