Chủ đề
Đồ uống có đường – “Sát thủ thầm lặng” dịp Tết đến
Tết này, nhiều người chú trọng nêu cao khẩu hiệu hạn chế rượu bia, nhưng họ lại bỏ qua một “sát thủ thầm lặng” khác: đồ uống có đường.
Thực trạng tác hại của đồ uống có đường
Những đồ uống có đường như nước ngọt và nước tăng lực được pha chế để kích thích vị giác, chứa lượng lớn chất tạo ngọt nhằm “đánh thức” các trung tâm khoái cảm trong não bộ. Tuy nhiên, cảm giác thích thú ban đầu này tiềm ẩn nguy hiểm. Các đồ uống có đường thường có giá trị dinh dưỡng thấp, trong khi nghiên cứu cho thấy nếu uống thường xuyên, bạn có thể đối mặt với nguy cơ sâu răng, béo phì, tiểu đường type 2 và bệnh tim.
Thật vậy, theo một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Đại học Tufts (Mỹ) dẫn đầu, cứ mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 1,2 triệu ca bệnh tim mạch mới và 2,2 triệu ca tiểu đường type 2 mới hình thành do con người tiêu thụ đồ uống có đường. Nhóm tác giả cũng chỉ ra, dù lượng tiêu thụ đồ uống có đường đã giảm gần đây ở một số nước phát triển, nước ngọt và các sản phẩm tương tự vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng tại nhiều khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Theo tác giả cao cấp Dariush Mozaffarian, bác sĩ tim mạch kiêm nhà khoa học y tế công cộng tại Đại học Tufts, cho biết: “Các thức uống có đường được quảng bá và bày bán rất nhiều tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Những cộng đồng này không chỉ tiêu thụ những sản phẩm có hại, mà họ còn ít có điều kiện ứng phó với các hệ lụy sức khỏe lâu dài.”
Vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở một số nước. Nghiên cứu cho thấy, gần 1/3 số ca tiểu đường mới ở Mexico liên quan đến việc uống đồ có đường, và con số này gần bằng 1/2 ở Colombia. Tại Nam Phi, theo báo cáo của các nhà khoa học, có khoảng 28% trường hợp tiểu đường mới và 15% trường hợp bệnh tim mới do thức uống có đường gây ra.
Nghiên cứu tập trung vào các loại đồ uống có đường (SSB) mà nhóm tác giả định nghĩa là bất kỳ đồ uống nào được bổ sung đường với mức ít nhất 50 kilocalo mỗi 240 ml (tương đương 8 ounce). Nhóm này bao gồm nước ngọt thương mại hoặc tự làm, nước tăng lực, nước trái cây pha đường, punch, nước chanh, và agua frescas.
Định nghĩa này không bao gồm sữa pha đường, nước ép 100% trái cây và rau củ, hoặc đồ uống dùng chất ngọt nhân tạo không calo, dù các nhà nghiên cứu lưu ý, nhiều loại trong số này vẫn có thể gây hại cho sức khỏe nếu uống quá nhiều.
Cơ sở dữ liệu nghiên cứu
Các nhà khoa học đã lấy dữ liệu tiêu thụ đồ uống từ Cơ sở Dữ liệu Chế độ Ăn Toàn cầu (Global Dietary Database), trong đó có 450 khảo sát về việc dùng đồ uống có đường, với tổng cộng 2,9 triệu người tham gia từ 118 quốc gia. Để làm rõ mối liên hệ giữa đồ uống có đường và bệnh tật, nhóm nghiên cứu đã kết hợp dữ liệu này với tần suất mắc bệnh tim mạch – chuyển hóa, rồi sử dụng phương pháp đánh giá rủi ro so sánh, dựa trên các nghiên cứu trước đó về ảnh hưởng sinh lý của đồ uống có đường.
Kết quả cho thấy trên phạm vi toàn cầu, đồ uống có đường góp phần gây ra 1,2 triệu ca bệnh tim mới và 2,2 triệu ca tiểu đường type 2 mới mỗi năm. Nghiên cứu cũng ước tính rằng mỗi năm, chúng dẫn đến khoảng 80.000 ca tử vong do tiểu đường tuýp 2 và 258.000 ca tử vong do bệnh tim mạch.
Đây là con số đáng báo động, nhưng theo nhà khoa học dinh dưỡng Laura Lara-Castor, tác giả chính của nghiên cứu (từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Tufts, hiện công tác tại Đại học Washington), việc làm nổi bật tác hại của đồ uống có đường có thể giúp thay đổi cục diện. “Chúng ta rất cần những biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng nhằm hạn chế tiêu thụ nước ngọt có đường trên toàn cầu, trước khi có thêm nhiều người tử vong sớm vì tiểu đường và bệnh tim,” bà chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng cơ thể con người tiêu hóa đồ uống có đường rất nhanh, làm tăng mức đường huyết nhưng gần như không mang lại giá trị dinh dưỡng. Việc uống quá nhiều và quá thường xuyên dễ dẫn đến tăng cân, kháng insulin cùng nhiều vấn đề chuyển hóa liên quan đến tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.
Dù nhận thức cộng đồng về rủi ro này có thể đang tăng lên, theo nhóm nghiên cứu, điều đó chưa đủ rộng và chưa đủ nhanh. “Cần phải làm nhiều hơn nữa, nhất là ở khu vực Mỹ Latinh và châu Phi, nơi tiêu thụ vẫn cao và hệ lụy sức khỏe đặc biệt nặng nề,” Mozaffarian nói. “Với tư cách loài người, chúng ta cần tìm cách giải quyết nạn tiêu thụ nước uống có đường.”
Theo Science Alert