Gia đình 5 người của chị Linh, ở quận Đống Đa, liên tục đổ bệnh hô hấp. Chồng chị thường đi làm sớm, về muộn nên bị viêm phế quản nặng, phải uống hai loại kháng sinh liều cao kết hợp.
Hai bé gái 12 tuổi và bé trai 6 tuổi bị viêm họng cấp, viêm mũi dị ứng, sốt cao trong 5 ngày, cũng phải dùng kháng sinh kèm rửa mũi. Riêng chị Linh bị khô mũi, đau họng, khó thở đến mức không thể ngủ nhưng vẫn phải gắng gượng chăm sóc chồng con.
“Cứ nghĩ đổ bệnh do trời lạnh hanh khô nhưng hóa ra còn từ chất lượng không khí xấu. Nhà tôi còn sống ngay cạnh công trường xây dựng, bụi mịt mù cả ngày lẫn đêm”, người phụ nữ nói.
Cũng khốn khổ vì “combo” trời lạnh và ô nhiễm không khí, anh Tiến, 55 tuổi, chạy xe ôm công nghệ “cắn răng” chi hàng chục nghìn đồng mỗi ngày để mua khẩu trang chống bụi và nước muối vệ sinh mắt, mũi. Phơi mặt ngoài đường từ 6h đến 21h, quần áo, điện thoại, tóc, mũ, găng tay của anh không chỉ ám khói xăng xe mà còn phủ đầy bụi.
Ngoài tái phát viêm xoang và mũi, anh Tiến còn nổi mề đay khắp ngứa ngáy khắp người, được bác sĩ kê thêm thuốc dị ứng. Ngán ngẩm với cảnh tiếp xúc ô nhiễm hằng ngày, song người đàn ông còn gánh nặng nuôi hai con đang tuổi ăn học, nên vài năm nữa anh “mới tính chuyện về quê”.
Bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho rằng những căn bệnh như chị Linh, anh Tiến mắc phải do hình thái thời tiết lạnh khô kèm ô nhiễm không khí, đặc biệt là nồng độ bụi mịn ở mức báo động. Hơn một tuần qua, số người già, trẻ nhỏ nhập viện do ho, khó thở tăng 10-15% ngày thường, có nơi tăng gấp rưỡi.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới và UBND TP Hà Nội cho rằng hơn 40% dân số thành phố đang phơi nhiễm với nồng độ bụi PM 2.5, cao gấp đôi quy chuẩn quốc gia và cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quy định. Cùng lúc này, hệ thống tổng hợp chất lượng không khí IQAir xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm thứ ba thế giới với chỉ số AQI là 204, trong đó trạm tại Tây Hồ cao nhất 239.
Cũng theo nghiên cứu trên, sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5 tại Hà Nội khiến mỗi năm có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 trường hợp do hô hấp, lần lượt chiếm 1,2% và 2,4% tổng số ca bệnh.
Bác sĩ Lê Hoàn, Trưởng Khoa Nội tiết – Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Bụi mịn cản trở giao thông và tầm nhìn của các phương tiện di chuyển vào buổi sáng.
Khi vào cơ thể, bụi mịn sẽ xâm nhập vào đường thở, gây tổn thương niêm mạc khí quản, phế quản. Chúng còn đi sâu vào các phế nang, nơi tận cùng của cơ quan trao đổi khí, làm viêm, xơ hóa phế nang dẫn đến nhiều bệnh lý về hô hấp.
“Nếu tiếp xúc lâu dài, bệnh diễn biến phức tạp, gây các bệnh phổi mạn tính”, bác sĩ nói. Ngoài ra, bụi mịn kích thước quá nhỏ xuyên qua phế nang mao mạch vào trong tuần hoàn cơ thể, gây tổn thương tim mạch, đột quỵ não, ảnh hưởng não bộ nếu tiếp xúc lâu dài.
Những người có vấn đề về tim và hô hấp, phụ nữ mang thai, trẻ em và người lớn tuổi nhạy cảm với bụi mịn hơn. Các bà mẹ tiếp xúc lâu ngày có thể bị sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh và tử vong.
WHO nhận định ô nhiễm không khí là “kẻ giết người thầm lặng”. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.
Tương tự, Viện Chính sách Năng lượng của Đại học Chicago (EPIC) cho biết ô nhiễm không khí có thể làm giảm tuổi thọ trung bình xuống hơn hai năm, tương đương tác hại của hút thuốc lá. Công trình chỉ ra rằng khói bụi và ô nhiễm khiến người dân Nam Á giảm 5 năm tuổi thọ. Trong đó, Ấn Độ chiếm khoảng 44% mức gia tăng ô nhiễm không khí trên toàn thế giới kể từ năm 2013.
Nghiên cứu mới cảnh báo sự nguy hiểm của ô nhiễm không khí tồi tệ hơn nhiều so với HIV/AIDS. Các nhà khoa học cho rằng đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, song chưa nhận được nguồn kinh phí thích hợp để giải quyết.
Chuyên gia khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang khi ra ngoài để hạn chế hít phải khói bụi, đặc biệt chọn loại khẩu trang có tác dụng chống bụi tốt. Hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc…
Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao ô nhiễm cần có bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn. Thường xuyên nhỏ, rửa mũi, mắt sau khi về nhà.
Trong những ngày thời tiết lạnh, người cao tuổi nên hạn chế tập luyện sáng sớm để tránh ô nhiễm. Chỉ nên vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập như yoga, thư giãn tinh thần ở trong nhà, nơi có mái che hoặc, nếu ra ngoài trời cần đội mũ, áo ấm…
Đối với bệnh nhân bị cúm, viêm họng cần tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ, không tự ý uống thuốc dẫn đến kháng thuốc và tác dụng phụ. Người bệnh nên uống nhiều nước, súc miệng bằng nước muối sinh lý, ngậm thuốc để giảm đau và ngứa họng. Có thể tham khảo các bài thuốc từ thiên nhiên như mật ong, cam thảo để giảm dần triệu chứng viêm họng.
Theo VNE