Chủ đề
Đọc báo giùm bạn 21/11/2024: Tình hình dịch bệnh ở TP.HCM tuần qua. Gần 2.100 trẻ mắc bệnh sởi tại Đồng Nai. Thuốc tiểu đường có thể giúp giảm tiêu thụ rượu.
Tình hình dịch bệnh ở TP.HCM tuần qua
Ngày 20/11, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong tuần 46 (11 – 17/11), tại thành phố ghi nhận 695 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 8,3% so với trung bình 4 tuần trước. Bên cạnh đó, thành phố cũng ghi nhận 296 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 35,3% so với trung bình 4 tuần trước. Riêng bệnh sởi, tuần qua thành phố ghi nhận có 211 ca, tăng 43,5% so với trung bình 4 tuần trước.
Đọc thêm tại: Tình hình dịch bệnh ở TP.HCM tuần qua | Znews
Đồng Nai: Gần 2.100 trẻ mắc bệnh sởi, nhiều bệnh viện quá tải
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận gần 70 ca mắc mới, dẫn đến quá tải tại các khoa điều trị về hô hấp. Đáng lưu ý, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi theo khuyến cáo. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến ngày 20/11, toàn tỉnh ghi nhận gần 2.100 ca mắc sởi (cùng kỳ năm 2023 chỉ ghi nhận 3 ca mắc), 1 trường hợp tử vong.
Đọc thêm tại: Đồng Nai: Gần 2.100 trẻ mắc bệnh sởi, nhiều bệnh viện quá tải | Vietnamplus
Điểm chung của hàng chục ca đột quỵ mỗi ngày ở TP.HCM
Mỗi ngày, khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận khoảng 50 – 70 ca nhập viện do đột quỵ. Hầu hết bệnh nhân đến điều trị tại khoa đều có một “mẫu số chung”: Nam giới, huyết áp rất cao nhưng không duy trì việc uống thuốc, thường xuyên uống bia, rượu.
Đọc thêm tại: Điểm chung của hàng chục ca đột quỵ mỗi ngày ở TP.HCM | Znews
Mấy giờ đi ngủ được xem là thức khuya? Không phải 11 hay 12 giờ, hóa ra lâu nay nhiều người đã hiểu nhầm
Nghiên cứu mới cho thấy, những người đi ngủ sau 10 giờ đêm mỗi ngày đã được xem là đi ngủ muộn. So với những người đi ngủ từ 8 giờ tối đến 10 giờ tối, những người đi ngủ sau 10 giờ tối có nguy cơ béo phì và béo bụng tăng 20%. Trong số đó, những người đi ngủ sau 2 giờ sáng có nguy cơ béo phì tăng 35% và nguy cơ béo bụng tăng 38%.
Đọc thêm tại: Mấy giờ đi ngủ được xem là thức khuya? Không phải 11 hay 12 giờ, hóa ra lâu nay nhiều người đã hiểu nhầm | CafeF
Bản đồ tế bào người giúp thay đổi hiểu biết về bệnh tật
Dự án Bản đồ Tế bào Người (HCA) đã lập bản đồ hơn 100 triệu tế bào, mở ra nhiều khám phá mới về cơ chế tế bào và bệnh học, từ sự phát triển não đến phản ứng phổi với Covid-19. HCA sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu tế bào, cung cấp công cụ mạnh mẽ cho chẩn đoán, phát triển thuốc và y học tái tạo. Dự án này nhấn mạnh sự đại diện toàn cầu, bao gồm các quần thể đa dạng, để xây dựng cơ sở hiểu biết toàn diện về sức khỏe và bệnh tật.
Đọc thêm tại: Human Cell Atlas Transforms Understanding of Disease | Neuroscience
Thuốc tiểu đường có thể giúp giảm tình trạng uống rượu
Các nghiên cứu cho thấy thuốc GLP-1 receptor agonists (GLP-1 RAs), được sử dụng để điều trị tiểu đường, có thể giúp giảm lượng rượu tiêu thụ bằng cách tác động vào trung tâm khen thưởng của não. Một nghiên cứu cho thấy thuốc dulaglutide giúp người dùng giảm 29% lượng rượu so với nhóm dùng giả dược, đặc biệt hiệu quả ở người béo phì. Dù cần thêm nghiên cứu, phát hiện này mở ra tiềm năng sử dụng thuốc GLP-1 RAs để điều trị tình trạng uống rượu quá mức và giảm tử vong liên quan.
Đọc thêm tại: Diabetes Drugs Could Help You Drink Less | SciTechDaily