Dạy con cách nhận lì xì ngày Tết sao cho ý nghĩa? - Doctor247

Dạy con cách nhận lì xì ngày Tết sao cho ý nghĩa?

Lì xì ngày đầu năm là nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Thông qua bao lì xì, các bậc phụ huynh có thể dạy cho con trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của đồng tiền và cách chi tiêu hợp lý.

Niềm háo hức của trẻ khi nhận lì xì ngày Tết. Ảnh: Internet

Tạo điều kiện để trẻ có cơ hội tập luyện

Chia sẻ với PV báo Sức khoẻ và Đời sống, ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân – Giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường ĐH Hùng Vương cho biết, từ xưa đến nay, lì xì (mừng tuổi) đã trở thành tục lệ không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền và luôn là một trong những điều mong chờ của con trẻ trong dịp Tết đến Xuân về. Mừng tuổi không giới hạn trong ngày mùng 1 mà còn có thể kéo dài sang ngày mùng 2, mùng 3 cho tới khi hết ngày nghỉ Tết.

Trong suốt những ngày Tết, có lẽ, điều mà những đứa trẻ luôn chờ đợi và háo hức nhất là được người lớn tặng cho một chiếc bao lì xì màu đỏ, màu vàng, màu hồng… đẹp mắt, bên trong chứa những đồng tiền xanh đỏ khiến chúng vui vẻ. Những bao lì xì là tượng trưng cho những lời chúc tốt đẹp và may mắn.

Tuy nhiên lại có không ít tình huống “dở khóc dở cười” xảy ra khi bé nhận lì xì. Có bé quên cảm ơn người lì xì, có bé vừa nhận đã mở ra ngay, thậm chí có bé còn chê tiền lì xì quá ít khiến người mừng rất ngại ngùng.

Theo ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân, kỹ năng sống được hình thành thông qua một quá trình, vì vậy, bố mẹ nên tạo điều kiện để trẻ có cơ hội tập luyện. Để dạy trẻ cách ứng xử đúng mực khi nhận lì xì Tết, bố mẹ cần giúp trẻ hiểu tiền lì xì chỉ mang ý nghĩa tinh thần, thể hiện tình cảm yêu mến của người lớn dành cho trẻ, với mong muốn bé luôn khỏe mạnh, chơi vui, học giỏi.

Khi dạy trẻ cách ứng xử ngày Tết khi nhận lì xì, trước hết cha mẹ cần dạy con phải biết nói cảm ơn và nhận đồ bằng hai tay khi người lớn đưa không cần bố mẹ nhắc nhở. Đặc biệt, để tránh những tình huống khó xử khi nhận lì xì Tết như bé mở bao lì xì ngay khi nhận, chê tiền lì xì ít… bố mẹ cần giải thích cho bé hiểu lì xì chỉ mang ý nghĩa chúc may mắn, vui vẻ chứ không phải ở giá trị của số tiền. Đồng thời, cha mẹ hãy thường xuyên dạy trẻ cách ứng xử khéo léo để con thực hành ngay cả khi không có bố mẹ ở bên.

Ngoài ra, cha mẹ có thể dạy trẻ vài câu chúc đơn giản, dễ nhớ mà ý nghĩa để bé học theo. Cha mẹ hãy giúp bé hiểu khi nhận được những lời chúc Tết của bé mọi người sẽ cảm thấy rất vui vẻ.

Cùng con lên kế hoạch chi tiêu phù hợp

PGS.TS. Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc mừng tuổi chính là cơ hội để người lớn giáo dục con trẻ về sự biết ơn, kỹ năng quản trị tài chính…

“Các bậc phụ huynh cần dạy các em hiểu rằng, giá trị tinh thần trong tiền mừng tuổi đôi khi còn lớn hơn giá trị vật chất. Và ngay cả những đồng tiền trong phong bao lì xì cũng phải được trân trọng bởi đó là sức lao động của người tặng.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, từ phong bao lì xì, cha mẹ cũng có thể giúp trẻ học cách quản lý tài chính. Ngay từ đầu, cha mẹ nên thống nhất với con rằng tiền lì xì không chỉ là món quà vật chất mà còn chứa đựng tình cảm của người tặng dành cho con.

Đổi lại, cha mẹ cũng có trách nhiệm lì xì những bạn nhỏ khác. Về số tiền con được nhận từ lì xì, con sẽ giữ một phần vì con đã đến tuổi cần phải chi tiêu cho nhu cầu cá nhân như mua thiết bị học tập, quà sinh nhật tặng bạn…

“Nhận tiền lì xì, con không chỉ chi tiêu cho mình mà còn phải chia sẻ, giúp đỡ những người khác với mục đích tốt đẹp. Người khác ở đây không chỉ là người trong gia đình mà có thể là những bạn nhỏ kém may mắn hơn con. Cha mẹ phải tận dụng cơ hội này để cùng con lên kế hoạch chi tiêu phù hợp, giúp con nhận ra giá trị tốt đẹp của tiền mừng tuổi, không lệ thuộc vào giá trị vật chất đơn thuần trong những phong bao lì xì”.

Ngoài ra, theo PGS.TS. Trần Thành Nam, các bậc phụ huynh cần xác định rõ rằng, nếu muốn giáo dục con hướng đến những giá trị của tình yêu thương và những nét đẹp văn hóa của dân tộc thông qua việc lì xì thì cách thức, tác phong, lời nói của người lớn khi đưa phong bao lì xì tặng trẻ cũng rất quan trọng.

“Ý nghĩa của phong bao lì xì không chỉ nằm ở giá trị vật chất, mà còn được thể hiện qua thái độ, ở lời chúc tụng và gửi gắm tình cảm của người tặng đến người nhận. Với những gia đình muốn tập trung vào giá trị tinh thần của phong tục mừng tuổi thì các bậc phụ huynh có thể chuyển những đồng tiền lì xì trở thành món quà sáng tạo, như lì xì hạt giống hoặc tự mình vẽ những phong bao lì xì mang lời chúc tốt đẹp”.

Từ xưa đến nay, lì xì đã trở thành tục lệ không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền và luôn là một trong những điều mong chờ của con trẻ trong dịp Tết đến Xuân về.

Theo SK&ĐS

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận