Tương tự, Gaysorn Chobtham, 76 tuổi, sống một mình ở vùng nông thôn Thái Lan với chi phí dưới 50 USD một tháng, có mong muốn duy nhất là không trở thành gánh nặng cho bất cứ ai những năm cuối đời.
Đây là tình trạng chung của nhiều quốc gia Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.
“Quả bom hẹn giờ” về nhân khẩu học
Khu vực đang già đi, chính phủ và hầu hết người dân phải vật lộn để theo kịp tốc độ đó. Chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu tăng, lực lượng lao động đóng thuế bị thu hẹp, tạo ra “quả bom hẹn giờ về nhân khẩu học”.
Đến năm 2050, châu Á – Thái Bình Dương sẽ là nơi sinh sống của 1,3 tỷ người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 25% dân số, theo dự báo của Liên Hợp Quốc. Đông Nam Á chịu gánh nặng của sự thay đổi nhân khẩu học này, với 170 triệu người cao tuổi, chiếm 22% dân số khu vực.
Các nước phải đối mặt với thách thức kép: phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nam giới; người dân có nhiều năm sống trong tình trạng sức khỏe kém. Nhiều người cũng không thể tiếp cận dịch vụ y tế.
Trong lịch sử, khi chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi bị quá tải, trách nhiệm chăm sóc cha mẹ hầu hết phụ thuộc vào người trẻ, từ đó hình thành các gia đình kiểu truyền thống. Tuy nhiên, những chuẩn mực văn hóa này xung đột với kinh tế hiện đại. Khi thế hệ trẻ chọn theo đuổi ước mơ, khát vọng của riêng họ, các nhà hoạch định chính sách đứng trước nhiều thách thức trong việc chăm sóc cho người cao tuổi.
Khi người cha 85 tuổi phải nhập viện vì đột quỵ năm 2020, Lorraine, con một, phải cân bằng giữa việc chăm sóc ông và người mẹ 74 tuổi. Cô có ít thời gian hơn để tập trung vào việc học. “Tôi đăng ký học thạc sĩ toàn thời gian, nhưng phải chuyển sang bán thời gian để có thời gian làm việc, hỗ trợ gia đình”, cô nói.
Trong hai năm tiếp theo, cô liên tục di chuyển giữa trường đại học và bệnh viện để chăm sóc bố mẹ. Lịch trình làm việc sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của chính cô.
“Phải chứng kiến sức khỏe của ông ấy xấu đi, từ khi có thể đi lại và nói chuyện đến lúc nằm liệt giường, gần như không nói được, không thể nhớ bất kỳ ai trong gia đình, không phải là điều dễ dàng với chúng tôi”, cô chia sẻ.
Lorraine không có anh chị em để san sẻ gánh nặng. Cô cho biết mình vẫn đang học cách để trở thành người chăm sóc chính. Mẹ cô cũng ngày càng già đi và phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe hơn.
Thực tế, dân số Singapore già đi nhanh chóng. Năm 2010, khoảng 10% công dân nước này ở độ tuổi 65 trở lên. Đến năm 2022, tỷ lệ đó đã tăng lên 18,4%. Trong vòng chưa đầy 6 năm, nước này dự kiến có hơn 900.000 người rơi vào độ tuổi trên.
“Dân số già sẽ thay đổi hoàn toàn cách xã hội vận hành, từ nền kinh tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe đến việc lập kế hoạch nghỉ hưu đầy đủ”, cựu Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Những người không nghỉ hưu
Gánh nặng đặt lên vai thế hệ trẻ tạo nên một “thế hệ người già không nghỉ hưu”. Đây là trường hợp của Santokh Singh. Chuyên gia tư vấn sắc đẹp 63 tuổi người Kuala Lumpur vẫn tiếp tục làm việc do hiểu rằng lương hưu và tiền tiết kiệm không đủ để nuôi sống ông qua những năm tháng tuổi xế chiều.
“Nếu tôi tiết kiệm đủ để nghỉ hưu, tôi sẽ cảm thấy tự tin hơn vì đã đảm bảo về mặt tài chính”, Singh nói.
Là một phần trong nhóm người già châu Á đang ưu tiên lối sống hạnh phúc, độc lập và năng động trong những năm cuối đời, ông dự định đến nhà dưỡng lão ở, vẫn duy trì mức độ độc lập cá nhân.
Giống với Singapore, Malaysia trải qua sự thay đổi nhân khẩu học đáng kể khi dân số già đi. Dữ liệu chính phủ cho thấy tỷ lệ cư dân 65 tuổi trở lên đã tăng 7,4% vào năm ngoái, tương đương khoảng 2,5 triệu người. Các dự báo cho thấy xu hướng này tăng tốc trong những năm tới. Đến năm 2030, đất nước sẽ có 15% dân số từ 60 tuổi trở lên. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, thế hệ sau sống trong một xã hội siêu già. 20% người Malaysia thuộc nhóm trên 65 tuổi vào năm 2056.
Khi dân số già tăng, các cộng đồng hưu trí mọc lên khắp đất nước. Người cao tuổi tìm cách giảm bớt áp lực cho con cháu họ bằng việc tiếp tục đi làm ngoài tuổi nghỉ hưu. Đối với Singam và nhiều người khác, việc sống độc lập trong cộng đồng cùng trang lứa mang lại cảm giác an toàn và gắn kết xã hội. Đây là điều mà gia đình truyền thống không mang lại.
Thế hệ siêu già
Thách thức mà Thái Lan phải đối mặt đặc biệt khó khăn. Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính khoảng 2,5 triệu người Thái sẽ ở độ tuổi từ 80 trở lên trong vòng 20 năm tới và có thể cần được chăm sóc. Gaysorn Chobtham, 76 tuổi, nằm trong số đó. Bà hiện sống nhờ vào khoản trợ cấp ít ỏi của nhà nước là 700 baht (19 USD) một tháng, cộng thêm 30 USD kiếm được từ việc bán xôi hấp tại chợ địa phương.
“Tôi không đủ tiền để trả phí điện nước và mua gạo, muối, đường hàng tháng”, bà nói. Gần như mọi người già trong khu vực bà Chobtham sống đều đối mặt với hoàn cảnh tương tự.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng già, tỷ lệ sinh ở Thái Lan cũng giảm mạnh. Giới chức lo ngại cho biết dân số nước này giảm một nửa, chỉ còn 33 triệu người trong vòng 60 năm tới. Theo nghiên cứu năm 2022 của Cơ quan Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc, gần 16% người Thái ở độ tuổi từ 60 trở lên, tỷ lệ này dự báo tăng lên 38% năm 2050, cao nhất trong những nước Đông Nam Á.
Chế độ ăn uống, khả năng y tế được cải thiện giúp người dân Thái sống lâu hơn. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, đây sẽ là xã hội siêu già, chất lượng cuộc sống những năm cuối đời của người dân giảm sút.
Sự căng thẳng cũng thể hiện rõ ràng trong lĩnh vực y tế. Các chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện gần hai thập kỷ trước vấp phải thách thức do nhu cầu gia tăng. Giới chức đang tăng cường hỗ trợ người mắc bệnh mạn tính như Alzheimer và nhiều bệnh nan y, song việc tiếp cận thuốc men, đặc biệt là thuốc ung thư còn hạn chế và tốn kém, bệnh nhân phải tự trả tiền. Các loại bảo hiểm tổng hợp thường là cứu cánh đối với những người như Gaysorn.
Việt Nam trước “cơn bão” già hóa dân số
Nằm trong nhóm 15 nước đông dân nhất thế giới, Việt Nam có lợi thế lao động dồi dào, nhưng đang đối mặt tình trạng dân số già hóa nhanh.
Việt Nam bắt đầu quá trình già hóa dân số từ năm 2015 khi tỷ lệ người trên 65 tuổi vượt 7% tổng dân cư. Con số này hiện là 9%, đưa Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về tỷ lệ người cao tuổi, trong khi thu nhập bình quân chỉ xếp hạng 6.
Cùng lúc đó, mạng lưới bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt độ phủ mục tiêu. Chính phủ kỳ vọng đến năm 2025, 55% người hết tuổi lao động sẽ có lương hưu, nhưng con số hiện tại mới chỉ hơn 22%. Tỷ lệ người cao tuổi tăng lên, nhóm không có lương hưu lại chiếm phần đông sẽ tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội.
Già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh không lây nhiễm cần điều trị suốt đời như huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, sa sút trí tuệ. Già hóa dân số cũng làm cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn…
Đối mặt với bài toán này, Bộ Y tế đang xây dựng nhiều chính sách, trong đó có chiến lược phát triển hệ thống nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đảm bảo thực hiện già hóa tại chỗ với chi phí thấp, bao phủ rộng.
Theo VNEXPRESS