Chủ đề
Đời không phải thắng thua, mà là phát triển bản thân mình
Có một người bạn sau khi nhận bằng thạc sĩ, đi làm chưa được bao lâu thì đến tìm tôi. Tôi hỏi cậu ấy đi làm rồi thấy thế nào, và nhận được câu trả lời thật bất ngờ: “Em muốn nghỉ việc, chị ạ!”.
Hai tiếng đồng hồ sau đó buổi trò chuyện chúng tôi chỉ xoay quanh những trăn trở của cậu ấy trước quyết định liệu có nên nghỉ việc hay tạm gác lại, những lý do “em chịu không nổi nữa rồi”!
Ở lại thế nào? Ra đi ra sao?
Thực ra, trong một xã hội mà áp lực công việc căng thẳng như hiện nay, liệu có ai đi làm mà không ôm sẵn trong lòng một lá đơn thôi việc? Dù sao thì vốn dĩ việc đi làm, kiếm sống chẳng bao giờ là dễ dàng với bất kỳ ai.
Một trong những nguyên nhân của những nỗi đau thời đại này là khó mà tìm được việc làm ưng ý. Nhiều người tìm việc hy vọng được vào làm ở những công ty lớn, nhưng nhu cầu tuyển dụng cũng chỉ có hạn.
Nhưng mặt khác, trong số những ứng viên thành công vượt qua được cuộc cạnh tranh khốc liệt và được tuyển vào làm, tỷ lệ người sớm nghỉ việc không phải là ít.
Vậy, phải ở lại như thế nào và khi nào thì nên ra đi?
Giữa giao lộ của sự chọn lựa, đương nhiên là tùy từng trường hợp, khó có thể khẳng định “Đây là đáp án”. Con người ta, ai cũng có khuynh hướng đánh giá quá cao năng lực của mình, xuất phát từ tâm trạng cấp bách, nóng lòng và thường mơ hồ trông đợi rằng mình có thể làm tốt hơn với công việc mới.
Đi hay Ở lại, đó là vấn đề!
Nếu đi làm mà trong lòng luôn ôm sẵn một lá đơn nghỉ việc, thì ai cũng là một Hamlet đang trăn trở giữa giao lộ của sự lựa chọn. Quá trình chúng ta đưa ra lựa chọn như đoạn độc thoại nội tâm nổi tiếng của Hamlet cũng không khác mấy bài toán learning, được cái này sẽ mất cái khác, nhất là dữ liệu cũng chưa đầy đủ ở tất cả khía cạnh.
Nếu là fan phim võ hiệp, nhắc đến Lý Tiểu Long (Bruce Lee) sẽ nhớ ngay đến huyền thoại võ thuật nổi tiếng một thời, người sáng tạo Triệt quyền đạo – 1 trong 25 môn võ được bình chọn là đáng sợ nhất hành tinh. Thế nhưng, ông cũng là một triết gia với những suy nghĩ sâu sắc.
Cả cuộc đời Lý Tiểu Long chính là cuộc hành trình khám phá bản thân mình. Ông luôn tâm niệm: Điều làm nên sự khác biệt giữa con người với nhau không phải là những chuyện đã xảy ra, mà là cách con người chọn để đối mặt với tình huống. Hiểu được những triết lý của Lý Tiểu Long, có lẽ bạn cũng tìm ra ý nghĩa của chính cuộc đời mình.
Đừng sợ thất bại
1. “Tôi không sợ những người đàn ông đã tập 10.000 cú đá 1 lần, nhưng tôi sợ người đàn ông đã tập một cú đá 10.000 lần”
Tức là thành thạo một nhóm nhỏ các kỹ thuật cơ bản quan trọng hơn so với tập một kỹ thuật nào đó chớp nhoáng. Tập luyện nhiều kỹ thuật cùng một lúc có nghĩa là bạn sẽ không thực sự học được gì từ người khác. Lặp lại nhiều lần là điều cần thiết để tạo nên phản xạ tự nhiên. Trở thành chuyên gia đòi hỏi sự kiên định, sắc bén, tập trung và vô số lần luyện tập.
Khi học hỏi điều mới, đừng bao giờ để cái tôi ngáng đường. Đừng tưởng mình đã biết hết mọi thứ, hãy luôn nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của một người mới bắt đầu.
2. “Nóng nảy sẽ biến bạn trở thành một kẻ ngốc”
Khi gặp gió mạnh, cành bách thẳng quá dễ gãy, còn cành lau biết oằn mình trước áp lực để tồn tại. Đừng bao giờ tỏ ra tức giận, đừng để hoàn cảnh đánh gục chính mình. Điều này không phải ai cũng dễ dàng học được mà phải biết kiên nhẫn rèn luyện theo thời gian.
Cái đầu nóng thường không đi với những gì tốt đẹp. Khi mất bình tĩnh, chúng ta thường trở nên phi lý, hành động theo bản năng nhiều hơn và dễ hối hận về sau. Đếm đến ba và xét lại tình huống trước khi phản ứng.
3. “Hãy tự ý thức, chứ đừng làm một robot lặp đi lặp lại”
Khách quan là sự thật. Chủ quan là ý kiến. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc bạn NGHĨ điều gì đó là sai với việc chứng minh, giải thích điều ấy là sai. Bạn cần học cách phân biệt giữa sự thật với ý kiến.
Nhiều người dành cả đời mình để tìm hiểu xem họ nên là gì, thay vì nhận thức chính bản thân họ. Sự khác biệt giữa nhận thức về cá nhân và tự nhận thức về hình ảnh cá nhân là rất quan trọng. Hầu hết mọi người chỉ sống vì hình ảnh của mình.
4. “Đừng sợ thất bại. Không phải thất bại mà chính việc đặt ra mục tiêu thấp là sai lầm. Với những nỗ lực tuyệt vời thì thất bại thậm chí còn vinh quang hơn”
Đừng xấu hổ khi không hoàn thành mục tiêu, miễn là bạn đã làm tất cả mọi thứ có thể. Nếu bạn đặt mục tiêu thấp và thành công, không có gì để tự hào. Phải đặt mục tiêu cao lên! Thất bại không phải là thứ đáng để bận tâm. Nó cho thấy bạn vẫn đang học hỏi.
Thà rằng, bạn trèo cao rồi ngã đau, còn hơn cứ ngồi một chỗ không nhúc nhích. Thất bại cũng là một cơ chế phản hồi quan trọng. Nó giúp bạn nhận ra những thứ mình đang làm không thực sự có hiệu quả, đòi hỏi bạn phải điều chỉnh quá trình. “Biết tiến biết lùi”, tạm thời “thần phục” để chờ cơ hội tỏa sáng.
Cuộc đời không phải là chuyện thắng thua giữa thành công và thất bại; mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng luôn giữ mình và nỗ lực trụ vững – đấy mới là điều làm nên cuộc đời!
5. “Không có cách dùng nào như cách dùng nào, không có giới hạn nào giống giới hạn nào”
Đừng dùng những hình mẫu nghiêm túc hoặc hoa mỹ. Đừng tiếp thu ngay bất cứ điều gì về mặt giá trị. Ngay cả khi đó là lời khuyên của những võ sĩ hàng đầu hoặc những huấn luyện viên trên thế giới.
Hãy tự hỏi rằng nó có khả thi hoặc nó có thể làm cho bạn tốt hơn hay không. Đừng bao giờ đặt giới hạn cho bất cứ điều gì bạn làm, cho dù đó là các kỹ thuật võ thuật, phương pháp tập luyện hoặc một cái gì đó trong cuộc sống của bạn.
Tiếp thu những gì là hữu ích, loại bỏ những gì là vô ích, thêm vào những gì chỉ riêng bạn mới có. Không thể có hai võ sĩ giống hệt nhau!
Đầu tư cho bản thân
Thực ra, mỗi buổi sáng, trước mặt bạn không phải là 24 tiếng để kiếm tiền, mà là 24 tiếng để sống! Thứ bạn đầu tư không phải là tiền, mà chính là bản thân cuộc sống của bạn.
Ngạn ngữ có câu: “Cái gì mình biết là mình biết, cái gì chưa biết là chưa biết”. Cái chính là ta không thể nhìn trước được dữ liệu của tương lai, nên chiến lược tốt hơn là tập trung làm tốt nhất đối với dữ liệu ta đang có nhiều hơn.
Những dày vò nên hay không nên, nỗi đau khổ bạn tưởng rằng sẽ có, bản chất không quan trọng đến vậy. Điều quan trọng là đạt được ý nguyện của mình.
Chúng ta lựa chọn gì đó, thì phải buông bỏ gì đó. Có được gì đó, thì phải mất đi gì đó. Luôn là như vậy. Nhưng may mắn giữa những nỗi niềm chao đảo, đầy dao động như thế, tôi không phải xoay sở một mình và trơ trọi.
Cách đây một năm, tôi bắt đầu suy nghĩ con đường tiếp theo bên kia đồi. Một phần trong quá trình ấy là việc tôi phải tiếp tục học MBA.
Tôi đã ngừng học khoảng mười mấy năm nay và giờ phải làm quen lại với trường lớp cũng như bài tập. Mặc dù phải hoàn thành một khối lượng công việc không nhỏ bao gồm việc làm tại công ty, việc nhà, assignment mỗi cuối tuần, và cả giảng dạy tại trường Đại học, nhưng tôi vẫn cho rằng quay lại học là “một việc nên làm”.
Một từ khác mà tôi hay nhắc đi nhắc lại với những người xung quanh, là từ “khám phá”. Quay lại trường giúp tôi khám phá nhiều điều thú vị, từ những vấn đề mang tính số lượng như kế toán, thống kê và tài chính đến những vấn đề mang tính chất lượng như marketing, quản trị nhân sự hoặc đạo đức doanh nghiệp.
Ở một mức độ nào đó, sự khám phá liên quan đến việc tiếp nhận kiến thức rồi áp dụng vào công việc thực tế, tài chính, marketing, hoặc công nghệ thông tin. Loại khám phá này không bao giờ ngừng, mặc dù người ta thường loại bỏ nó khỏi các chương trình đào tạo vì cảm thấy không cần thiết.
Ở mức độ sâu sắc hơn, sự khám phá là quá trình học hỏi của chính bản thân, đó chính là hành trình mà tôi đã theo đuổi để lấy tấm bằng MBA.
Đi học lại, tôi không chỉ tiếp thu được những kiến thức trực quan, mà còn ghi nhận được những bài học ẩn chứa bên trong áp dụng cho chính bản thân. Môi trường ở đó, tôi tin rằng là nơi kích thích cho sự phát triển và tính sáng tạo xuất hiện.
Tôi nhớ những đêm 3g sáng đã phải thức dậy ngồi cặm cụi làm bài cho tới giờ đi làm. Một sáng sớm mai khác, ngồi tính ngân sách promotion của quý tới, tranh thủ chuẩn bị cho buổi họp để cuối tuần có thể dành nguyên ngày đến lớp, trở về nhà tiếp tục chong đèn xuyên đêm.
Những tối muộn sau khi kết thúc buổi họp cuối cùng, với các sếp, các phòng ban, hoặc hoàn tất buổi phỏng vấn tuyển dụng trong ngày, lại phải ở lại văn phòng, tham dự cho kịp giờ buổi live lecture với Giáo sư. 22g tối về đến nhà, ăn vội bữa cơm, đi ngủ, đặt đồng hồ báo thức, tiếp tục 4g sáng thức dậy làm việc.
Những ngày thi cắm cúi học ngày học đêm. Những ngày online thấp thỏm, bồn chồn chờ kết quả, lúc thất vọng, lúc hưng phấn. Những ngày vùi đầu soạn giáo án, vừa chấm điểm sinh viên, vừa liếc nhìn doanh số tháng tuột dốc và những báo cáo ảm đạm, vừa thở dài mệt mỏi.
Bạn cần thời gian nghỉ ngơi, hồi phục
Những lúc như vậy, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình cần thời gian đến thế! Thời gian nghỉ ngơi. Thời gian hồi phục. Thời gian tĩnh lặng. Thời gian suy nghĩ. Thời gian để lựa chọn, không phải work-life balance nữa, mà chính là cố gắng tìm chút “balance” trong “work”.
Thời điểm mà tôi cảm thấy kiệt sức nhất, chính là giai đoạn tôi đang lên dốc. Tôi buộc ép mình phải suy nghĩ sâu về vấn đề gì đó bằng cách đặt nó dưới lăng kính của thực tế. Thay vì nghĩ, “điều A chắc chắn là đúng” hay “điều A chắc chắn là sai”, sẽ bắt đầu nghĩ “Nếu phải đặt cược X tiền vào điều A là đúng/sai, mình có dám đặt không?” Mình có dám làm không? Lo lắng thì có giải quyết được vấn đề không? Né tránh thì có giải quyết được vấn đề không?
Trong lĩnh vực thiết kế quảng cáo và marketing, có một kỹ thuật gọi là ‘negative space’, hay còn gọi là ‘khoảng trống’ hoặc ‘không gian âm’. Đây không chỉ là một khái niệm quan trọng, mà còn là nền tảng tạo nên những sản phẩm đồ họa, quảng cáo, và nhiếp ảnh độc đáo.
Không gian âm là không gian xung quanh và giữa các yếu tố chính trong một bức tranh, một thiết kế quảng cáo. Khi đánh giá một bản thiết kế, không gian âm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự cân bằng và sự hài hòa. Nó giúp làm nổi bật hình ảnh đối tượng chính, đồng thời hướng tâm trí của người xem vào tâm điểm của thông điệp.
Việc sử dụng nhiều ‘negative space’ hơn xung quanh chủ đề, không chỉ tạo ra tính thanh lọc trong thiết kế, mà còn giúp tăng cường sự tập trung của thị giác vào mục tiêu chính của nó.
Tôi bất chợt liên tưởng, cuộc đời mình giống như một bức tranh vậy, nơi ‘negative space’ đóng vai trò quan trọng như không gian xung quanh những đối tượng chính.
Những khoảnh khắc trống rỗng, những thời điểm giản đơn không có sự kiện nổi bật, giống như những khoảnh khắc “negative” trong bức tranh.
Chính những khoảnh khắc trống trải qua những thử thách, những lúc buồn bã, và những khoảnh khắc yên bình đã tạo nên sự cân bằng và độ rõ ràng trong cuộc sống của chính tôi.
Cho dù cách hiểu của mỗi người có thể khác nhau, nhưng ai cũng có thể hiểu ngầm, mình đang tìm kiếm một thứ sức mạnh giúp bản thân làm chỗ dựa bấu víu vượt qua con đường khắc nghiệt trước mặt. Bạn đâu thể cứ mãi làm công việc như hiện tại trong 20 năm là sẽ đạt được ước mong, đúng không?
Một con người cũ thì không thể tạo ra kết quả mới được. Những điều mà tôi đã học trong 18 tháng vừa qua thật ra đã đưa tôi đến gần hơn với con người mà tôi cần phải trở thành.
Kiên định với giá trị con đường thực học, chính là giữ vững phẩm chất chính trực, trung thực với sự thiếu sót và không ngừng cải thiện bản thân theo thời gian.
Những tháng ngày học tập dai dẳng và đầy gian nan cũng đi đến hồi kết. Mượn tạm phản hồi trong bài assignment HRM cuối cùng từ Dr. Robert Goldwasser, tôi muốn lưu giữ vài dòng cho chính mình hôm nay: “You obviously put a lot of effort into it, and it shows. Thank you for your hard work!”.
Phạm Thị Ngọc Duẩn