Có khi nào: Thấy "ma" là do bệnh? - Doctor247

Có khi nào: Thấy “ma” là do bệnh?

Có một sự thật là dù ở phương Tây hay phương Đông, nỗi sợ về những thứ “bên kia thế giới”, “không sống”, “cõi âm”,… luôn hiện hữu. Vì vậy, hãy thử lắng nghe góc nhìn của y học về việc “gặp ma” có phải là hữu duyên hay không nhé.

Bạn nghĩ thấy "ma" là do bệnh hay hữu duyên?
Bạn nghĩ thấy “ma” là do bệnh hay hữu duyên?

Tiếng ván kêu cót két, những âm thanh lạ vào ban đêm và cảm giác rợn người khi bạn nghĩ mình không cô đơn. Đúng vậy, bạn không hề cô đơn khi có cảm giác này, có đến 1/3 người dân Anh và gần một nửa người Mỹ tin vào ma quỷ, linh hồn và các hiện tượng siêu nhiên khác.

Thậm chí, cứ 5 người lại có 1 người cho biết họ từng “thấy” ma. Và cứ mười người thì có một người cho rằng mình từng “giao tiếp” với người đã khuất. Độc lạ phương Tây!

Bóng “ma” đè cả người Đông lẫn người Tây

Liệu có lời giải thích nào thực tế hơn cho những hiện tượng rùng rợn này không? Câu trả lời là có. Các chuyên gia cho rằng MỘT nguyên nhân phổ biến có thể là liệt giấc ngủ, dân gian gọi là bóng đè, tên khoa học là sleep paralysis, một tình trạng thường gặp nhưng khá kỳ lạ.

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), bóng đè xảy ra khi người ta không thể cử động hoặc nói chuyện trong lúc tỉnh dậy hoặc khi vừa chìm vào giấc ngủ. Tình trạng này diễn ra trong một giai đoạn cụ thể của chu kỳ giấc ngủ gọi là giấc ngủ REM, khi não hoạt động mạnh nhưng cơ thể vẫn “đang ngủ”. Giấc mơ sống động nhất thường xảy ra ở giai đoạn này, và bóng đè có thể xảy ra khi người ta tỉnh giấc trong khi giấc ngủ REM vẫn đang tiếp diễn.

Bóng đè là tình trạng phổ biến ở nhiều người
Bóng đè là tình trạng phổ biến ở nhiều người

Một số người mắc phải bóng đè còn kể rằng họ cảm thấy áp lực đè nặng trên ngực và có thể nhìn thấy ảo giác, bao gồm những hình ảnh đáng sợ. Mô tả về tình trạng này đã xuất hiện trong các câu chuyện dân gian từ hàng trăm năm trước, khi người ta gọi hiện tượng này là “mụ phù thủy” vì cảm giác như có một bóng ma đang đè lên ngực người bệnh.

Dù khoa học hiện đại chưa thể giải thích hoàn toàn nguyên nhân, bóng đè thường phổ biến hơn ở những người mắc chứng mất ngủ, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) và lo âu.

Carbon monoxid là một loại khí nguy hiểm có thể gây ra ảo giác
Carbon monoxide là một loại khí nguy hiểm có thể gây ra ảo giác

Ảo giác có thể khiến chúng ta gặp ma

Một nguyên nhân khác khiến người ta thấy ma lại có thể nguy hiểm hơn: khí carbon monoxide. Loại khí không màu, không mùi này có thể thoát ra từ các thiết bị lắp đặt không đúng cách, hỏng hóc hoặc sử dụng sai như nồi hơi, bếp gas và lò nướng.

Khí này độc hại và có thể gây đau đầu, lú lẫn, chóng mặt và buồn nôn. Carbon monoxide cũng có thể gây ra ảo giác – từ những năm 1920, các chuyên gia y tế đã liên hệ hiện tượng này với các báo cáo về việc thấy ma.

Bất thường ở não cũng có thể gây nhìn thấy những hình ảnh "ma quái"
Bất thường ở não cũng có thể gây nhìn thấy những hình ảnh “ma quái”

Do những bất thường trong não bộ

Theo một số nghiên cứu, thấy ma cũng có thể do một bất thường trong não. Năm 2017, một tạp chí y khoa hàng đầu đã công bố câu chuyện về một bệnh nhân 26 tuổi bị động kinh, được điều trị bằng cách cấy điện cực vào não.

Khi các bác sĩ tại Trung tâm Công nghệ Thần kinh Thích ứng Quốc gia ở New York kích thích một vùng não gọi là khu vực nhận diện khuôn mặt (fusiform face area – FFA), bệnh nhân đã gặp phải những ảo giác đáng sợ. Anh ta nói rằng: “Khuôn mặt của bạn thay đổi hoàn toàn… Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đôi mắt của bạn… thay đổi.”

Trong một thí nghiệm khác trên một bệnh nhân động kinh 22 tuổi, các nhà khoa học phát hiện rằng khi kích thích bán cầu não trái của bệnh nhân, cô cảm thấy có “một người” hoặc “bóng” đứng ngay sau mình dù bóng đó không di chuyển hay nói chuyện.

Những phát hiện này giúp giải thích vì sao có đến một nửa số người mắc bệnh Parkinson – bệnh gây tổn thương não tiến triển – cũng nói rằng họ nhìn thấy hình ảnh ma quái.

Nhiều người nghe thấy "tiếng" của người thân vừa qua đời
Nhiều người nghe thấy “tiếng” của người thân vừa qua đời

Những tiếng vọng từ người thân đã qua đời

Trong khi đó, nghiên cứu gần đây đã tìm ra lý do tại sao nhiều người lại nghe thấy giọng nói của người thân đã khuất trong thời gian đau buồn. Nguyên nhân được cho là do cách bộ não tạo ra các “sơ đồ tâm lý” (schema) – khung tâm lý giúp con người tổ chức và giải thích thông tin dựa trên kinh nghiệm trước đó. Ví dụ, khi ta vào một nhà hàng, ta biết quy trình tiếp đón, chọn chỗ ngồi và phục vụ thức uống là gì.

Tương tự, các cặp đôi thường quen với sự hiện diện của nhau tại nhà đến mức khi một người ra đi, người kia đôi lúc vẫn cảm giác như đối phương còn ở đó. Theo các nhà tư vấn tâm lý, những người mất đi người thân cũng thường mô tả rằng họ có thể nghe thấy giọng nói của chồng hoặc vợ mình.

Vì vậy, nếu bạn thấy một bóng ma, đừng vội hoảng sợ – có thể là một nguyên nhân khác đang ẩn đằng sau. Tuy nhiên, dù khoa học chưa có bằng chứng rõ ràng về sự sống sau khi chết… điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại.

“Có khi nào?” thường tập trung vào những câu hỏi, giả định không hiển nhiên hoặc ngược lại với nhận thức phổ biến. Cách tiếp cận của series này là khám phá và giải thích những điều tưởng chừng phi lý nhưng lại có lý, hoặc liên kết những thứ mà chúng ta đã không để tâm đến quá nhiều. Hoặc đơn giản, giải đáp cho câu hỏi “Có khi nào?”

Tỉnh giấc lúc 4 giờ sáng hóa ra không phải là do ‘tâm linh’ – Doctor247

Rùng rợn hơn cả “chuyện ma mùa Halloween” chính là… ghosting – Doctor247

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận