Có khi nào: Thất bại chưa chắc đã là mẹ thành công? - Doctor247

Có khi nào: Thất bại chưa chắc đã là mẹ thành công?

“Thất bại là mẹ thành công” là một quan niệm phổ biến trong cả văn hóa Việt Nam lẫn thế giới. Nhưng liệu thất bại có là một bài học hữu ích, hay chúng ta có thể học hỏi tốt hơn khi thành công?

Làm sao để có thể thành công từ những thất bại?
Làm sao để có thể thành công từ những thất bại?

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, thay vì một bậc thang dẫn tới thành công, thất bại đôi khi lại là một rào cản tâm lý ngăn ta tiến lên. Hãy cùng nhìn lại để hiểu khi nào những vấp ngã mới thực sự có giá trị, và khi nào nó chỉ là một bước lùi trong hành trình phát triển bản thân.

Tổn thất tinh thần hơn là bài học quý báu?

Chúng ta thường nghe về những tấm gương vĩ đại, những cá nhân nổi bật từng trải qua hàng loạt thất bại rồi mới đạt được thành công. Steve Jobs bị sa thải khỏi chính công ty do mình sáng lập, Thomas Edison thử nghiệm hơn 1.000 lần trước khi chế tạo thành công bóng đèn. Nhưng liệu đây có phải là chuẩn mực mà ai cũng nên theo đuổi?

Nghiên cứu từ University of Chicago chỉ ra rằng con người thường tập trung vào những điều mình đã làm sai và dễ dàng bị đè nặng bởi cảm giác thất vọng và tự ti. Giáo sư Ayelet Fishbach, người đứng đầu nghiên cứu, nhận xét: “Thất bại có thể khiến chúng ta mất niềm tin vào bản thân và thậm chí tránh né việc thử lại.” Điều này đặc biệt đúng với những người trẻ, khi những sai lầm đầu đời của họ không nhận được sự đồng hành từ những người cố vấn hay có một mối trường phù hợp để phát triển, dễ dẫn đến sự chán nản và hoài nghi về năng lực của mình.

Thất bại đôi khi không hoàn toàn phù hợp với một số người trong chúng ta
Thất bại đôi khi không hoàn toàn phù hợp với một số người trong chúng ta

Đôi khi việc thành công có thể dạy ta nhiều hơn

Một nghiên cứu khác từ University of Chicago cho thấy con người học hỏi hiệu quả hơn từ thành công. Khi đạt được điều gì đó, dù chỉ là một thành tựu nhỏ, chúng ta có động lực tái tạo và mở rộng những yếu tố đã dẫn đến thành công đó. Thành công, về cơ bản, không chỉ giúp chúng ta tự tin hơn mà còn củng cố khả năng đánh giá đúng những phương pháp hay kỹ năng cần thiết để đạt được kết quả tốt.

Điều này được minh họa rõ nét qua câu chuyện của vận động viên Michael Phelps, người giữ kỷ lục Olympic với 28 huy chương. Thành công trong những lần thi đấu đầu tiên không chỉ là động lực mà còn giúp anh tinh chỉnh phương pháp tập luyện, để sau đó có thể tự tin vượt qua các đối thủ mạnh nhất thế giới. Cảm giác chiến thắng này là nhiên liệu mạnh mẽ giúp anh tiếp tục theo đuổi các mục tiêu khó khăn hơn mà không phải loay hoay với những sai lầm cơ bản.

Michael Phelps, người giữ kỷ lục Olympic với 28 huy chương
Michael Phelps, người giữ kỷ lục Olympic với 28 huy chương (Nguồn ảnh: Biography)

Thất bại như thế nào mới thật sự có giá trị?

Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là thất bại hoàn toàn vô ích. Nó thể là cơ hội tốt để rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, nhưng chỉ khi nó được xử lý đúng cách. Psychology Today nhấn mạnh rằng những sai lầm chỉ thực sự có giá trị khi diễn ra trong một môi trường an toàn, nơi con người có thể thử nghiệm và học hỏi mà không chịu những hậu quả tiêu cực lâu dài. Điều này cũng giống như việc tạo điều kiện cho học sinh thử và sai trong lớp học, nơi họ được hướng dẫn, hỗ trợ và có không gian để tự tin tiếp tục.

Một nghiên cứu của Harvard Business Review cũng chỉ ra rằng thất bại ở quy mô nhỏ có thể có lợi khi nó được xử lý ngay lập tức, với sự phân tích rõ ràng về nguyên nhân và cách khắc phục. Ví dụ, các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon thường khuyến khích nhân viên thử nghiệm các dự án nhỏ để dễ dàng đánh giá hiệu quả mà không phải chịu hậu quả nặng nề. Những thiếu sót trong trường hợp này được xem như “thất bại nhanh” – nhanh chóng nhận ra sai lầm và học hỏi từ đó.

Nhìn chung, cả thất bại và thành công đều có vai trò trong việc định hình con người. Tuy nhiên, câu chuyện về thành công không chỉ nằm ở việc học hỏi từ những sai lầm. Thành công mang lại cảm giác tự tin và rõ ràng về những gì có thể làm tốt hơn, trong khi thất bại chỉ có giá trị khi được tiếp cận một cách tích cực, phù hợp.

Thay vì mải miết lao lên một cách vô định, có lẽ chúng ta cần tập trung vào những gì đã làm tốt để tiếp tục phát huy, và sẵn sàng đối mặt với những thất bại một cách nhẹ nhàng. Như Samuel Beckett đã từng nói: “Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.”, tạm dịch: “Đã từng thử. Đã từng thất bại. Không sao cả. Hãy thử lại. Lại thất bại. Thất bại tốt hơn.”

“Có khi nào?” thường tập trung vào những câu hỏi, giả định không hiển nhiên hoặc ngược lại với nhận thức phổ biến. Cách tiếp cận của series này là khám phá và giải thích những điều tưởng chừng phi lý nhưng lại có lý, hoặc liên kết những thứ mà chúng ta đã không để tâm đến quá nhiều. Hoặc đơn giản, giải đáp cho câu hỏi “Có khi nào?”.

Có khi nào: Áp lực “Con nhà người ta” đã trở thành thước đo của cuộc đời mình? – Doctor247

Có khi nào: Áp lực đồng trang lứa không phải vì chúng ta còn trẻ mà là vì chúng ta sẽ trưởng thành? – Doctor247

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận