Chúng ta phản ứng ra sao khi “bị flop” trên mạng xã hội?
Minh Tiến
2 ngày trước
Khi không ai quan tâm đến bài đăng của bạn trên mạng xã hội, bạn sẽ làm gì?
Những nền tảng như X (tên cũ là Twitter), Facebook, Instagram hay Reddit giúp chúng ta dễ dàng kết nối với rất nhiều người. Một bài đăng có thể tiếp cận hàng chục, hàng trăm, thậm chí cả ngàn người.
Tuy nhiên, cảm giác “bị bơ” xuất hiện khi bài đăng của bạn không nhận được lượt thích, chia sẻ hay bình luận như mong đợi. Điều này thường khiến nhiều người cảm thấy bị cô lập. Nhưng bạn sẽ phản ứng thế nào? Bạn sẽ cố gắng kết nối lại, hay lặng lẽ thoát khỏi ứng dụng? Một nghiên cứu từ Christoph Kenntemich và cộng sự vừa được công bố trên Personality and Social Psychology Bulletin đã tìm hiểu phản ứng của chúng ta trước tình huống này.
Khi “bị flop”, mọi người thường làm gì?
Nhóm nghiên cứu chỉ ra ba cách mà mọi người thường phản ứng khi bài đăng của họ không nhận được sự quan tâm mong muốn:
Đăng thêm để tìm kiếm sự chú ý từ nhiều người:
Khi bị bỏ qua, chúng ta thường cảm thấy như mình “vô hình”. Điều này thôi thúc nhiều người đăng thêm bài mới để tìm lại cảm giác được quan tâm, dù không hẳn là muốn được yêu thích, mà chỉ đơn giản là muốn được người khác phản hồi.
Tìm cách kết nối với cá nhân cụ thể:
Cũng có trường hợp, cảm giác bị cô lập khiến bạn muốn gắn kết với những người cụ thể. Có thể bạn sẽ bình luận hoặc chia sẻ bài đăng của người khác, hy vọng rằng họ sẽ chú ý và phản hồi để tạo sự kết nối cá nhân.
Im lặng và rút lui:
Một số người chọn cách tránh xa mạng xã hội, không đăng thêm gì nữa để khỏi cảm thấy bị “bơ” thêm.
Dữ liệu từ nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện trên Twitter (khi đó chưa đổi tên thành X) và Reddit. Các nhà nghiên cứu theo dõi xem bài đăng có nhận được tương tác nhiều hay ít hơn bình thường và thời gian người dùng đăng bài tiếp theo hoặc tương tác với người khác.
Nếu một người đăng bài tiếp theo rất nhanh sau một bài viết không được chú ý, điều đó cho thấy họ bị động lực thúc đẩy bởi cảm giác thất vọng và mong muốn tìm lại sự chú ý.
Kết quả cho thấy điều gì?
Cả hai nghiên cứu đều chỉ ra rằng, khi cảm thấy bị cô lập trên mạng xã hội, hầu hết mọi người chọn cách đăng thêm bài mới để tìm kiếm sự quan tâm từ đông đảo người khác. Ngược lại, họ ít có xu hướng tương tác cá nhân như bình luận hay trả lời bài đăng của người khác.
Đặc biệt, nghiên cứu không thấy bằng chứng cho thấy người dùng rút lui khỏi mạng xã hội khi gặp trải nghiệm tiêu cực.
Ngoài ra, những người có thói quen đăng bài thường xuyên lại ít bị ảnh hưởng bởi việc bài viết của họ có phổ biến hay không. Có thể vì họ đã quen với những thăng trầm trong lượng tương tác, hoặc đơn giản là họ không quan tâm lắm đến việc người khác nghĩ gì, nên cảm thấy thoải mái hơn khi đăng bài thường xuyên.
Vậy nên, nếu một ngày bạn cảm thấy không ai quan tâm đến bài đăng của mình, hãy nhớ rằng bạn không cô đơn trong trải nghiệm này. Cách bạn chọn phản ứng sẽ thể hiện rất rõ cách bạn nhìn nhận chính mình trên không gian mạng.