Chơi vật tay, nam thanh niên tập gym bị gãy tay - Doctor247

Chơi vật tay, nam thanh niên tập gym bị gãy tay

Gần đây, một nam thanh niên 21 tuổi đến từ tỉnh Nghệ An đã phải nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với chẩn đoán gãy xương cánh tay phải sau khi tham gia trò vật tay cùng bạn bè.

Bệnh nhân H.H.C., hiện đang sinh sống và học tập tại Hà Nội, cho biết anh thường xuyên tập gym và tham gia các trận vật tay với bạn bè. Trong một trận đấu vật tay, anh bất ngờ nghe thấy tiếng “cục” và lập tức cảm thấy cơn đau dữ dội, kèm theo hiện tượng biến dạng và mất khả năng vận động ở cánh tay phải.

Tại bệnh viện, anh C. được kiểm tra trong tình trạng cánh tay sưng đau, biến dạng và vận động bị hạn chế. Các ngón tay vẫn hoạt động bình thường, không có dấu hiệu yếu liệt. Kết quả chụp X-quang cho thấy xương cánh tay phải gãy chéo ở 1/3 dưới, có mảnh xương rời lớn.

Các bác sĩ chẩn đoán anh bị gãy kín xương cánh tay phải và chỉ định phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít. Sau phẫu thuật, người bệnh được chụp X-quang kiểm tra và xác nhận rằng xương đã được phục hồi đúng vị trí. Anh được xuất viện sau 4 ngày điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phan, khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung của bệnh viện, cho biết xương cánh tay là xương lớn của chi trên và khi bị gãy có thể dẫn đến biến chứng liệt thần kinh quay, với tỷ lệ từ 8-20%.

Cẩn trọng với chấn thương khi chơi vật tay

Theo bác sĩ Phan, gãy xương khi chơi vật tay thường xảy ra do cơ chế xoắn vặn, dẫn đến ổ gãy có thể ở dạng chéo hoặc có mảnh xương rời. Khi chơi vật tay, lực tác động lên cánh tay rất lớn, đặc biệt khi khuỷu tay ở tư thế gấp, gây áp lực lớn lên vùng 1/3 dưới của xương cánh tay – nơi có nguy cơ gãy cao nhất.

Bác sĩ cũng cho biết việc thay đổi hướng xoắn vặn hoặc thay đổi lực đột ngột để tạo sự bất ngờ cho đối thủ có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.

Để tránh các tai nạn đáng tiếc, các bác sĩ khuyến cáo người chơi vật tay nên chọn đối thủ có cân nặng và chiều cao tương đồng, tránh chênh lệch quá lớn. Cần lựa chọn chiến thuật thi đấu hợp lý, tránh gây quá tải cơ và kiểm soát trọng tâm cơ thể để đảm bảo thăng bằng, tránh hụt đà và ngã khi thi đấu.

Ngoài ra, kỹ thuật thi đấu chuẩn và không cố định cánh tay ở khớp vai là rất quan trọng. Khi gặp bất kỳ chấn thương nào sau khi chơi vật tay hoặc chơi thể thao, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Nguồn tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận