Chỉ số huyết áp 150/100 mmHg có thuộc loại huyết áp cao không? - Doctor247

Chỉ số huyết áp 150/100 mmHg có thuộc loại huyết áp cao không?

Nếu đo được chỉ số huyết áp 150/100 mmHg có cao không? Nếu cao thì phải làm gì để kiểm soát tốt?

Huyết áp là gì?

Muốn biết huyết áp 150/100 mmHg có cao không thì trước tiên, bạn cần hiểu rõ huyết áp là gì? Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch khi nó chảy qua đây và được đo bằng đơn vị milimét thủy ngân (mmHg). Trong đó bao gồm:

  • Huyết áp tâm thu là chỉ số áp lực máu lên thành động mạch khi tim co bóp đẩy máu đi khắp cơ thể
  • Huyết áp tâm trương là chỉ số áp lực máu lên thành động mạch khi tim nghỉ ngơi giữa hai lần đập liên tiếp.

huyet-ap

Phân độ huyết áp

Để trả lời cho vấn đề huyết áp cao là bao nhiêu, huyết áp 150/100 mmHg có cao không, bạn cần phải đo huyết áp đúng quy trình và so sánh với bảng chỉ số huyết áp. Theo hướng dẫn mới cập nhật của CDC Việt Nam, huyết áp được phân độ như sau:

  • Huyết áp tối ưu: Huyết áp tâm thu < 120mmHg và huyết áp tâm trương < 80mmHg
  • Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 120 – 129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 80 – 84 mmHg
  • Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 130 – 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 – 89 mmHg
  • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu nằm trong khoảng 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 – 99 mmHg
  • Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu trong khoảng 160 – 179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 109 – 110 mmHg
  • Tăng huyết áp độ 3: Huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg. Trường hợp này là tăng huyết áp khẩn cấp, nghiêm trọng, cần được điều trị ngay lập tức bằng thuốc hạ huyết áp khẩn cấp vì nguy cơ tử vong là rất cao.

Huyết áp 150/100 mmHg có cao không?

Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Vậy, huyết áp 150/100 mmHg có cao không, câu trả lời là .

Trong trường hợp này, huyết áp tâm thu 150 thuộc mức tăng huyết áp độ 1, huyết áp tâm trương 100 lại thuộc mức tăng huyết áp độ 2. Nếu huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương không cùng mức phân độ thì chọn giá trị ở mức cao hơn để xếp loại. Vì vậy, chỉ số huyết áp 150/100 mmHg thuộc mức tăng huyết áp độ 2.

huyet-ap-2

Huyết áp 150/90 mmHg có cao không? Tương tự, câu trả lời vẫn là CÓ và chỉ số này lại thuộc mức tăng huyết áp độ 1. Vì trong trường hợp này, cả huyết áp tâm thu và tâm trương đều thuộc mức tăng huyết áp độ 1.

Khi đã đo được chỉ số huyết áp 150/100 mmHg hay 150/90 mmHg, bạn đừng vội vàng kết luận. Bởi huyết áp có thể thay đổi trong suốt cả ngày do nhiều yếu tố như: ăn mặn, cường độ luyện tập, hút thuốc lá, căng thẳng thần kinh, uống rượu bia hay caffein, cũng như các bệnh lý mạn tính mắc kèm. Vì vậy, hãy đo huyết áp ít nhất 2 lần và mỗi lần nên đo cách nhau khoảng 5 phút, đồng thời theo dõi chỉ số này trong nhiều ngày.

Ngoài ra, việc đo huyết áp tại nhà có thể xảy ra sai số do máy đo, người đo. Vì vậy, khi nghi ngờ chỉ số huyết áp của mình cao, bạn nên đến cơ sở y tế để được nhân viên y tế đo và kết luận.

Hiểu rõ huyết áp 150/100 mmHg để phòng ngừa và điều trị

Huyết áp cao là một bệnh lý mạn tính, gây nhiều sức ép đến các mô và khiến các mạch máu bị tổn hại dần theo thời gian. Từ đó, bệnh này gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe như: nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, suy tim, phình động mạch chủ, tai biến mạch máu não, suy thận…, thậm chí là tử vong.

Hiểu rõ huyết áp 150/100 mmHg có cao không sẽ giúp bạn chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị để kiểm soát tốt huyết áp. Huyết áp mục tiêu cần đạt cho những bệnh nhân cao huyết áp độ 2 là < 140/90 mmHg. Nếu nguy cơ biến chứng tim mạch từ cao đến rất cao thì mục tiêu huyết áp cần đạt là < 130/80 mmHg.

Các biện pháp kiểm soát huyết áp bao gồm:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau củ quả xanh, giảm các loại thực phẩm chứa nhiều cholesterol và chất béo xấu, giảm ăn mặn (dùng dưới 6g muối/ngày)
  • Tập thể dục đều đặn, vừa sức khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày
  • Cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân lành mạnh bằng chế độ ăn và tập luyện nếu đang thừa cân
  • Ngừng hoặc hạn chế uống rượu bia, thức uống chứa caffein
  • Bỏ hút thuốc lá
  • Giữ ấm cơ thể, tránh để nhiễm lạnh đột ngột
  • Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc (7-9 tiếng mỗi ngày) để tránh căng thẳng, lo âu
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý nền đang mắc phải
  • Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp theo chỉ định của bác sĩ
  • Thường xuyên đo huyết áp và theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà.

Trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi chỉ số huyết và có thể thay đổi tăng/giảm liều, cũng như phối hợp thêm thuốc hoặc bỏ bớt thuốc tùy theo tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Hãy thông báo cho bác sĩ về các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc điều trị cao huyết áp. Khi điều trị đã đạt được huyết áp mục tiêu, bệnh nhân vẫn cần tiếp tục duy trì điều trị lâu dài kèm theo tái khám định kì và theo dõi chặt chẽ với bác sĩ.

Trúc Phạm

Theo Hellobacsi

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận