Chủ đề
Chất xơ từ nấm có thể giúp chống lại cảm cúm
Nấm từ lâu đã được biết đến như một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng ít ai ngờ rằng chúng còn có thể trở thành “lá chắn” bảo vệ cơ thể khỏi virus cúm.
Công dụng bất ngờ của nấm
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, nấm có thể giúp giảm các nguy cơ liên quan đến trầm cảm, kích thích sự phát triển của tế bào não và thậm chí có tác dụng chống lại ung thư. Giờ đây, một nghiên cứu mới còn cho thấy, nấm có thể giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh cúm.
Nhóm nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học McGill (Canada) dẫn đầu đã phát hiện ra rằng, chất xơ beta-glucan có trong tất cả các loại nấm có thể hoạt động như một lớp rào cản giúp cơ thể chống lại virus cúm. Trong nghiên cứu trên chuột, chúng giúp chuột chống lại các nguy cơ viêm phổi từ virus.

Hơn thế nữa, những con chuột được bổ sung chất xơ beta-glucan còn có chức năng phổi cải thiện rõ rệt. Nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong do cúm cũng giảm đi đáng kể. Các thử nghiệm trên người có thể sẽ giúp hiểu rõ hơn về tác động của chất xơ này, nhưng phát hiện ban đầu cho thấy đây là một hướng nghiên cứu đầy hứa hẹn.
Nhà miễn dịch học Maziar Divangahi tại Đại học McGill cho biết: “Beta-glucan được tìm thấy trong thành tế bào của tất cả các loại nấm, bao gồm cả một số loại nấm sống trong và trên cơ thể con người như một phần của hệ vi sinh vật.Chúng tôi đang đặt giả thuyết rằng, mức độ và thành phần của nấm trong cơ thể một người có thể ảnh hưởng đến cách hệ miễn dịch của họ phản ứng với nhiễm trùng, một phần nhờ vào beta-glucan.”
Chất xơ trong nấm giúp “tái lập trình” bạch cầu
Beta-glucan vốn đã được biết đến với khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học muốn kiểm tra khả năng giúp cơ thể “chịu đựng bệnh tật” – tức là giảm tác động của virus lên cơ thể thay vì tiêu diệt trực tiếp virus như các phương pháp điều trị kháng virus truyền thống.
Điểm đặc biệt của beta-glucan là nó có thể “tái lập trình” các tế bào miễn dịch để đối phó tốt hơn với virus cúm. Những con chuột được điều trị có số lượng bạch cầu trung tính (neutrophil) nhiều hơn, nhưng chúng hoạt động một cách có kiểm soát hơn so với bình thường.
Theo nhóm nghiên cứu, chính sự “tái lập trình” này là yếu tố then chốt giúp giảm nguy cơ bạch cầu trung tính phản ứng thái quá khi chống lại nhiễm trùng. Đây vốn là nguyên nhân có thể dẫn đến viêm phổi nghiêm trọng cùng các biến chứng nguy hiểm khác, ví dụ như như viêm phổi sau cúm.
Ngoài ra, các bạch cầu trung tính được “tái lập trình” nhờ beta-glucan có thể duy trì tác dụng trong vòng một tháng. Điều đó cho thấy rằng, một liệu pháp dựa trên beta-glucan có thể mang lại hiệu quả bảo vệ lâu dài. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn đang ở giai đoạn đầu và cần nhiều thử nghiệm hơn để xác nhận tác dụng này.
Mặc dù các nhà khoa học đã hiểu rõ lợi ích của việc giúp cơ thể chịu đựng bệnh tật và cách nó có thể cứu sống con người, vẫn còn nhiều điều chưa biết về cơ chế hoạt động của quá trình này. Nghiên cứu này đã mang lại nhiều hiểu biết hữu ích và có thể được ứng dụng trong các nghiên cứu về các bệnh hô hấp khác trong tương lai.