Chủ đề
Chất tạo ngọt nhân tạo gây tổn thương tim đến mức nào?
Chất tạo ngọt nhân tạo phổ biến aspartame được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiêu dùng thông qua một cơ chế hóa học mới được phát hiện trên lớp niêm mạc của động mạch.
Tác hại ‘không tưởng’ trên chuột
Để làm rõ tác hại của chất làm ngọt nhân tạo này, các nhà nghiên cứu đến từ các nước Thụy Điển, Trung Quốc và Mỹ đã cho chuột chỉnh sửa gen sử dụng aspartame trong 12 tuần. Liều lượng sử dụng tương đương với mức tiêu thụ hàng ngày của một người uống khoảng 3 lon soda ăn kiêng.
Kết quả cho thấy rằng, so với nhóm chuột không tiêu thụ aspartame, nhóm chuột tiêu thụ chất tạo ngọt này có mức insulin cao hơn, đồng thời dẫn đến các tình trạng gồm viêm mạch máu nghiêm trọng hơn và lượng mỡ bám thành các mảng trong động mạch cũng nhiều hơn. Nếu bạn chưa biết, đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.
Kết quả này cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu thêm để xác định, liệu các chất phụ gia thực phẩm này và ảnh hưởng của chúng đến mức insulin có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không. Vì chưa có một cuộc thí nghiệm nào trực tiếp trên cơ thể người, nhưng các kết quả thí nghiệm trên chuột vẫn rất đáng quan ngại.

Kiến thức mới về CX3CL1
Mặc dù trước đây chất tạo ngọt nhân tạo đã được liên kết với tình trạng rối loạn insulin, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa rõ về cơ chế sinh học cụ thể và các rủi ro sức khỏe kéo theo.
Các nhà khoa học đã xác định được một phân tử tín hiệu có tên CX3CL1, phân tử này sẽ hoạt động mạnh hơn khi mức insulin tăng cao.
Khi loại bỏ thụ thể CX3CL1 trong chuột, tình trạng tích tụ mảng bám trong động mạch giảm đáng kể – chứng tỏ rằng phân tử này có vai trò quan trọng trong việc gia tăng nguy cơ tổn thương tim ở người và có thể là mục tiêu điều trị tiềm năng.
Thông thường, do máu chảy mạnh qua động mạch, hầu hết các hóa chất sẽ bị rửa trôi nhanh chóng. Nhưng điều đáng nói ở đây chính là CX3CL1 không bị cuốn đi. Nó bám chặt vào lớp niêm mạc trong của mạch máu và hoạt động như một cái bẫy, bắt giữ các tế bào miễn dịch đi qua.

Quay về với ‘chân ái’ là đường có tốt hơn?
Những tác động tiêu cực quan sát được trên nhóm chuột tiêu thụ aspartame có thể xuất phát từ việc, chất tạo ngọt này ngọt hơn đường tới 200 lần. Mức độ ngọt này khiến các thụ thể trong miệng và ruột phản ứng quá mức, dẫn đến sản xuất insulin vượt mức cần thiết.
Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch và thúc đẩy xơ vữa động mạch (hẹp động mạch), mặc dù cần thêm nghiên cứu để xác nhận liệu chuỗi phản ứng tương tự có xảy ra ở người hay không.
Mặc dù thường được xem là lựa chọn lành mạnh hơn so với đường (vốn cũng có nhiều tác hại), nhưng các nghiên cứu trước đây đã liên kết chất tạo ngọt nhân tạo với nguy cơ ung thư, gia tăng lo lắng và rối loạn học tập.
Tuy nhiên, tránh chất tạo ngọt nhân tạo để chuyển sang tiêu thụ đường cũng không phải là giải pháp tối ưu. Giáo sư Oliver Jones từ Đại học RMIT (Úc) cho rằng nghiên cứu này còn nhiều điểm cần xem xét kỹ lưỡng.
“Nếu aspartame thực sự làm tăng nguy cơ tim mạch (điều mà nghiên cứu này chưa chứng minh được), thì mức độ ảnh hưởng của nó có thể rất nhỏ so với các yếu tố như chế độ ăn giàu chất béo, lượng đường cao và lối sống ít vận động,” Jones nhận định.
Vì có nhiều yếu tố tác động, cần phải tiếp tục điều tra thêm. Dù nghiên cứu này tập trung vào chuột có sự nhạy cảm cao hơn với insulin, nhưng nó vẫn giúp làm sáng tỏ cách mức insulin cao có thể làm tổn thương lớp niêm mạc động mạch.
Hiểu rõ cơ chế mà chất tạo ngọt nhân tạo làm trầm trọng thêm tình trạng xơ vữa động mạch là điều quan trọng để phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch.