Chủ đề
Chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cần thực hiện những biện pháp gì?
Công tác chăm sóc sức khỏe hiện vẫn đối mặt nhiều thách thức, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành, chính quyền các cấp và người dân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/01/2024 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược).
Mục tiêu của Chiến lược là mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, được sống trong cộng đồng an toàn, phát triển tốt về thể chất và tinh thần, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể là công tác phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện; bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng. Từng bước kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, nâng cao năng lực quản lý môi trường y tế, các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích và nâng cao sức khỏe người dân.
Công tác chăm sóc sức khỏe người dân đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các bộ, ngành, chính quyền các cấp. Ảnh minh họa: TL
Nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế từ Trung ương đến cơ sở để đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh; thu hẹp khoảng cách về bệnh tật, tử vong giữa các vùng, miền, các nhóm dân tộc. Phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp công – tư trong cung ứng dịch vụ y tế.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ một số nhiệm vụ trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong đó tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Đổi mới cơ chế tài chính y tế, hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ y tế. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, phát triển hình thức khám chữa bệnh trực tuyến. Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng.
Thực hiện đúng hướng, hiệu quả xã hội hoá trong lĩnh vực y tế. Bảo đảm bình đẳng giữa y tế Nhà nước và y tế ngoài Nhà nước. Xây dựng, phát triển mô hình bác sĩ gia đình. Phát triển mạnh ngành công nghiệp dược và thiết bị y tế. Phát triển thể dục, thể thao toàn dân để tăng cường sức khoẻ của nhân dân. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và thuốc chữa bệnh.
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Tuy nhiên, các yếu tố an ninh phi truyền thống, tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu dự báo diễn biến khó lường thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Quá trình đô thị hóa khiến cho chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số con sông… ngày càng tác động, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe nhân dân, trong khi đó nguồn lực về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế.
Tình trạng buôn bán và sử dụng động vật hoang dã còn diễn ra khá phổ biến, sự xuất hiện của các loại hình dịch bệnh mới diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, có thể gây ra suy thoái và khủng hoảng kinh tế sẽ tác động lâu dài đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài ra, văn hóa, phong tục tập quán của người Việt cũng đặt ra những thách thức trong chăm sóc sức khỏe nhân dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường khiến cho nước ta cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Các chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ giúp dự phòng bệnh tật, bao gồm bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, giảm tỷ lệ mắc bệnh. Ảnh minh họa: TL
Do vậy, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân cần phải có sự thay đổi phù hợp. Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra những yêu cầu đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đặc biệt liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, tầm vóc người Việt, an toàn thực phẩm … ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu là việc thiết yếu, dựa trên những phương pháp và kỹ thuật thực tiễn, có cơ sở khoa học và được chấp nhận về mặt xã hội, phổ biến đến tận mọi cá nhân và gia đình trong cộng đồng, với sự tham gia tích cực của họ.
Bốn nguyên lý chăm sóc sức khỏe ban đầu là cam kết chính trị, cộng đồng tham gia, phối hợp liên ngành, và sử dụng kỹ thuật thích hợp. Cần tăng cường thực hiện 10 nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu mà Việt Nam đã và đang triển khai trong gần 40 năm qua, đó là: Giáo dục sức khỏe, dinh dưỡng, môi trường-nước sạch, sức khỏe bà mẹ trẻ em-kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống bệnh dịch địa phương, chữa bệnh và chấn thương thông thường, thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe, xây dựng và củng cố mạng lưới y tế cơ sở.
Các chiến lược nêu trên sẽ giúp dự phòng bệnh tật, bao gồm các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, giảm tỷ lệ mắc bệnh; phát hiện sớm, điều trị triệt để nhằm giảm biến chứng tàn phế, tử vong; giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi.