Cận Tết nhiều người sốt, ho dai dẳng, đừng tự ý dùng kháng sinh - Doctor247

Cận Tết nhiều người sốt, ho dai dẳng, đừng tự ý dùng kháng sinh

Giáp Tết Nguyên đán, nhiều người bỗng xuất hiện triệu chứng sốt ớn lạnh, nhức mỏi người, đau họng, ho dai dẳng không hết… Nguyên nhân do đâu?

Cận Tết nhiều người sốt, ho dai dẳng kéo dài vài tuần – Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Bỗng sốt, ho dai dẳng nhiều tuần

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán 2024, nhiều người bỗng dưng xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, sốt, ho dai dẳng kéo dài.

Chị P.Q. (39 tuổi, TP.HCM) cho biết khi đi làm về vào buổi chiều tối, chị xuất hiện triệu chứng ớn lạnh, sốt cao lên đến 39 độ, đau mỏi khắp người.

Sau khi uống hai liều thuốc mua tại nhà thuốc, cơn sốt đã hết, nhưng hai tuần sau đó xuất hiện thêm triệu chứng đau họng, ho dai dẳng không hết, người uể oải…

“Những cơn ho kéo dài khiến đêm ngủ không ngon giấc, tôi phải ngồi dậy để bớt ho. Thậm chí không dám ra ngoài hoặc ngồi quán cà phê vì sợ ho ảnh hưởng mọi người. Tôi có uống thuốc và thường xuyên xông thảo dược nhưng ho vẫn không hết hẳn”, chị Q. lo lắng nói.

Có con nhỏ 4 tuổi, chị Hoa (35 tuổi, Hà Nội) cũng đang đau đầu vì con ho dai dẳng kéo dài, cứ khỏi vài ngày lại tái phát. Chị cho hay từ đầu mùa đông đến nay, đặc biệt một tuần trở lại đây con ho dai dẳng, kèm theo sổ mũi.

“Tôi có ra hiệu thuốc mua cho con uống hai đợt kháng sinh mà vẫn không đỡ, cứ khỏi được vài ngày, quay trở lại trường học lại tái phát khiến tôi rất lo lắng. Mặc dù đã giữ ấm cho con, hạn chế cho ra ngoài nhưng con vẫn ho”, chị Hoa nói.

Làm gì để phòng tránh dịch bệnh cận Tết?

Bác sĩ Trần Văn Ngọc – chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM – cho biết vào thời điểm cuối năm, những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nổi bật ở cả người lớn và trẻ em.

Giáp Tết, thời tiết chuyển lạnh tạo điều kiện để vi khuẩn, vi rút, nấm sinh sôi và phát triển hơn so với mùa nắng. Bên cạnh đó, sức đề kháng của cơ thể cũng giảm do ít vận động, ít ra khỏi nhà hơn, không khí lạnh tù túng sẽ gia tăng mật độ vi sinh vật.

Cộng hưởng hai yếu tố trên khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nhất là những người có bệnh nền trước đó như cảm cúm, hen phế quản, viêm phổi…

“Thông thường các bệnh sốt, ho kéo dài thường liên quan đến các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hoặc do bệnh lao phổi. Nếu triệu chứng ho 2 tuần trở lên không khỏi, người bệnh nên đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời”, bác sĩ Ngọc cho hay.

Bác sĩ Ngọc khuyến cáo người dân cần chú ý phòng ngừa bệnh bằng cách tăng sức đề kháng, ăn uống đầy đủ các chất, tăng cường tập thể dục (có thể tập trong nhà nếu trời lạnh), tiêm vắc xin cúm, phế cầu, nhất là với người có bệnh nền, điều trị tốt các bệnh mãn tính cho ổn định…

Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai, sai lầm của nhiều cha mẹ khi điều trị bệnh cho trẻ là tự ý dùng kháng sinh.

Khi thời tiết quá lạnh, niêm mạc mũi – họng không thể sưởi ấm đủ cho luồng không khí như lúc bình thường, không khí hít vào có nhiệt độ thấp làm hệ thống hô hấp hoạt động kém và dễ gây các bệnh mũi – họng, nặng hơn là viêm tai giữa, viêm phổi.

Ngoài ra, ở trẻ nhỏ, do trọng lượng cơ thể thấp, khả năng sinh nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể cũng hạn chế nên càng dễ bị các biến chứng do nhiễm lạnh.

Bác sĩ nhi khoa khuyến cáo khi trời lạnh, các bậc phụ huynh nên hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần hết sức chú ý cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người.

Tuy nhiên, cần lưu ý không nên giữ ấm quá mức khiến trẻ bị nóng bức, toát mồ hôi phía lưng, ngực. Lúc này nếu không kịp lau khô, nước dễ thấm ngược vào cơ thể gây viêm đường hô hấp do nhiễm lạnh. Đây là một sai lầm rất phổ biến của nhiều bố mẹ.

Theo Tuổi Trẻ

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận