Chủ đề
Cách thải độc rượu bia bằng thực phẩm rẻ tiền, dễ kiếm
Sau mỗi bữa tiệc tùng vui vẻ, nhiều người phải đối mặt với cảnh chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi… do nạp quá nhiều chất cồn vào người. Lúc này, hãy thử sử dụng những thực phẩm dễ kiếm dưới đây giúp thải độc rượu, bia khá hiệu quả.
Lạm dụng rượu bia ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Ngoài những tác hại dễ nhận thấy sau khi uống như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, rượu bia còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây ra các vấn đề xã hội như mất trật tự an toàn xã hội, mất an toàn giao thông.
Tuy nhiên, sau những buổi tiệc có rượu bia thì làm gì để giảm những tác hại đến sức khỏe?
Giải rượu bia bằng thực phẩm
ThS Nguyễn Xuân Tuấn (giảng viên Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết lạm dụng rượu bia, ăn đồ nhiều dầu mỡ khiến lượng độc tố tích tụ gây giảm tuổi thọ, thậm chí tử vong.
Những thực phẩm rẻ tiền, dễ kiếm dưới đây giúp giải rượu, bia rất tốt:
– Bột sắn dây: Đây là loại đồ uống giải khát được nhiều người yêu thích với những tác dụng tốt cho sức khỏe như thanh nhiệt, làm ra mồ hôi, giải độc… Uống bột sắn dây giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu sau khi uống rượu, bia.
Cho khoảng 2 thìa bột sắn dây vào cốc to nước lọc, khuấy đều đến khi bột sắn dây tan hết, cho thêm chút đường vào, khuấy đều là có thể uống được. Để tăng thêm hương vị, có thể vắt thêm nửa quả chanh, với người thích uống lạnh có thể cho thêm chút đá.
– Chanh: Quả chanh có vị chua, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, sát trùng… Sau khi uống rượu bia, uống một cốc nước chanh ấm sẽ giúp giải rượu, bia hiệu quả.
Ngoài ra, cách chế biến lại rất đơn giản, chỉ cần lấy một cốc nước ấm, vắt chanh vào, thêm vài lát gừng và một chút mật ong là sẽ có ly nước thơm ngon, lại giúp giảm các triệu chứng khó chịu sau khi uống rượu, bia.
– Đậu xanh: Đậu xanh được biết đến với tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên có thể giúp giải độc rượu rất hiệu quả.
Để giải rượu, bia có thể chế biến đậu xanh với nhiều cách như nấu cháo đậu xanh, xay đậu xanh lấy nước uống sống hoặc hòa nước đậu xanh chín để uống… Cháo đậu xanh không những tốt cho tiêu hóa mà còn giúp người say chống lại tình trạng khó chịu, mệt mỏi.
Mẹo làm giảm độc hại của rượu bia
Theo ThS Trần Đức Cảnh (Bệnh viện K), cơ bản việc sử dụng đồ uống có cồn đều không tốt, dù uống trong mức được khuyến cáo. Uống bia rượu liên tục khiến gan, thận hoạt động quá mức, gây quá tải, ảnh hưởng sức khỏe.
Một số cách có thể giảm bớt tác hại của rượu bia như: uống không quá liều lượng, ăn trước và trong khi uống, hoặc uống nhiều nước.
Mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720ml bia hoặc 300ml rượu vang hoặc 60ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360ml bia hoặc 150ml rượu vang hay 30ml rượu whisky. Tránh sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đột ngột tiếp xúc với môi trường lạnh sau khi uống rượu có thể bị nhiễm lạnh do mạch máu dưới da bị giãn, tăng thoát nhiệt.
Ngoài ra, nên ăn một vài lát bánh mì, bánh quy từ ngũ cốc nguyên hạt để giảm tác hại của rượu bia tới niêm mạc dạ dày, ruột, giảm nôn và giảm khả năng hấp thụ nồng độ cồn vào máu, bởi uống rượu bia khi đói dễ khiến bạn say, axit trong dạ dày tăng kích thích dạ dày hơn, dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày.
Sau khi uống rượu, cách để đào thải chất cồn nhanh ra khỏi cơ thể là uống nhiều nước. Ngoài nước lọc, có thể uống một số loại nước khác như: nước chanh, nước mía, nước dừa tươi…
Theo Tuổi Trẻ
Chăm sóc người say rượu
Theo các chuyên gia về sức khỏe, người thân nên khuyên người say ngưng uống và đi nghỉ. Không để người say tự đi lại hoặc sử dụng phương tiện giao thông sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Đặt người say ở tư thế nằm nghiêng để phòng nếu bị nôn sẽ tránh được nguy cơ sặc chất nôn vào phổi.
Khoảng 1-2 tiếng lại đánh thức người bị say rượu để phòng ngừa nguy cơ nạn nhân bị hôn mê mà người nhà không biết.
Theo dõi nếu thấy người say có một trong các dấu hiệu như bất tỉnh, thở khò khè, thở yếu, nhịp thở không đều, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, cấp cứu kịp thời.