Bộ trưởng Y tế phản hồi đề xuất đưa thêm thuốc điều trị ung thư vào danh mục bảo hiểm y tế - Doctor247

Bộ trưởng Y tế phản hồi đề xuất đưa thêm thuốc điều trị ung thư vào danh mục bảo hiểm y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế có có 76 hoạt chất/ thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có trả lời ý kiến của cử tri một số địa phương gửi đến trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Việt Nam là một trong số ít nước có danh mục thuốc bảo hiểm y tế y tương đối đầy đủ

Theo đó, cử tri tỉnh Bình Định nêu hiện tại thuốc điều trị bệnh ung thư ở bệnh viện công đa số không có trong danh mục bảo hiểm (trước đây thì có, hiện nay thì không). Bệnh nhân tự mua thuốc, người lao động bị bệnh đã khó khăn giờ khó khăn hơn.

Từ đó, cử tri đề nghị quan tâm đưa thêm các loại thuốc điều trị ung thư vào danh mục bảo hiểm y tế nhằm hỗ trợ hơn nữa các đối tượng tham gia bảo hiểm.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay với mục tiêu hướng tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, Bộ luôn chú trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế, đặc biệt, gói quyền lợi về thuốc để đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh.

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia có danh mục thuốc bảo hiểm y tế tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với mức phí đóng bảo hiểm y tế.

Theo thông tư 20/2022, Bộ Y tế đã ban hành danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Danh mục này bao gồm 1.037 hoạt chất thuốc hóa dược và sinh phẩm, được chia thành 27 nhóm lớn, và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu.

Đặc biệt, trong đó có 76 hoạt chất/thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch. Điều này cho thấy sự quan tâm của Bộ Y tế trong việc bảo đảm quyền lợi của người bệnh ung thư.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng và dạng bào chế và tên thương mại.

Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chỉ định điều trị, chuyên khoa điều trị, các bệnh cấp tính hay mãn tính.

Bộ trưởng nêu rõ trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung thông tư ban hành danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, nhằm mở rộng phạm vi và đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh.

Đồng thời, Bộ y tế đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thông tư quy định về việc thanh toán trực tiếp chi phí thuốc và thiết bị y tế cho người bệnh có thể bảo hiểm y tế, nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc do những nguyên nhân khách quan, đảm bảo quyền lợi và nhu cầu điều trị của người tham gia bảo hiểm y tế.

Bộ trưởng nêu rõ trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung thông tư ban hành danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, nhằm mở rộng phạm vi và đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh

Đề xuất bổ sung ngành y vào danh mục công việc nặng nhọc, độc hại

Trước đó, cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét bổ sung nghề y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu trước 5 năm để đảm bảo sức khỏe cho viên chức, người lao động và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ nghỉ hưu trước tuổi nhưng không quá 5 năm đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại được quy định tại Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

Do vậy, việc xem xét bổ sung nghề y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để được nghỉ hưu trước 5 năm không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị, đề xuất của cử tri và sẽ tích cực tham gia ý kiến khi có yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền.

Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định về nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Cụ thể là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc.

Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành tại thông tư 11/2020 và thông tư 19/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với hơn 1.800 nghề, công việc. Trong đó, có nhiều nghề, công việc cụ thể thuộc ngành y tế.

Theo Tuổi Trẻ

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận