Bình thường hóa việc người lớn ôm gấu bông đi ngủ - Doctor247

Bình thường hóa việc người lớn ôm gấu bông đi ngủ

Không chỉ là món đồ chơi trẻ con, gấu bông đang được người lớn ôm ngủ nhiều hơn để giải tỏa căng thẳng, cải thiện giấc ngủ và kết nối với tuổi thơ. Các chuyên gia cho biết: điều này hoàn toàn bình thường và còn có lợi cho sức khỏe tinh thần.

nguoi-lon-om-gau-bong-di-ngu

Ôm gấu bông – một thói quen không còn “trẻ con”

Max Genecov – nghiên cứu sinh ngành tâm lý lâm sàng tại Đại học Pennsylvania – là một ông bố và cũng là người sở hữu nhiều thú nhồi bông. Anh chia sẻ rằng mình đã có thói quen gắn bó với gấu bông từ nhỏ và đến giờ vẫn giữ một chú gấu mèo bông cũ để ôm ngủ hoặc dùng làm gối. Anh còn đan gấu bông tặng bạn bè khi họ sinh con.

Có thể nghe hơi lạ, nhưng thực tế xu hướng này đang phổ biến hơn bạn nghĩ. Trong đại dịch Covid-19, doanh số bán thú nhồi bông đã tăng mạnh. Theo công ty nghiên cứu thị trường Circana, đến năm 2024, có tới 21% gấu bông được bán cho người trưởng thành trên 18 tuổi.

“Chúng mang lại sự giải trí, cảm giác an ủi và trở thành vật sưu tầm trong thời kỳ đầy bất ổn,” – chuyên gia Juli Lennett cho biết.

Một khảo sát từ hãng Build-A-Bear cho thấy hơn 50% người tham gia vẫn giữ lại thú bông từ thời thơ ấu, và gần 40% cho biết họ vẫn ôm gấu bông khi ngủ.

om-gau-bong-di-ngu

Tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần

Tiến sĩ Jessica Lamar, một nhà trị liệu tại Seattle, sử dụng thú nhồi bông trong trị liệu cho người lớn đang vượt qua sang chấn. Việc tạo ra một chú gấu đại diện cho “đứa trẻ bên trong” giúp họ chữa lành những tổn thương thời thơ ấu.

Theo Lamar, việc trao tình cảm, sự kết nối và lòng trắc ẩn cho gấu bông – những thứ có thể họ từng thiếu trong quá khứ – mang lại hiệu quả tâm lý rất tích cực.

Không chỉ dùng trong trị liệu, thú nhồi bông còn có thể mang lại cảm giác an toàn, thư giãn, hoài niệm và kết nối với ký ức đẹp. “Nó dễ chịu và rất ấm áp,” – Tiến sĩ Jade Wu, chuyên gia giấc ngủ tại Bắc Carolina nhận định.

nguoi-lon-om-gau-bong

Bình thường hóa khi người lớn ôm gấu bông

Một số người có thể cho rằng việc ôm gấu bông là hành vi “trẻ con”. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý khẳng định điều đó không có gì sai.

“Nếu bạn là người trưởng thành khỏe mạnh, việc vẫn giữ sự gắn bó lành mạnh với phần tuổi thơ của mình là điều tuyệt vờ-. Đó là cách kết nối và trân trọng một phần con người bạn.” – Tiến sĩ Jessica Lamar.

Miễn là gấu bông không trở thành sự phụ thuộc khiến bạn mất kiểm soát hoặc né tránh thực tế, thì hoàn toàn không có vấn đề gì. Thậm chí, đây còn là một cách để dạy trẻ nhỏ về khả năng tự trấn an, đặc biệt quan trọng với các bé trai – những người cũng cần học cách làm dịu cảm xúc của bản thân.

Tiến sĩ Wu cho rằng việc ôm gấu bông khi ngủ có thể đáp ứng nhu cầu tiến hóa của con người: “Chúng ta sinh ra để sống trong cộng đồng. Cảm giác gần gũi cơ thể giúp ta cảm thấy an toàn hơn, ngủ sâu hơn.”

Từ bào thai đến trẻ sơ sinh, con người luôn cần được bao bọc để cảm thấy yên tâm khi ngủ. Nhu cầu ấy có thể giảm dần theo tuổi tác, nhưng không hề mất đi.

om-gau-bong-ngu-ngon-hon

Hiện nay, nhiều thú nhồi bông còn được làm với trọng lượng nhẹ, giống như chăn trọng lực, giúp làm dịu thần kinh và cải thiện giấc ngủ. Ngoài ra, chỉ cần sự hiện diện của gấu bông – từ cảm giác, mùi hương đến hình ảnh – cũng đủ tạo tín hiệu cho não bộ rằng đã đến lúc thư giãn và đi vào giấc ngủ.

Dù bạn ôm gấu bông mỗi tối, trưng trên kệ, hay cất kín trong tủ – nếu nó giúp bạn ngủ ngon và giảm căng thẳng, thì hãy tự tin duy trì thói quen ấy.

“Việc ôm gấu bông tốt hơn rất nhiều so với dùng thuốc an thần hay uống rượu trước khi ngủ. Nó chẳng hại đến ai cả.” – Tiến sĩ Barbara Greenberg nhấn mạnh.

Nguồn: CNN Health

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận