Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Kim Tân, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Thành túi mật có thể dày lên không đều, niêm mạc bị bong tróc một phần hoặc hoàn toàn nếu thành túi mật ngấm toàn bộ canxi. Trong trường hợp nhiễm canxi từng mảng, niêm mạc có thể viêm, làm tăng nguy cơ diễn tiến thành ung thư túi mật.
Tỷ lệ mắc túi mật sứ ít gặp, chiếm dưới 1% trong tổng số các trường hợp cắt túi mật. Nữ giới, trên 60 tuổi, mắc bệnh sỏi mật có nguy cơ cao bị túi mật sứ.
Túi mật sứ không gây ra triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ trong quá trình chụp X-quang bụng hoặc CT bụng. Ban đầu, bệnh chỉ là một mảng vôi hóa nhỏ xuất hiện trên thành túi mật, dính vào lớp niêm mạc. Sau đó, vôi hóa dần thay thế toàn bộ mô thành túi mật bằng canxi.
Tỷ lệ túi mật sứ diễn tiến thành bệnh ác tính khoảng 5-22%. Cơ chế vôi hóa túi mật vẫn chưa được xác định rõ ràng, có thể là kết quả của tắc nghẽn ống túi mật, dẫn đến kết tủa muối canxi ở niêm mạc hoặc viêm mạn tính dẫn đến xuất huyết, sẹo và vôi hóa thành túi mật gây lắng đọng muối canxi.
Viêm mạn tính hoặc quá trình thoái hóa và tái tạo trong biểu mô túi mật có thể hoạt động tương tự như tác nhân kích thích gây ung thư.
Túi mật sứ có nguy cơ cao diễn tiến thành ác tính, người bệnh cần phẫu thuật cắt bỏ, không nên trì hoãn.
Thành túi mật có thể bị vôi hóa ở nhiều mức độ khác nhau. Khả năng hình thành khối u ác tính ở túi mật cao hơn nếu có một phần vôi hóa bám dính vào niêm mạc còn nguyên vẹn (chưa bị tổn thương).
Để ngăn ngừa tình trạng túi mật sứ, mỗi người ăn uống khoa học, lành mạnh bằng cách ăn nhiều chất xơ từ rau củ quả, chất béo tốt (hỗ trợ túi mật co bóp ổn định), tránh ăn nhiều đường, đồ chiên rán, carbohydrate tinh chế…
Tập luyện thể dục thể thao đều đặn cũng quan trọng giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi mật.
Theo VNE