Chủ đề
Bệnh nhiễm khuẩn bạch hầu có thể lan truyền đến TP.HCM?
TP.HCM là thành phố lớn nhất cả nước với mật độ dân cư đông đúc, là điểm đầu mối trung chuyển giao thông và hàng ngày đón lượng người lao động, du khách từ khắp nơi nên nguy cơ lan truyền bệnh nhiễm khuẩn bạch hầu (Diphteria) đến TP.HCM là có thể xảy ra.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra, dễ lây lan từ người sang người qua đường hô hấp và gây nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh nhân mắc bạch hầu có triệu chứng ban đầu thường là sốt, đau họng, mệt mỏi, kém ăn, sổ mũi…
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết ca bệnh bạch hầu ghi nhận tại TP.HCM gần đây nhất là vào năm 2020. Bệnh nhân là một người từ địa phương khác đến thành phố.
Theo HCDC, tuy nguy cơ lan truyền bệnh nhiễm khuẩn bạch hầu đến TP.HCM là có thể xảy ra song khả năng mắc và lây lan bệnh còn phụ thuộc vào mức độ miễn dịch cộng đồng đối với bệnh bạch hầu.
Tỉ lệ miễn dịch cộng đồng càng cao, khả năng mắc và lây lan bệnh càng thấp. Mọi người dân có thể chủ động phòng chống bệnh bằng cách tiêm chủng bởi bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin.
Bộ Y tế cho biết gần đây đã có một số ca bệnh bạch hầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn), tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa). Bệnh nhân ở Nghệ An qua đời do bệnh bạch hầu. Còn trường hợp mắc bệnh tại Bắc Giang là do tiếp xúc với bệnh nhân ở Nghệ An.
Viện Pasteur TP.HCM cho biết mỗi tháng số vắc xin bạch hầu được tiêm dao động khoảng 300 liều. Trong ba ngày 9, 10 và 11-7, số người đi tiêm vắc xin bạch hầu tăng lên và Viện đã tiêm 400 liều. Vắc xin bạch hầu không phải là vắc xin hiếm.
Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Do thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần.