Chủ đề
Bác sĩ gợi ý 9 cách sử dụng thuốc giảm đau an toàn
Sử dụng thuốc giảm đau là biện pháp giải quyết các cơn đau trên cơ thể con người. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng liều lượng, không đúng mục đích, không đúng đối tượng sẽ gây ra những hệ lụy cho người sử dụng. Do đó, nên thận trọng trước khi dùng thuốc.
Trong cuộc sống sinh hoạt, vận động hàng ngày, chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những chấn thương (bao gồm cả tổn thương ngoài da, xương khớp và các phủ tạng). Khi đó các loại thuốc giảm đau được dùng để giảm bớt cảm giác đau cho bệnh nhân. Phụ thuộc vào tính chất cơn đau sẽ có chỉ định dùng thuốc phù hợp nhất.
Các đặc điểm cần lưu ý
Hai đặc điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau, đó là:
– Có nhiều thuốc hoặc nhiều biệt dược dù tên gọi khác nhau, nhưng có chứa cùng một dược chất là paracetamol hoặc các dược chất giảm đau khác.
– Có nhiều biệt dược không chỉ chứa đơn chất paracetamol mà còn kết hợp với nhiều dược chất khác để tăng hiệu quả điều trị hoặc để có thêm những tác dụng khác (long đờm, chống dị ứng, giảm ho…).
Paracetamol được chúng ta sử dụng rất phổ biến để giàm đau. Đây được xem là loại thuốc tương đối an toàn (nếu dùng đúng liều chỉ định) so với các thuốc cùng nhóm như aspirin. Tuy nhiên, nếu dùng với liều cao và/hoặc kéo dài Paracetamol cũng sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng gan.
Khi vào cơ thể, paracetamol sẽ được hấp thu vào máu và chuyển hóa qua gan thành nhiều chất, trong đó có một chất rất độc cho gan (có khoảng 4% paracetamol biến thành chất độc cho gan, đó là chất N-acetylbenzoquinonimin).
Vì vậy, khi dùng paracetamol liều cao và/hoặc kéo dài và/hoặc khi chức năng gan suy giảm thì có thể dẫn đến tổn thương gan, hoại tử tế bào gan.
Bên cạnh đó, nếu bạn là phụ nữ đang mang thai, nếu dùng quá liều paracetamol có thể gây độc cho thai nhi vì thuốc này dễ dàng truyền qua rau thai. Phụ nữ khi mang thai thường xuyên sử dụng thuốc paracetamol có thể mắc bệnh hen suyễn.
Đối với người cao tuổi nếu sử dụng paracetamol lâu dài, thuốc có thể gây mệt mỏi, vì nó làm mất đi phân tử hemoglobin trong tế bào hồng cầu mang ôxy.
Cơ quan giám sát thuốc, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra cảnh báo về paracetamol và những nguy hại tiềm ẩn của nó có thể gây phản ứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng cho da (hoại tử biểu bì độc hại, có thể bong da, thậm chí tử vong).
Dùng quá liều gây tổn thương hệ tiêu hoá, gan, thận
Đặc biệt, ngộ độc cấp paracetamol thường xảy ra ở trẻ em, thể hiện khi trẻ dùng quá liều như đau bụng, nôn mửa, mặt xanh tái, khó thở, cần cấp cứu kịp thời nếu không rất nguy hiểm. Đối với người lớn, thường ngộ độc cấp xảy ra ít hơn, chủ yếu ngộ độc trường diễn, đặc biệt đối với người có bệnh gan, nghiện rượu, sốt rét và các dấu hiệu ngộ độc cũng tương tự như ở trẻ em nhưng đôi khi không rõ rệt.
Khi dùng thuốc giảm đau nói chung, không được uống bia, rượu và các loại thuốc có nguy cơ độc hại cho gan (ví dụ thuốc điều trị lao) vì sẽ làm tăng độc tính của paracetamol. Không dùng paracetamol với những người mẫn cảm với thành phần của thuốc
Ngoài tác dụng giảm đau tức thời và hiệu quả, các thuốc giảm đau nếu dùng không đúng cách sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn, dẫn đến những tổn thương trên cơ thể người bệnh. Đặc biệt ở hệ tiêu hóa: viêm loét dạ dày; rối loạn tiêu hóa…
Dùng liều cao với aspirin và thuốc nhóm NSAID sẽ gây ra những tổn thương cho niêm mạc dạ dày (xuất huyết dạ dày, loét) hoặc các bộ phận tiêu hóa khác.
Dùng paracetamol quá liều cũng gây tổn thương trên gan thận: Suy thận, suy gan, nặng hơn là tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thuốc giảm đau nhóm II và III không phù hợp với phụ nữ mang thai và cho con bú, những người nghiện ma túy nhóm opioid.
Đối với thuốc giảm đau nhóm II hoặc nhóm III cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để được kê đơn phù hợp.
9 cách sử dụng thuốc giảm đau an toàn, hiệu quả
Khi sử dụng thuốc giảm đau nói chung và Paracetamol nói riêng, chúng ta cần:
- Đọc tất cả các thông tin mà bác sĩ cung cấp và hướng dẫn sử dụng của sản phẩm.
- Thực hiện theo các hướng dẫn trên nhãn “Thông tin thuốc” của các sản phẩm không kê đơn.
- Hiểu về liều lượng của Paracetamol và những thuốc giảm đau khác: Sử dụng bao nhiêu Paracetamol trong 1 lần, sau bao lâu có thể dùng thêm Paracetamol, tổng số liều Paracetamol dùng mỗi ngày, thời điểm ngừng sử dụng Paracetamol và gặp bác sĩ (dược sĩ) để được tư vấn.
- Không dùng quá liều khuyến cáo của thuốc khi sốt/ cơn đau không giảm hoặc không cải thiện.
- Không dùng nhiều hơn một loại thuốc có chứa Paracetamol.
- Kiểm tra thành phần của tất cả các loại thuốc đang sử dụng, để đảm bảo dùng không quá một loại thuốc có chứa Paracetamol cùng một lúc.
- Nhận biết đôi khi trên sản phẩm có thể ghi: Paracetamol hoặc Acetaminophen hoặc N-acetyl-p-aminophenol hoặc APAP => đều là chỉ chung cho 01 tên gọi của Paracetamol.
- Hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau Paracetamol nếu bạn uống rượu hoặc đồ uống chứa cồn, bị bệnh gan hoặc có sử dụng Warfarin.
- Mặc dù Paracetamol, Aspirin và một số NSAID là thuốc giảm đau không cần phải kê toa, nhưng tốt nhất là nên đi khám để được các bác sĩ kê toa và hướng dẫn cách sử dụng. Trong trường hợp mua thuốc trực tiếp tại nhà thuốc (không đi khám bệnh và không được bác sĩ kê toa) thì nên hỏi dược sĩ tại nhà thuốc để được hướng dẫn sử dụng; hoặc xem hướng dẫn sử dụng trên sản phẩm.
Những quan niệm, cách sử dụng sai lầm cần tránh
Một số thói quen sai chúng ta cần phải tránh khi sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt vì nó có thể làm ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, đôi khi còn gây nhiều tác hại. Hậu quả sẽ dẫn đến nếu chúng ta dùng thuốc mà:
- Không nắm rõ hết các chống chỉ định, tác dụng phụ của thuốc.
- Không biết được các chức năng gan, thận… của bản thân hiện tại có thể chuyển hóa, thải trừ được loại thuốc đó hay không.
- Nguy cơ dùng thuốc sai liều, sai cách, sai thời điểm…
- Không biết bản thân bị sốt/ đau bởi nguyên nhân gì. Trong đó, đau do một số bệnh lý ngoại khoa, dùng thuốc giảm đau sẽ làm che mờ đi các triệu chứng và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng… do không xử lý bệnh kịp thời.
TS. BS. LÊ VĂN NHÂN
Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM