Hy hữu: Bác sĩ phát hiện mình bị đau tim khi đang điều trị bệnh nhân đau tim - Doctor247

Hy hữu: Bác sĩ phát hiện mình bị đau tim khi đang điều trị bệnh nhân đau tim

Vì vậy đừng nên chủ quan, bởi chính những bác sĩ cũng có thể rơi vào những tình huống nguy hiểm.

Hy hữu: Bác sĩ phát hiện mình bị đau tim khi đang điều trị bệnh nhân đau tim

Nhận biết đau tim nhờ triệu chứng của bệnh nhân

Đây là một trong những câu chuyện khó tin nhưng may mắn lại có kết thúc tốt đẹp. Trong quá trình điều trị cho một bệnh nhân đau tim tại Bệnh viện Timmins và Quận (TADH) ở Canada, bác sĩ cấp cứu Chris Loreto đã bất ngờ nhận ra chính mình cũng đang gặp nguy hiểm tương tự.

Trước đó, Chris đã nhiều lần trải qua các cơn đau, kéo dài trong nhiều tháng và thường xảy ra khi vận động. Vị bác sĩ cho rằng, nguyên nhân là do trào ngược axit dạ dày, nhưng các loại thuốc ông dùng không mang lại hiệu quả.

Đỉnh điểm là vào ngày 12 tháng 11, khi chơi khúc côn cầu, ông cảm thấy đau vùng vai nhưng vẫn tiếp tục bỏ qua cơn đau và đi làm vào sáng hôm sau. Trong ca trực đó, ông đã giúp cứu sống một bệnh nhân bị đau tim nặng. Và đây cũng là thời điểm ông nhận ra, các cơn đau của mình không phải bình thường.

Khi nói chuyện với vợ của bệnh nhân, Chris nhận ra các triệu chứng của bệnh nhân vừa được mình cứu sống lại rất giống với những gì ông đã trải qua. Nó trùng hợp đến mức, chính bệnh nhân đó cũng đang dùng thuốc điều trị trào ngược axit. Không còn nghi ngờ gì nữa, cả hai đều thực chất là cơn đau tim.

Bác sĩ Chris Loreto tại TADH

Xét nghiệm máu và điện tâm đồ xác nhận rằng Chris thực sự đã bị đau tim. Kể từ đó, ông phải nghỉ việc để điều trị và tham gia chương trình phục hồi, bao gồm việc đặt stent vào động mạch để đảm bảo lưu thông máu.

Bệnh viện Timmins và Quận đã công khai câu chuyện này nhân dịp Tháng Tim Mạch 2025 nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe tim mạch. Bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, cướp đi gần 18 triệu sinh mạng mỗi năm.

Đôi khi chính những nhân viên y tế quên mình cũng cần chăm sóc y tế

Cơn đau tim (hay nhồi máu cơ tim) xảy ra khi lưu lượng máu bị cản trở, khiến tim không nhận đủ oxy. Điều này có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho cơ tim, thậm chí gây tử vong.

Lối sống ít vận động, chế độ ăn uống kém lành mạnh, hút thuốc và uống rượu có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Ngoài ra, yếu tố di truyền và môi trường như ô nhiễm không khí cũng có vai trò quan trọng. Ví dụ, cha của Chris cũng từng bị đau tim ở độ tuổi tương tự.

Sơ đồ đặt stent bên trong động mạch để tối đa hóa lưu lượng máu

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu những phương pháp ngăn ngừa cơn đau tim và cách phục hồi tim sau tổn thương. Thậm chí, họ còn phát hiện ra các mô hình về thời điểm mà cơn đau tim thường xảy ra nhiều nhất.

Vị bác sĩ tin rằng, chính thói quen tập thể dục thường xuyên đã giúp tim ông đủ khỏe để tránh được hậu quả nghiêm trọng hơn. Cơn đau tim có thể xảy ra đột ngột mà không có dấu hiệu cảnh báo trước, đôi khi không đi kèm với cơn đau ngực hoặc vai. Vì vậy, điều quan trọng là cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo như buồn nôn và khó thở.

Sau hơn ba thập kỷ làm việc trong phòng cấp cứu tại TADH, Chris thừa nhận rằng chính bản thân ông đã không chăm sóc sức khỏe bản thân nghiêm túc như đối với bệnh nhân và có cảm giác “miễn nhiễm” với bệnh tật.

“Chúng tôi rất giỏi trong việc chăm sóc người khác nhưng lại tệ trong việc chăm sóc chính mình.”

Theo Science Alert

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận