Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp, Bộ Quốc Phòng, cho biết tùy vào thể trạng, tần suất uống, lượng uống của từng người mà thời gian chính xác để loại bỏ hoàn toàn cồn trong cơ thể sẽ khác nhau.
Người trưởng thành có sức khỏe bình thường thì cứ sau một tiếng, gan sẽ đào thải được một đơn vị cồn. Tùy theo thể trạng khác nhau quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi, như các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.
Chẳng hạn, uống 10 chén rượu mạnh (khoảng 40 độ) tương đương với 10 đơn vị cồn, gan sẽ mất khoảng 10 tiếng đào thải. Ngoài ra, sau khi đã thải trừ rồi, gan cần ba tiếng nữa để nồng độ cồn trong máu về 0. Do đó, bạn phải mất khoảng 13 tiếng thổi nồng độ cồn mới không lên.
Lưu ý, cho dù sau khi gan thải trừ hết nồng độ cồn thì về cơ bản, cơ thể vẫn cần hai đến ba tiếng để thải trừ hết hoàn toàn.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể hạn chế tác động xấu của rượu bia đối với sức khỏe, giảm nhẹ nồng độ cồn khi uống, như sau:
Ăn trước và trong khi uống
Uống rượu khi đói dễ khiến bạn say, axit trong dạ dày tăng kích thích dạ dày hơn, dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, lâu dài ảnh hưởng dạ dày, đại tràng, gan. Bạn nên ăn một vài lát bánh mì, bánh quy giòn từ ngũ cốc nguyên hạt để giảm tác hại của rượu bia tới niêm mạc dạ dày, ruột, giảm nôn và giảm khả năng hấp thụ nồng độ cồn vào máu.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y dược TP HCM, khuyến cáo nên dùng trái cây khi uống rượu, như cam, quýt, dừa, dưa hấu… giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu.
Ngoài ra, vỏ quýt phơi khô trong đông y còn gọi vị thuốc trần bì, có thể giải rượu. Bạn có thể giải rượu với rau má, sắn dây, nước quất mật ong. Có thể dùng một quả chanh tươi, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả. Vị mát từ nước mía, nước dừa cũng là thức uống phù hợp để giảm mệt mỏi sau uống rượu.
Uống nhiều nước sau khi uống rượu
Sau khi uống rượu, cách để đào thải chất cồn nhanh ra khỏi cơ thể là uống nhiều nước. Nước sẽ hòa loãng chất cồn.
Ngoài ra cũng nên uống thêm các loại nước giúp trung hòa axit như nước chanh, cam, nước gừng mật ong, nước dừa, nước mía, trà hoặc ăn những thực phẩm có tác dụng tương tự như cải xanh, củ cải.
Khi uống rượu bia, bạn không nên uống nhiều loại cùng lúc hoặc uống cùng các loại nước khác, khiến độc tính của rượu tăng lên, gây hại sức khỏe.
Khi uống, bạn nên chú ý đến “tửu lượng”, nếu cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chân tay bủn rủn thì nên dừng lại.
Ngoài ra, một cách bù điện giải, giảm nồng độ cồn khôn ngoan nhất là uống oresol pha theo chỉ dẫn. Oresol là dung dịch cân bằng điện giải, rất rẻ tiền, dễ sử dụng, an toàn, giúp bổ sung điện giải và bù nước rất tốt.
Lưu ý, chỉ nên dùng đường uống, không nên truyền. Nhiều người mách nhau truyền oresol để giải rượu, nhưng cơ thể cực kỳ thông minh.
Khi bạn uống vào đủ, cơ thể sẽ không hấp thu được, nhưng khi truyền, tức bổ sung từ ngoài vào sẽ gây gánh nặng cho tim, nguy cơ gây vỡ mạch máu nhỏ trong đó có mạch máu mắt, não, nguy hiểm tính mạng.
Uống bia 0 độ
Theo bác sĩ Hoàng, bia có nồng độ cồn bằng 0 hay còn gọi là bia chay, là sản phẩm đã được tách chiết hết cồn hoặc được ủ để chứa lượng cồn thấp hơn mức cho phép.
Thực tế, nhiều loại bia quảng cáo là 0 độ cồn nhưng vẫn chứa khoảng 0,5%. Nếu bạn sử dụng các loại bia trên nhãn ghi là 0 cồn, hơi thở bạn vẫn có nồng độ cồn ở ngưỡng thấp. Nếu tham gia giao thông, bị yêu cầu dừng lại thổi nồng độ cồn bằng máy đo chuyên dụng có thể dương tính và vi phạm.
Vì vậy, khi sử dụng sản phẩm này, bạn vẫn cần thời gian để đảo thải hết nồng độ cồn trong máu và hơi thở mới được tham gia giao thông. Tốt nhất không nên uống bia dù là bia 0 độ cồn.
Sử dụng đồ uống có cồn về cơ bản đều không tốt, dù uống trong mức được khuyến cáo. Uống bia rượu liên tục khiến gan, thận, hoạt động quá mức, gây quá tải, ảnh hưởng sức khỏe.
Các chuyên gia đều khuyến cáo nữ giới mỗi ngày không nên uống quá một lon bia 330 ml nồng độ cồn 5%, còn nam giới không uống quá hai lon. Sau uống bia, mọi người nên nghỉ ngơi một thời gian để cơ thể thải bởt cồn mới lái xe. Thời gian để đào thải nồng độ cồn 4-6 tiếng tùy vào cơ địa mỗi người.
Theo VNExpress