Chủ đề
Có một “Ngọc Tâm xương thủy tinh” nhiệt huyết vì cộng đồng
33 năm qua, luôn có một người phụ nữ tự nguyện đứng sau chiếc xe lăn của chị, đẩy chị đi muôn nơi. Nếu không có người ấy, chẳng thể có được một “Ngọc Tâm xương thủy tinh” nhiệt huyết, sôi nổi và đóng góp cho xã hội như bây giờ.
Gặt hái nhiều giải thưởng, tham gia nhiều hoạt động xã hội, mọi người thường biết đến Nguyễn Thị Ngọc Tâm (ở Nam Định) với tên gọi “Ngọc Tâm thủy tinh” hay cô giáo dạy trẻ ở lớp học 0 đồng.
Nhưng đằng sau những giải thưởng, hoạt động thiện nguyện ấy, luôn có một người tự nguyện đứng sau Tâm, sẵn sàng hỗ trợ chị bất cứ lúc nào.
“Người ấy, chẳng ai khác là mẹ. Ngày sinh tôi, mẹ cũng bằng tuổi tôi bây giờ. Tuổi thanh xuân tươi đẹp mang trong mình bao ước mơ, hoài bão, vậy mà mẹ hy sinh ước mơ của mình vì con, chẳng một lời kêu ca”.
Gác lại tất cả vì con!
Những tháng cuối năm, Tâm và mẹ phải di chuyển liên tục từ Nam Định lên Hà Nội, gấp rút hoàn thành các dự án thiện nguyện, hoạt động xã hội.
Đôi tay gầy gò đẩy chiếc xe lăn cho con gái vượt đường gồ ghề, rào chắn, bà Nguyễn Thanh Sự (61 tuổi, mẹ của Tâm) bộc bạch suốt mấy chục năm nay bà đã quen với công việc này. Nhưng đi xa cũng có chút vất vả, vì bà Sự vừa đẩy xe lăn, vừa khoác trên vai ba lô quần áo và máy tính nặng trịch.
Tay của Tâm yếu quá, chẳng điều khiển được xe điện, do đó hai mẹ con chẳng dám “chơi cảm giác mạnh”, sợ xương của Tâm dễ gãy như chơi! Hai mẹ con chỉ trung thành với chiếc xe lăn đẩy tay.
Năm nay Tâm tròn 33 tuổi, cũng ngần ấy năm bà Sự đứng sau chiếc xe lăn, đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường. “Nếu không có sự đồng hành của mẹ, của gia đình, sẽ không có Ngọc Tâm thủy tinh như ngày hôm nay” – chị Tâm xúc động kể về mẹ.
28 tuổi, bà Sự sinh con gái đầu lòng, nặng hơn 2,4kg, người mẹ vỡ òa vì hạnh phúc. Nhưng dần dà bà nhận thấy một bên chân của con gái cứ bị co lên bụng. Đến khi con hai tuổi bắt đầu bị gãy xương. Từ thời điểm đó, xương của con gái cứ gãy liên tục, gãy rồi lành, rồi lại gãy.
“Bác sĩ nói con bị bệnh xương giòn, dễ gãy, chỉ nghe và biết như vậy chứ nào có hình dung được căn bệnh này ra sao” – người mẹ ấy nhớ về giây phút nhận tin như sét đánh ngang tai.
Ngày ấy đang là cán bộ văn thư của một trường cao đẳng, có công việc với đồng lương ổn định, ban đầu bà Sự xin nghỉ tạm một năm để thuận tiện trong việc chăm sóc con. Nhưng bệnh tình của Tâm không thuyên giảm.
Không thể để con một mình, người mẹ ấy đưa ra quyết định nghỉ việc, gác lại ước mơ còn dở dang, toàn tâm toàn ý lo cho con gái.
Những năm tháng tuổi thơ, Tâm đi bệnh viện triền miên, dường như thời gian ở viện còn nhiều hơn ở nhà. Bao nhiêu ngày con ở viện là bấy nhiêu ngày bà Sự thao thức ở viện, theo sát diễn tiến bệnh tình của con.
Bệnh tật là thế, nhưng Tâm thích đi học lắm, ông ngoại cũng định hướng cho cháu phải đi học để bước ra xã hội. Bà Sự cũng quả quyết rằng phải cho con gái đi học, trước tiên học để biết cái chữ, có chữ rồi sẽ đọc được sách báo, mở ra một chân trời mới.
Đằng đẵng suốt nhiều năm trời, bà Sự đưa con đến trường như bao bạn bè. Nhưng đường đến trường với Tâm chẳng phải là điều dễ dàng. Từ nhà đến trường chỉ hơn 1km, nhưng với đứa trẻ xương thủy tinh, hễ đường xóc sơ sẩy một chút thôi là gãy xương.
Để hỗ trợ con đến trường, người mẹ đưa ra sáng kiến sử dụng chiếc ghế ngồi của trẻ con, thiết kế chiếc ghế ấy gắn trên xe, rồi bà chèn gối xung quanh cho Tâm ngồi, giúp con tránh va đập, tránh gãy xương.
Thấy bà Sự cho con đi học vất vả quá, có người khuyên bà nên cho Tâm ở nhà, đừng cho đi học nữa. Nhưng người mẹ ấy vẫn cứ âm thầm đưa con đến lớp để con biết chữ, bước ra ngoài xã hội mặc cho người ta nói vào nói ra.
“Có thể với gia đình khác khi có con bị khuyết tật sẽ gặp nhiều rào cản, nhưng gia đình tôi quyết tâm phải là chỗ dựa vững chắc cho con gái. Mình sẽ theo con đến cùng, vòng quay xã hội quay đến đâu, mình cùng con tiến đến đấy” – bà Sự quả quyết.
Đời con có mẹ
33 năm nhờ có mẹ, cô gái xương thủy tinh đã vượt qua nỗi đau bệnh tật, chiến thắng nghịch cảnh đời mình để cống hiến sức mình cho xã hội. Từ lúc con gái lên sáng kiến mở lớp học 0 đồng cho các bạn nhỏ ở quê, bà Sự không những ủng hộ mà còn hỗ trợ để Tâm ngồi xe lăn dạy các bạn nhỏ.
Từ ngày có đám trẻ làng đến chơi, đến học, ngôi nhà nhỏ thêm rộn rã tiếng cười. Nhờ đó con gái của bà được sống vui mỗi ngày, vơi đi những cơn đau chực ập đến.
Cho đến khi con gái bà ngồi xe lăn được đứng trên bục vinh danh của các cuộc thi, giải thưởng hay lên sân khấu diễn thuyết, tham gia các dự án xã hội, dự án thiện nguyện… người mẹ ấy vẫn chọn đứng đằng sau chiếc xe lăn, sẵn sàng xuất hiện bất cứ khi nào con gái cần đến.
Suốt mấy chục năm, Tâm vẫn luôn bé bỏng trong mắt mẹ, được mẹ chăm bẵm mỗi ngày, theo sát 24/24 chẳng phút nào rời. Chị xúc động nói rằng may mắn trong cuộc đời luôn có mẹ kề bên. Mẹ là người hiểu chị nhất, và ngược lại chị cũng là người hiểu mẹ nhất.
Hai mẹ con đã sát cánh bên nhau, trải qua nhiều khổ cực. Nhiều lần Tâm rơi vào “trạng thái nguy hiểm”, nhớ lần phải nằm viện vì viêm phế quản tái phát đúng vào ngày sinh nhật. Khi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu, ánh mắt chị hướng ra phía cửa phòng, ở đó mẹ đang dựa vào tường chẳng rời mắt khỏi chị.
“Bước đến độ tuổi này, cũng là độ tuổi mà ngày ấy mẹ sinh mình ra, bây giờ tôi mới thấu hiểu được sự hy sinh của mẹ. Mẹ đã gác lại tất cả, chấp nhận hy sinh tất cả vì con!” – chị Tâm xúc động.
Nghe con gái ví von là “người mẹ vĩ đại”, bà Sự khiêm nhường nói tất cả đều nhờ sự nỗ lực cố gắng không ngừng của con gái để vượt lên nghịch cảnh, chiến thắng số phận. Còn bà chỉ dám nhận là người hỗ trợ con gái được chút nào hay chút đó.
Kể từ ngày con gái bị bệnh, bà Sự chưa một lần nào nữa nhắc về ước mơ của riêng mình. Nếu có ước mong, bà chỉ mong con gái được khỏe mạnh, sống với mẹ được ngày nào thì mẹ hạnh phúc ngày đó.
“Con thích đi đến đâu, mẹ sẽ cùng con đến đó. Miễn sao con thích, sống vui mỗi ngày là mẹ mãn nguyện” – người mẹ mong ước.
Theo Tuổi Trẻ