Nguyên nhân và cách điều trị hẹp hậu môn sau phẫu thuật trĩ - Doctor247

Nguyên nhân và cách điều trị hẹp hậu môn sau phẫu thuật trĩ

Cắt trĩ là thủ thuật an toàn và phổ biến nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra biến chứng. Trong đó, hẹp hậu môn được xem là tình trạng nghiêm trọng nhất. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ vấn đề nhỏ và không cần quá bận tâm. Vậy thực hư như thế nào? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì, điều trị ra sao? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu tường tận qua bài viết bên dưới nhé.

Hẹp hậu môn sau mổ trĩ là gì, có nguy hiểm không?

Hẹp hậu môn là biến chứng nghiêm trọng sau khi cắt trĩ, đặc biệt là các trường hợp trĩ nặng. Khi đó, ống hậu môn, nằm trước cơ thắt hậu môn, bị thu hẹp lại, khiến hậu môn không thể co thắt như bình thường để đưa chất thải ra ngoài, dẫn đến người bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng như:

  • Táo bón
  • Đau khi đi tiêu
  • Phân nhỏ và vỡ ra như viên
  • Ra máu nhiều sau khi đi tiêu

Hẹp hậu môn sau mổ trĩ là bệnh lý nghiêm trọng và gây nhiều phiền toái cho người bệnh, nhưng chỉ cần phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh sẽ không gây nguy hiểm. Ngược lại, nếu để tình trạng này kéo dài, nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra như áp xe hậu môn, nứt kẽ hậu môn, rò hậu môn…

Nguyên nhân gây hẹp hậu môn sau mổ trĩ 

Theo chia sẻ của các chuyên gia sức khỏe, hầu hết các trường hợp hẹp hậu môn là do túi trĩ quá to, dẫn đến búi trĩ không được loại bỏ hoàn toàn trong quá trình phẫu thuật, khiến niêm mạc bị tổn thương và hình thành các mô sẹo, tạo tiền đề cho bệnh lý tiến triển. Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận một số nguyên nhân khác gây hẹp hậu môn sau mổ trĩ như:

  • Dụng cụ cắt trĩ không được vô trùng kỹ càng, gây nhiễm trùng trong khi mổ.
  • Bác sĩ chưa có nhiều kinh nghiệm, dẫn đến cắt trĩ không đúng cách, để lại nhiều biến chứng sau hậu phẫu.
  • Sau phẫu thuật, người bệnh không giữ vệ sinh hoặc không tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ, khiến vết thương bị viêm sưng, nhiễm trùng, để lại sẹo.

mo-tri

Hẹp hậu môn sau mổ trĩ được điều trị như thế nào?

Tình trạng hẹp hậu môn ở mỗi người sẽ khác nhau, nên phương pháp điều trị cũng không giống nhau. Dưới đây là 4 phương pháp điều trị hẹp hậu môn thường được sử dụng:

Thay đổi chế độ ăn uống

Thay đổi chế độ ăn giàu chất xơ là phương pháp được gợi ý cho tình trạng hẹp hậu môn ở mức độ nhẹ, khi đó, người bệnh vẫn đi đại tiện được. Dưới đây là nhóm thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao, mà người bệnh có thể cân nhắc bổ sung trong bữa ăn hằng ngày:

  • Trái cây: Một số loại trái cây ít calo nhưng lại giàu chất xơ như táo, lê, chuối, đu đủ hoặc các loại quả mọng như việt quất, dâu tây…
  • Rau củ: Đây là nguồn cung cấp chất xơ dồi giàu, giúp phân mềm hơn và dễ di chuyển trong ống hậu môn bị hẹp. Ví dụ như rau mồng tơi, rau lang, rau dền, rau bó xôi, bông cải, khoai lang,…
  • Các loại đậu: Đây cũng là nguồn chất xơ cao, có công dụng nhuận tràng, giúp việc đi ngoài dễ dàng hơn.
  • Nước lọc: Việc duy trì thói quen uống nhiều nước mỗi ngày, không chỉ giúp làm mềm phân và thuyên giảm tình trạng táo bón do hẹp hậu môn gây ra mà còn thúc đẩy thanh lọc cơ thể, giúp hoạt động tiêu hóa diễn ra trơn tru hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần duy trì một số thói quen khác như tập thể dục hằng ngày và hạn chế ngồi nhiều để nhu động ruột hoạt động hiệu quả, phân không ứ thành khối cứng, khiến bệnh tình chuyển biến nghiêm trọng hơn.

Sử dụng thuốc

Nếu tình trạng bệnh không thuyên giảm, các bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc như thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng, để tăng độ ẩm cho phân, giúp chúng mềm hơn và dễ dàng di chuyển.

Nong hậu môn

Đây là phương pháp điều trị song song với sử dụng thuốc, được áp dụng cho những bệnh nhân bị hẹp hậu môn, ở mức độ trung bình. Khi đó, người bệnh sẽ ngồi xổm trên bồn cầu, cúi xuống và dần dần đưa dụng cụ nong cơ học vào lỗ hậu môn, rồi bơm dầu bôi trơn vào. Phương pháp này sẽ giúp hậu môn giãn nở thường xuyên, đi đại tiện dễ dàng hơn và tình trạng hẹp hậu môn sau mổ trĩ có thể được cải thiện dần.

Phẫu thuật

Thông thường, phẫu thuật can thiệp chỉ được chỉ định khi các phương pháp trên không đáp ứng và mức độ hẹp hậu môn sau khi mổ trĩ tiến triển nặng. Một số thủ thuật được áp dụng như:

  • Cắt cơ vòng: Đây là thủ thuật cắt cơ vòng hậu môn để mở ống hậu môn, trường hợp này thường áp dụng với tình trạng bị hẹp hậu môn sau mổ trĩ ở mức nhẹ.
  • Sử dụng hậu môn nhân tạo: Đây là thủ thuật tái tạo hậu môn, giúp đưa toàn bộ chất thải ra ngoài, thông qua lỗ thông và túi chứa, mà không đi qua trực tràng và hậu môn. Trường hợp này thường áp dụng với mức hẹp nặng và các phương pháp điều trị đều không hiệu quả.

Tóm lại, bệnh lý hẹp hậu môn sau mổ trĩ không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và thúc đẩy bệnh trĩ tái phát nặng hơn. Vậy nên, khi bắt gặp một số triệu chứng hẹp hậu môn, người bệnh cần đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, hạn chế những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.

Nhi Bui

Theo Hellobacsi

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận