Chủ đề
Thất tình có thể khiến nam giới mắc hội chứng có tỉ lệ tử vong cao gấp đôi phụ nữ
Cụm từ “trái tim tan vỡ” từ lâu đã gắn liền với nỗi đau thất tình trong sách vở, âm nhạc và điện ảnh. Tuy nhiên, khoa học ngày nay đã chứng minh: đau tim vì tổn thương tinh thần không chỉ là hình ảnh ẩn dụ. Nó có thật – và có thể gây chết người.
Tưởng hiếm gặp, nhưng không hề hiếm
Hội chứng đó mang tên Takotsubo Cardiomyopathy (TC), hay còn gọi là hội chứng trái tim tan vỡ, là tình trạng tim yếu đi đột ngột do căng thẳng thể chất hoặc cảm xúc dữ dội.
Một nghiên cứu mới từ Đại học Arizona (Mỹ) đã phân tích dữ liệu của gần 200.000 bệnh nhân từ năm 2016 đến 2020, và phát hiện ra một sự thật đáng lo ngại: tỷ lệ tử vong ở nam giới vì hội chứng này cao gấp đôi phụ nữ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng trong 5 năm theo dõi, số ca mắc TC tăng nhẹ ở cả nam và nữ. Tuy nữ giới chiếm đa số các ca mắc, nhưng tỷ lệ tử vong ở nam lại cao vượt trội: 11,2% ở nam so với 5,5% ở nữ. Tỷ lệ tử vong trung bình toàn nhóm là 6,5% – con số không hề thấp.
TS. M. Reza Movahed, bác sĩ tim mạch can thiệp tại Đại học Arizona, chia sẻ: “Chúng tôi bất ngờ khi thấy tỷ lệ tử vong của hội chứng Takotsubo vẫn cao trong suốt 5 năm nghiên cứu mà không có dấu hiệu giảm, kèm theo đó là hàng loạt biến chứng nguy hiểm.”
Vì sao nam giới có tỉ lệ cao hơn?
TC thường xuất hiện sau một cú sốc tâm lý hoặc thể chất lớn: như cái chết của người thân, ly hôn, tai nạn, phẫu thuật hoặc nhiễm trùng nặng. Cả thể chất lẫn cảm xúc đều có thể khiến cơ thể giải phóng ồ ạt hormone stress (đặc biệt là adrenaline), làm tim co bóp bất thường và yếu đi nhanh chóng.
Tuy phụ nữ có xu hướng mắc hội chứng này nhiều hơn, nhưng nam giới lại có nhiều khả năng bị khởi phát bởi stress thể chất – những tình trạng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Chính yếu tố này có thể giải thích tỷ lệ tử vong cao hơn ở đàn ông.
Ngoài ra, sự khác biệt về nội tiết tố giữa nam và nữ – đặc biệt là vai trò bảo vệ của estrogen trong tim mạch nữ giới – cũng có thể góp phần tạo nên chênh lệch về mức độ nguy hiểm của bệnh.
Những biến chứng không thể xem nhẹ
Hội chứng trái tim tan vỡ thường bị nhầm với nhồi máu cơ tim do có triệu chứng tương tự: đau ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, hậu quả không hề nhẹ.
Theo nghiên cứu, gần 36% bệnh nhân TC bị suy tim sung huyết, 20,7% có rung nhĩ (một loại rối loạn nhịp tim), gần 7% rơi vào tình trạng sốc tim, 5,3% bị đột quỵ và 3,4% ngừng tim.
Điều đáng lo là một số biến chứng như đột quỵ do thuyên tắc mạch có thể được ngăn chặn nếu phát hiện sớm và dùng thuốc chống đông máu phù hợp, đặc biệt ở những người có cơ tim suy yếu hoặc có rung nhĩ.
Dù có tên gọi lãng mạn, không phải tất cả các ca TC đều liên quan đến tình cảm tan vỡ. Bất kỳ sự kiện gây stress lớn – cả thể chất lẫn tinh thần – đều có thể là “giọt nước tràn ly” dẫn đến hội chứng này.
Tuy nhiên, rõ ràng rằng việc mất đi người thân yêu không chỉ gây tổn thương tâm hồn, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tim mạch, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Cần cảnh giác hơn khi thất tình
Mặc dù hội chứng TC đã được giới y khoa biết đến từ lâu, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải: Vì sao một số người dễ bị hơn? Làm thế nào để chẩn đoán sớm? Có thể giảm biến chứng và tử vong bằng cách nào?
“Việc tỷ lệ tử vong vẫn cao liên tục là điều đáng báo động,” TS. Movahed nhấn mạnh. “Chúng ta cần thêm nghiên cứu để cải thiện phương pháp điều trị và tìm ra hướng tiếp cận mới cho hội chứng này.”
Hiểu rõ hơn về TC không chỉ giúp cứu sống người bệnh, mà còn là lời nhắc nhở quan trọng rằng trái tim không chỉ là một cơ quan – nó còn là nơi gánh chịu nỗi đau vô hình của tâm lý, cảm xúc và những mất mát trong cuộc đời.