Nghe hơi ngược, nhưng uống rượu và mất ngủ thường đi đôi với nhau - Doctor247

Nghe hơi ngược, nhưng uống rượu và mất ngủ thường đi đôi với nhau

Nhiều người thường tin rằng, việc uống rượu hay nhậu nói chung sẽ giúp chúng ta dễ đi vào giấc ngủ hơn, nhưng khoa học lại chứng minh ngược lại!

Nghe hơi ngược, nhưng uống rượu và mất ngủ thường đi đôi với nhau

Mất ngủ và uống rượu nhiều thường được coi là hai vấn đề sức khỏe tách biệt. Thế nhưng, nghiên cứu mới từ ba trường đại học lớn ở Mỹ lại chỉ ra: chúng có thể là hai mắt xích trong một chuỗi phức tạp, nơi căng thẳng và trầm cảm đóng vai trò kết nối trung gian.

Không dừng lại ở việc xác định mối quan hệ đơn lẻ giữa mất ngủ và nghiện rượu, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Kentucky, Đại học Miami và Đại học Bang Ohio còn khám phá cách mà bốn yếu tố bao gồm mất ngủ, căng thẳng, trầm cảm và uống rượu có thể liên tục tác động qua lại, tạo thành một vòng luẩn quẩn đáng lo ngại.

Mất ngủ dẫn đến căng thẳng, và rồi đến uống rượu

Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 405 người trưởng thành có cả thói quen uống rượu nặng và triệu chứng mất ngủ kéo dài. Ngoài việc ghi nhận tình trạng ngủ và mức độ sử dụng rượu, người tham gia còn được đánh giá về mức độ căng thẳng và dấu hiệu trầm cảm.

Kết quả cho thấy hai xu hướng nổi bật:

  • Đầu tiên, mất ngủ khiến cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng mạn tính;
  • Và để đối phó với sự căng thẳng đó, nhiều người tìm đến rượu như một cách giải tỏa. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời này lại dẫn đến hậu quả lâu dài.

Rượu gây trầm cảm, và trầm cảm lại khiến mất ngủ tệ hơn

Chiều ngược lại cũng xuất hiện rõ ràng: uống rượu nhiều gây rối loạn hóa học não bộ, làm tăng nguy cơ trầm cảm. Và chính trầm cảm, với những suy nghĩ tiêu cực, sự mệt mỏi tinh thần và rối loạn hormone, lại khiến người bệnh càng mất ngủ trầm trọng hơn.

Nhà tâm lý học Jessica Weafer (Đại học Bang Ohio) chia sẻ: “Đây là một vòng xoắn bệnh lý. Mỗi yếu tố vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân của yếu tố khác.”

Căng thẳng có vai trò chủ yếu khi khởi đầu từ mất ngủ. Còn khi vấn đề bắt đầu từ rượu, thì trầm cảm là trung gian chính dẫn đến mất ngủ. Việc phân biệt được hai hướng đi này giúp các chuyên gia xác định được điểm can thiệp hợp lý trong phác đồ điều trị.

Bức tranh phức tạp – nhưng không phải không thể tháo gỡ

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng nghiên cứu này chỉ là một “bức ảnh chụp nhanh tại một thời điểm”. Còn rất nhiều yếu tố có thể tham gia vào vòng ‘lẩn quẩn’ này, từ di truyền, môi trường sống, cho đến các yếu tố xã hội như cô đơn, áp lực công việc hay chấn thương tâm lý.

Tuy vậy, việc làm rõ vai trò trung gian của stress và trầm cảm là bước tiến quan trọng. Nó mở đường cho các liệu pháp điều trị không chỉ tập trung vào triệu chứng bề nổi (mất ngủ hoặc nghiện rượu), mà còn xử lý tận gốc những nguyên nhân bên trong.

“Chúng tôi muốn nối lại những điểm mờ mà trước đây chưa ai nhìn rõ. Khi cùng lúc đưa stress và trầm cảm vào mô hình nghiên cứu, những mối liên hệ ẩn sâu mới hiện ra rõ nét,” nhà thần kinh học Justin Verlinden cho biết.

Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu dự định triển khai một nghiên cứu theo dõi trong suốt 12 tháng, nhằm quan sát trực tiếp cách các yếu tố này tiến triển, tác động lẫn nhau theo thời gian. Đây sẽ là dữ liệu quý để xây dựng các mô hình can thiệp sớm và điều trị theo hướng cá nhân hóa.

“Mỗi người có thể bắt đầu từ một điểm khác nhau – có người mất ngủ trước, có người vì rượu mà trầm cảm. Hiểu rõ điều đó sẽ giúp bác sĩ chọn đúng hướng điều trị,” Weafer nói.

Mất ngủ không chỉ là vấn đề về giấc ngủ. Uống rượu không chỉ là thói quen xấu. Khi các yếu tố này kết hợp với stress và trầm cảm, chúng có thể tạo thành một chuỗi phản ứng tiêu cực, khiến người bệnh khó thoát khỏi tình trạng suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần.

Tuy nhiên, bằng cách nghiên cứu mối liên hệ giữa các yếu tố này, giới khoa học đang mở ra hy vọng mới: điều trị không chỉ hiệu quả hơn, mà còn nhân văn hơn – nhìn nhận con người trong tổng thể, thay vì chỉ chạy theo từng triệu chứng lẻ.

Theo ScienceDirect

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận