Chủ đề
Review giùm bạn: Khám và nội soi dạ dày tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM
Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM không chỉ là một cơ sở khám chữa bệnh uy tín hàng đầu trên địa bàn thành phố mà còn nhận được sự quan tâm đông đảo của bà con các tỉnh lân cận. Hôm nay, hãy cùng Doctor247 trải nghiệm quy trình cụ thể khám bệnh tại đây, cụ thể hơn là khám dạ dày, một trong những cơ quan cực kỳ quan trọng nhưng cũng rất dễ mắc bệnh, đặc biệt đối với dân văn phòng.
Vì sao lại chọn khám bệnh dạ dày?
Tất nhiên câu trả lời vì bị bệnh :> Nhưng điều quan trọng là tại Việt Nam, các bệnh lý về dạ dày đang trở thành mối lo ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng.
Theo thống kê, khoảng 7% dân số mắc các bệnh liên quan đến dạ dày, với tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) lên tới 70% – một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét và ung thư dạ dày.
Viêm dạ dày mạn tính chiếm từ 31% đến 65% trong các ca nội soi tiêu hóa trên, đặc biệt phổ biến ở nhóm tuổi từ 40 đến 50. Ngoài ra, khoảng 15–20% người Việt mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, với tỷ lệ tái phát cao nếu không điều trị triệt để và thay đổi lối sống.
Một bệnh lý khác cũng rất phổ biến là trào ngược dạ dày – thực quản (GERD), hiện ảnh hưởng đến khoảng 7 triệu người Việt Nam. Đáng chú ý, khoảng 60% trong số này không được điều trị kịp thời, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như hẹp thực quản hoặc ung thư thực quản. Tình trạng này thường gặp ở người thừa cân, căng thẳng kéo dài hoặc có thói quen ăn uống không lành mạnh.
Đặc biệt, ung thư dạ dày đang có xu hướng gia tăng, với hơn 17.000 ca mắc mới mỗi năm tại Việt Nam, chiếm khoảng 10% tổng số ca ung thư. Tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày đứng thứ ba trong các loại ung thư, với hơn 15.000 trường hợp tử vong hàng năm. Đáng lo ngại, 70% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn do triệu chứng không rõ ràng, và 20–25% ca mắc mới là ở người dưới 40 tuổi.
Review khám và nội soi dạ dày tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM
Chú ý: Đây là trải nghiệm mang tính cá nhân của người viết khi đi khám dạ dày, có thể không chính xác khi đi khám các bệnh khác, địa chỉ khám được chọn là Cơ sở 1 nằm tại 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TPHCM. Người đi khám bệnh cũng cần lưu ý các khung giờ khám như sau:
- Thứ 2 – thứ 6: 6h30 – 16h30
- Thứ 7: sáng từ 6h30 – 12h00
Gửi xe và đăng ký khám bệnh
Đặc thù dễ thấy khi đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM là lượng người đến khám đông từ rất sớm, vì vậy nhà gửi xe bệnh viện theo quan sát sẽ thường xuyên không còn chỗ cho xe máy.
Người đến khám có thể tham khảo đi bằng ô tô hoặc chọn gửi xe máy tại các điểm giữ xe xung quanh bệnh viện ở các đường như đường Đặng Thái Thân hay Mạc Thiên Tích (giá vé dao động khoảng 10.000 đồng).
Sau khi vào bệnh viện, chúng ta sẽ đi vào sảnh tầng trệt của khu A, nếu đi từ cổng Hồng Bàng 2, quầy sẽ nằm bên tay phải. Lưu ý, đối với trường hợp lần đầu đến khám, người bệnh sẽ cần điền trước vào một mẫu giấy thông tin được bày sẵn ở các bàn phía đối diện với quầy rồi mới đến xếp hàng.
Xếp hàng đăng ký khám khá nhanh vì bệnh viện bố trí khá nhiều quầy, trung bình mất khoảng 5 – 10 phút.
Khi đến xếp hàng, khai báo các thông tin như khám bệnh gì, cơ quan gì, hình thức thanh toán có bảo hiểm hay không. Sau đó tiến hành đống tiền khám chữa bệnh, có thể đống bằng tiền mặt lẫn chuyển khoản. Sau khi thanh toán, người đến khám sẽ nhận một mẫu hóa đơn có in số thứ tự khám kèm phòng/khoa khám cụ thể, nhân viên tại quầy cũng có thể sẽ hướng dẫn hướng đi đến nơi khám.
Di chuyển đến khu, phòng khám bệnh
Khoa Khám bệnh nằm ở lầu 1, cách di chuyển có thể đi lên bằng thang cuốn nằm chính diện ở Khu A hướng ra đường Hồng Bàng. Người bệnh cần chú ý, các phòng khám chuyên khoa được đánh số thứ tự từ 1 – 70. Từ phòng khám số 1 – 45 được xếp từ tầng trệt lên lầu 1 khu A. Các phòng khám còn lại có số thứ tự từ 46 – 70 được xếp ở tầng trệt khu B.
Khi đi khám dạ dày, người bệnh sau khi lên thang sẽ đi về phía tay phải đi đến khu Tiêu hóa Gan Mật. Lưu ý, người đi khám sẽ chờ bên ngoài hành lang trước, đợi số thứ tự của mình hiển thị mới vào khu khám. Người đi khám đến lấy đăng ký và lấy số thứ tự càng sớm sẽ càng đến lượt nhanh, ở đây, người viết đợi khoảng 20 phút.
Sau khi vào khu khám, người bệnh sẽ nộp hóa đơn tại quầy ngay cạnh bên phải cửa, sau đó ngồi đợi gọi tên đo huyết áp cũng như cung cấp các thông tin về chiều cao, cân nặng.
Sau khi hoàn thành, người bệnh tiếp tục ngồi đợi bên trong khu khám cho đến khi hiển thị số thứ tự của mình hoặc y tá gọi tên vào phòng khám cụ thể (số phòng khám có ghi chú trên hóa đơn ban đầu).
Tiến hành khám với bác sĩ và nhận chỉ định nội soi
Sau khi đến số thứ tự hoặc được gọi tên, người bệnh sẽ vào khám trực tiếp với bác sĩ. Ở đây, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng, trong trường hợp này người viết được chỉ định nội soi dạ dày.
Nhận chỉ định xong sẽ được in phiếu và tiến hành đi đến khu nội soi nằm ở phía đối diện khu Tiêu hóa Gan Mật. Đáng chú ý, các chỉ định cận lâm sàng cũng đều được bố trí thực hiện tại tầng trệt và lầu 1 của khu A để tạo sự tiện lợi cho bệnh nhân trong quá trình di chuyển.
Khi vào khu nội soi, người khám sẽ nộp giấy chỉ định và tiến hành đóng phí nội soi tại quầy, sau đó ra bên ngoài hành lang chờ đến số thứ tự hoặc gọi tên. Có thể đóng bằng cả hình thức tiền mặt lẫn chuyển khoản.
Thời gian chờ khá lâu, khoảng 30 phút vì số lượng người chờ nội soi là khá đông. Đáng chú ý, nếu lựa chọn phương thức gây mê nội soi, rất có thể người đi khám sẽ phải chịu dời ngày nội soi sang những hôm sau.
Nội soi dạ dày, trả kết quả và nhận tư vấn
Khi đến số thứ tự, người được chỉ định nội soi sẽ đi vào bên trong khi nội soi, tiếp tục ngồi đợi khoảng 5 phút trước khi vào bên trong phòng nội soi.
Khi nội soi, người bệnh sẽ phải nằm nghiêng về một phía, được y tá xịt thuốc tê vào vùng vòm họng. Sau khoảng thời gian 5 phút thì tiến hành. Trải nghiệm khá là buồn nôn và khó chịu, tuy nhiên diễn ra khá nhanh, chỉ khoảng 2 – 3 phút.
Sau đó, người bệnh sẽ ra ngoài và đợi kết quả. Đáng chú ý, kết quả sẽ được trả qua số điện thoại bằng hình thức tin nhắn SMS khá thuận tiện, từ thời điểm nội soi đến khi có kết quả mất khoảng 30 phút.
Sau khi có kết quả, người bệnh quay lại khu Tiêu hóa Gan Mật để đưa giấy nội soi cho nhân viên tại quầy và chờ gọi tên vào gặp bác sĩ. Nếu tình hình khả quan, bác sĩ sẽ tư vấn về bệnh, in đơn thuốc và bệnh nhân có thể đi lấy thuốc ra về.
Nhận thuốc và các thông tin liên quan đến bảo hiểm
Quầy phát thuốc nằm ở tầng trệt, bên tay trái hướng xuống của thang cuốn, người lấy thuốc sẽ xếp hàng nộp phiếu và thanh toán, hình thức thanh toán cũng đa dạng gồm tiền mặt và chuyển khoản.
Sau khi thanh toán, người bệnh có thể chờ hiển thị thông tin trên màn hình. Đặc biệt, khi có thuốc tại quầy, bệnh viện sẽ tiến hành gửi tin nhắn SMS báo thông tin quầy nhận thuốc, phòng trường hợp người bệnh đi vắng thời điểm đó.
Trong trường hợp xử lí các vấn đề liên quan đến bảo hiểm, người bệnh có thể đến quầy nằm bên dưới chân thanh cuốn để xử lí. Lưu ý, nếu đi khám vào sáng thứ bảy, sau 11 giờ 30 quầy này sẽ ngừng hoạt động. Lúc này, người bệnh chỉ có thể xuất hóa đơn giá trị gia tăng bằng cách đi qua Khu B và đến quầy số 12.
Cảm nhận chung
Đi sớm, lấy số sớm, về sớm có lẽ là lời khuyên chân thành nhất!