Chủ đề
Thuốc giảm đau ít hiệu quả hơn với phụ nữ?
Đau là một trong những trải nghiệm phổ biến và phổ quát nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, cách chúng ta điều trị cơn đau – từ thuốc không kê đơn đến opioid – vẫn thường dựa trên tiêu chuẩn dành cho nam giới. Điều này khiến nhiều phụ nữ rơi vào cảnh đau đớn kéo dài mà không được điều trị đúng cách, thậm chí gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Cơ thể phụ nữ phản ứng khác biệt với thuốc giảm đau
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy phụ nữ cảm nhận và phản ứng với đau khác biệt so với nam giới. Các nghiên cứu chỉ ra rằng họ dễ mắc các bệnh đau mãn tính như đau nửa đầu, hội chứng ruột kích thích, viêm khớp và đau cơ xơ hóa.
Thế nhưng, họ lại thường bị bác sĩ xem nhẹ triệu chứng, hoặc chẩn đoán sai, dẫn đến việc trì hoãn điều trị và làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Không dừng lại ở đó, nhiều nghiên cứu cho thấy các loại thuốc giảm đau như ibuprofen, steroid và opioid hoạt động kém hiệu quả hơn trên phụ nữ. Cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu lý do. Nhưng những nghiên cứu gần đây đã mở ra một số giả thuyết.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu được nêu ra là sự khác biệt về hormone giới tính. Theo bác sĩ Kiran Patel, giám đốc khoa điều trị đau tại Bệnh viện Lenox Hill, estrogen – hormone chiếm ưu thế ở nữ – ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thu và chuyển hóa thuốc.
Estrogen làm chậm quá trình tiêu hóa, tăng tỷ lệ mỡ cơ thể và giảm lượng protein gắn thuốc trong máu. Tất cả những yếu tố này đều tác động đến hiệu quả của thuốc.
Ngoài ra, hệ miễn dịch của nữ giới cũng hoạt động mạnh hơn nam giới, tạo ra phản ứng viêm lớn hơn, có thể khiến họ cần liều thuốc cao hơn hoặc dùng lâu hơn để đạt hiệu quả tương tự.
Đối với opioid – nhóm thuốc giảm đau mạnh, phản ứng ở phụ nữ cũng rất phức tạp. Một số nghiên cứu cho thấy nữ giới có thể có ít thụ thể opioid hơn, khiến họ cần liều cao hơn để đạt hiệu quả. Tuy nhiên, dữ liệu chưa đồng nhất: có nghiên cứu cho rằng phụ nữ cần liều thấp hơn, số khác lại thấy không có sự khác biệt.
Điều đáng lo ngại là phụ nữ cũng có nguy cơ cao hơn khi dùng opioid. Họ chuyển hóa thuốc chậm hơn, dẫn đến nồng độ thuốc cao hơn trong máu và dễ gặp tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, thậm chí co giật hoặc ảo giác. Vì vậy, nhiều phụ nữ từ chối dùng liều cao hoặc ngừng điều trị, làm cơn đau kéo dài hơn.
Thực tế, từ 1997 đến 2001, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã rút khỏi thị trường 10 loại thuốc – trong đó 8 loại gây hại nghiêm trọng hơn cho phụ nữ. Ví dụ, thuốc Posicor (điều trị huyết áp) gây chậm hoặc ngừng tim, đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi. Một số thuốc dị ứng như Seldane và Hismanal cũng bị rút vì làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim gây tử vong ở phụ nữ.
Cái giá của việc không được điều trị đúng cách
Việc không được giảm đau hiệu quả khiến phụ nữ đối mặt với hệ lụy kéo dài: tình trạng bệnh trở nặng, phục hồi chậm, tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật. Thậm chí, những việc thường ngày như chăm con, đi làm hay dọn dẹp cũng trở nên khó khăn.
Không giống như nam giới, phụ nữ thường mang trên vai những trách nhiệm không thể trì hoãn. Một khảo sát Gallup năm 2019 cho thấy phụ nữ trong các cặp đôi khác giới làm hầu hết công việc gia đình – từ nấu ăn, giặt giũ đến chăm sóc con cái. Điều đó khiến họ gần như không có “khoảng nghỉ” nào, dù đang trong cơn đau – điều có thể làm tăng cảm nhận đau cả về thể chất lẫn tâm lý.
Theo bác sĩ Patel, nếu đau cấp tính không được điều trị kịp thời, nó có thể chuyển thành đau mãn tính, đi kèm lo âu, trầm cảm hoặc nghiện thuốc. Đáng buồn, tỷ lệ tử vong do lạm dụng opioid ở phụ nữ đã tăng tới 642% từ năm 1999 – cao hơn nhiều so với nam giới.
Giới chuyên môn kêu gọi tăng cường minh bạch trong thử nghiệm lâm sàng, đảm bảo thuốc được thử nghiệm đầy đủ trên cả hai giới. Một số nghiên cứu hiện đang tìm cách xác định “dấu ấn sinh học” của đau ở phụ nữ – yếu tố có thể giúp phát triển thuốc mới hiệu quả hơn.
Trong lúc chờ đợi, các chuyên gia khuyên phụ nữ nên chủ động bảo vệ quyền lợi y tế của mình.
Theo National Geographic