Chủ đề
Haenyeo – Những người phụ nữ tiến hóa để lặn biển
Trên đảo Jeju thơ mộng, phía nam Hàn Quốc, có một cộng đồng phụ nữ lớn tuổi vẫn ngày ngày lặn xuống đáy biển mà không dùng bình dưỡng khí. Họ không phải vận động viên chuyên nghiệp hay quân nhân huấn luyện đặc biệt – họ là Haenyeo, những nữ thợ lặn truyền thống đang gìn giữ một di sản văn hóa nghìn năm và giờ đây, có thể là minh chứng sống cho sự tiến hóa di truyền của loài người.

Lặn biển không bình khí trong lúc mang thai
Haenyeo có thể lặn ở độ sâu 10 mét trong làn nước lạnh 10°C, giữ hơi thở dài và lặp lại liên tục trong nhiều giờ liền. Trước năm 1980, họ làm điều này chỉ với bộ đồ vải bông – không wetsuit, không công nghệ hiện đại.
Nhiều người bắt đầu học lặn từ mẹ từ khi còn nhỏ, chính thức luyện tập từ tuổi 15, và tiếp tục cho đến tận tuổi già. Điều phi thường hơn, nhiều người Haenyeo vẫn lặn khi đang mang thai – thậm chí đến tận ngày sinh nở.
Sự bền bỉ này từng được lý giải là nhờ rèn luyện. Nhưng một nghiên cứu mới đã tìm ra điều bất ngờ hơn: có thể, họ đã tiến hóa di truyền để lặn giỏi hơn.

Dấu hiệu của tiến hóa ở người
Nhóm nghiên cứu do nhà di truyền học Melissa Ilardo (Đại học Utah) dẫn đầu đã so sánh hệ gene của 30 phụ nữ Haenyeo với người dân bình thường trên đảo Jeju và đất liền Hàn Quốc. Cả ba nhóm đều trải qua thì nghiệm “lặn mô phỏng” bằng cách ngâm mặt vào chậu nước lạnh trong khi nín thở.
Kết quả thật sự ấn tượng: nhịp tim của Haenyeo giảm nhiều hơn khoảng 50% so với các nhóm khác trong khi lặn. Việc này giúp giảm tiêu thụ oxy, cho phép họ giữ hơi lâu hơn và giảm gánh nặng lên tim – một lợi thế sinh tồn rõ rệt khi lặn lâu dưới nước.
Có những cá nhân mà nhịp tim giảm tới 40 nhịp chỉ trong vòng 15 giây.
Không chỉ vậy, phân tích gene cho thấy người dân Jeju – bao gồm cả Haenyeo lẫn người không lặn – có sự khác biệt di truyền rõ rệt so với người Hàn Quốc trên đất liền. Đây là hệ quả của quá trình sống tách biệt hàng thế kỷ.
Đặc biệt, 33% người Jeju sở hữu hai biến thể gene hiếm: một gene giúp tăng khả năng chịu lạnh (giảm nguy cơ hạ thân nhiệt) và một gene giúp hạ huyết áp tâm trương – một yếu tố quan trọng với phụ nữ mang thai.
Nhờ gene này, Haenyeo có thể giảm nguy cơ tiền sản giật – biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ – trong khi vẫn tiếp tục công việc nặng nhọc dưới biển.
Không chỉ Haenyeo, con người đã thích nghi với khắc nghiệt ra sao?
Con người là sinh vật “dẻo dai” về sinh lý. Ở vùng núi cao, người Andes sản xuất nhiều hồng cầu hơn, còn người Tây Tạng có lượng hemoglobin cao hơn – giúp vận chuyển oxy hiệu quả trong không khí loãng. Tại Indonesia, người Bajau – những “du mục biển cả” – có lá lách to bất thường, giúp dự trữ hồng cầu và tăng sức lặn.
Tương tự, Haenyeo có thể là dân tộc thứ hai được xác nhận là đã tiến hóa để thích nghi với việc lặn.
“Đây là minh chứng tuyệt vời cho khả năng tiến hóa và biến đổi của loài người,” nhà nhân chủng học Cara Ocobock (Đại học Notre Dame) nhận định.
Điều thú vị là biến thể gene này không chỉ hỗ trợ lặn mà còn có thể giúp đảo Jeju – nơi có tỷ lệ tử vong vì đột quỵ thấp nhất Hàn Quốc – có được một “lợi thế sức khỏe” hiếm có.
“Nếu việc phụ nữ lặn khi mang thai suốt nhiều thế hệ thật sự tạo ra ảnh hưởng sinh học lan rộng cho cả hòn đảo, thì đó là điều phi thường,” Ilardo nói. Bà hy vọng hiểu rõ hơn cách gene này hoạt động sẽ mở ra hướng điều trị mới cho các bệnh tim mạch.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, từ bão tuyết đến sóng nhiệt, việc tìm hiểu khả năng thích nghi sinh học của con người trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
“Chúng ta cần biết cơ thể có thể chịu đựng và thích nghi ra sao với môi trường cực đoan. Đó không chỉ là nghiên cứu – mà là cách để chuẩn bị cho tương lai đang đến gần,” Ocobock khẳng định.
Theo National Geographic