Sau nghỉ việc, Google vẫn trả lương suốt năm cho kỹ sư AI để... không làm gì cả - Doctor247

Sau nghỉ việc, Google vẫn trả lương suốt năm cho kỹ sư AI để… không làm gì cả

Trong cuộc đua công nghệ khốc liệt hiện nay, nơi trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành chiến trường then chốt, các ông lớn như Google không chỉ đầu tư vào sản phẩm mà còn ráo riết giữ chặt nhân tài, kể cả khi họ không còn làm việc ‘dưới trướng.’

Sau nghỉ việc, Google vẫn trả lương suốt năm cho kỹ sư AI để... không làm gì cả

Google giữ nhân tài bằng cách… không để họ làm việc?

Theo thông tin từ Business Insider, một số nhân viên cũ của Google DeepMind (bộ phận nghiên cứu AI của tập đoàn) tại Anh đã tiết lộ rằng, họ vẫn đang được Google trả lương dù đã rời công ty.

Lý do của khoản lương này nằm trong điều khoản “garden leave” – một dạng nghỉ việc có lương trong thời gian bị ràng buộc bởi “non-compete agreement” (thoả thuận không làm việc cho đối thủ).

“Garden leave” là chiến lược được các công ty lớn sử dụng để ngăn nhân viên cũ đi ‘đầu quân’ cho đối thủ trong thời gian nhất định sau khi nghỉ việc. Trong trường hợp của DeepMind, khoảng thời gian này có thể kéo dài lên tới 12 tháng, nhưng vẫn nhận đủ lương từ Google.

Dù nghe có vẻ hấp dẫn khi được nghỉ dài hạn có lương, nhưng với những người làm trong ngành AI, nơi chỉ một vài tháng cũng đủ để công nghệ đổi thay chóng mặt, việc “bị treo giò” một năm có thể khiến họ lỡ nhịp hoàn toàn so với thị trường.

Một cựu nhân viên của DeepMind chia sẻ: “Một năm là cả một đời trong thế giới AI. Ai sẽ muốn ký hợp đồng tuyển dụng với bạn nếu bạn chỉ có thể bắt đầu làm việc sau 12 tháng nữa?”

Cuộc đua AI – nơi thời gian là vũ khí cạnh tranh

Kể từ khi AI bùng nổ trở lại với sự ra mắt của ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ khổng lồ, các công ty như OpenAI, Microsoft, Meta và chính Google đều lao vào một “cuộc chạy đua không khoan nhượng”.

Trong bối cảnh này, việc để mất một kỹ sư nhiều kinh nghiệm cho đối thủ có thể dẫn đến thiệt hại không nhỏ, từ năng lực sáng tạo đến thông tin chiến lược nội bộ.

Chính vì vậy, Google dường như đang dùng các điều khoản ràng buộc pháp lý để giữ chân những nhân sự then chốt, thậm chí chấp nhận trả lương cho họ để… ngồi chơi trong thời gian chờ hợp đồng hết hiệu lực.

Theo báo cáo, những thoả thuận không cạnh tranh này phổ biến nhất trong các nhân sự cấp cao hoặc các kỹ sư từng tham gia vào dự án quan trọng như Gemini – dòng mô hình AI lớn của Google.

Bị chỉ trích là “lạm dụng quyền lực”

Hành động này đã vấp phải chỉ trích từ chính cựu lãnh đạo DeepMind – ông Nando de Freitas, hiện là Phó Chủ tịch AI tại Microsoft.

Trên mạng xã hội X, ông chia sẻ rằng mỗi tuần đều nhận được tin nhắn cầu cứu từ các nhân viên DeepMind đang tuyệt vọng tìm cách thoát khỏi các điều khoản ràng buộc.

“Đừng ký những hợp đồng đó,” ông cảnh báo. “Không một công ty Mỹ nào nên được phép kiểm soát con người đến mức đó – đặc biệt là ở châu Âu. Đây là sự lạm dụng quyền lực, không gì có thể biện minh.”

Ông cũng cho rằng trong bối cảnh AI phát triển từng ngày, việc giam giữ nhân tài trong tình trạng “chờ đợi” không chỉ làm hại cá nhân họ mà còn bóp nghẹt sự tiến bộ chung của cả ngành.

Đáp lại các chỉ trích, người phát ngôn của Google cho biết: “Hợp đồng lao động của chúng tôi tuân thủ các tiêu chuẩn thị trường. Với tính nhạy cảm của công việc, chúng tôi áp dụng các điều khoản không cạnh tranh một cách có chọn lọc để bảo vệ lợi ích hợp pháp.”

Tuy vậy, trong bối cảnh ngành AI đang thiếu hụt nhân tài và tăng trưởng chóng mặt, nhiều người cho rằng các thoả thuận kiểu này đang đi ngược lại với tinh thần đổi mới và cạnh tranh lành mạnh.

Nguồn tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận