Tin tức mới nhất về các thương hiệu thời trang quốc tế

Điểm tin nóng 20/04/2025: Động thái mới nhất của các “ông lớn” ngành thời trang Hermès, Prada và Valentino

Trước làn sóng thách thức từ nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, kinh tế toàn cầu bất ổn đến áp lực thuế quan gia tăng, các thương hiệu thời trang Hermès, Prada và Valentino đã nhanh chóng triển khai những bước đi chiến lược nhằm thích ứng với bối cảnh và đặt nền tảng phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Prada chính thức mua lại thương hiệu thời trang Versace với giá gần 1,4 tỷ USD

Ngày 10/4/2025, Prada – nhà mốt danh tiếng của Ý – chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm thương hiệu đối thủ Versace từ Capri Holdings, sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng(1). Thương vụ diễn ra trong bối cảnh Versace đang đối mặt với khó khăn tài chính, còn Prada lại bước vào giai đoạn tăng tốc mở rộng, với tham vọng củng cố vị thế trong ngành thời trang xa xỉ vốn đang bị các tập đoàn Pháp như LVMH chi phối.

cửa hàng của thương hiệu thời trang Prada
Thương hiệu thời trang Versace chính thức “về chung nhà” với Prada. Ảnh: Reuters.

Capri Holdings – tập đoàn sở hữu Michael Kors và Jimmy Choo – từng mua lại Versace vào năm 2018 với giá 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi thương vụ trị giá 8,5 tỷ USD giữa Capri và Tapestry (công ty mẹ của Coach và Kate Spade) bị Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) ngăn chặn vào năm ngoái, Capri đã phải chịu áp lực tái cơ cấu tài chính, dẫn đến quyết định bán Versace để cắt giảm nợ(2).

Thỏa thuận lần này không chỉ giúp Prada mở rộng danh mục thương hiệu, mà còn mang đến cơ hội tiếp cận tệp khách hàng yêu thích kiểu thiết kế quyến rũ, táo bạo đặc trưng của Versace – khác với phong cách thời trang tối giản mà Prada hướng đến. Mặc dù Giám đốc Sáng tạo Donatella Versace đã rời khỏi vai trò lãnh đạo sau thương vụ, phía Prada cam kết vẫn sẽ giữ nguyên tinh và kế thừa tinh thần của Versace, đồng thời hỗ trợ phát triển bằng hệ thống vận hành và kinh nghiệm chuyên môn(3).

Valentino tái cấu trúc sau khi lợi nhuận giảm 22%

Năm 2024, Valentino ghi nhận lợi nhuận hoạt động giảm 22%, còn 246 triệu euro. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ toàn cầu giảm – đặc biệt tại thị trường châu Á – và chi phí đầu tư cho hệ thống cửa hàng gia tăng. Doanh thu của thương hiệu cũng giảm nhẹ 2%, đạt mức 1,31 tỷ euro(4), dù một số thị trường như Nhật Bản, Trung Đông và châu Mỹ vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định. Đặc biệt, sau chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, Valentino nói riêng và ngành hàng thời trang nói chung đang chuẩn bị cho đợt suy thoái kéo dài trong nhiều năm.

cửa hàng của thương hiệu thời trang Valentino
Mảng thương mại điện tử của thương hiệu chính là điểm sáng với doanh số bán hàng trực tuyến tăng 5% Ảnh: Reuters.

Trong bức tranh chung có phần ảm đạm, mảng thương mại điện tử của thương hiệu chính là điểm sáng với doanh số bán hàng trực tuyến tăng 5%. Đáng chú ý, nhằm tái định vị thương hiệu và làm mới dấu ấn sáng tạo, Valentino đã bổ nhiệm Alessandro Michele – cựu giám đốc sáng tạo của Gucci – vào vị trí Giám đốc Sáng tạo, chính thức thay thế Pierpaolo Piccioli sau 25 năm gắn bó.

Hermès “soán ngôi” LVMH, dẫn đầu ngành hàng thời trang xa xỉ toàn cầu

Trong quý I/2025, Hermès, thương hiệu thời trang xa xỉ đến từ Pháp, báo cáo doanh thu tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,1 tỷ euro, thấp hơn mức 9,8% được các chuyên gia kỳ vọng. Đà tăng trưởng chậm lại chủ yếu xuất phát từ nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc và môi trường kinh tế toàn cầu biến động, đặc biệt là do các chính sách thuế quan mới từ Mỹ(5).

cửa hàng của thương hiệu thời trang Hermes
Nhà mốt Pháp dự kiến tăng giá sản phẩm thời trang tại Mỹ để ứng phó với mức thuế quan mới. Ảnh: Reuters.

Để ứng phó với các mức thuế quan mới, Hermès công bố kế hoạch điều chỉnh giá bán trên toàn bộ sản phẩm tại thị trường Mỹ kể từ ngày 1/5, nhằm bù đắp toàn bộ tác động từ chính sách thuế. Đây là lần tăng giá bổ sung, bên cạnh mức điều chỉnh thường niên khoảng 6–7%.

Bất chấp những thách thức từ thị trường, Hermès đã chính thức vượt qua LVMH để trở thành thương hiệu thời trang xa xỉ có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới. Trong khi đó, các đối thủ như Moncler và Brunello Cucinelli báo cáo mức tăng trưởng khiêm tốn hơn, cho thấy đà chững lại của ngành hàng xa xỉ.

Nguồn: Tổng hợp

(1) https://www.theguardian.com/fashion/2025/apr/10/pradas-125bn-versace-takeover-a-new-era-for-italian-luxury

(2) https://www.theguardian.com/fashion/2018/sep/25/michael-kors-buys-versace-capri-donatella

(3) https://www.reuters.com/markets/deals/italys-prada-agrees-buy-fashion-rival-versace-2025-04-10/

(4) https://www.reuters.com/business/retail-consumer/italian-fashion-house-valentino-suffers-22-profit-drop-2024-2025-04-18/

(5) https://www.reuters.com/business/retail-consumer/hermes-sales-up-7-first-quarter-slightly-missing-expectations-2025-04-17/

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận