GSK và Đại học Oxford hợp tác thúc đẩy nghiên cứu về ung thư

Bắt nhịp thị trường 13/02/2025: GSK và Đại học Oxford hợp tác thúc đẩy nghiên cứu về ung thư

GSK ngày càng thúc đẩy phát triển vaccine ung thư thông qua các nghiên cứu và chương trình hợp tác với Đại học Oxford. Đồng thời, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng có nhiều khởi sắc.

GSK và Đại học Oxford thành lập Chương trình Phòng ngừa Miễn dịch Ung thư

Theo công bố mới nhất, GSK sẽ đầu tư 50 triệu bảng Anh cho một dự án với Đại học Oxford trong ít nhất 3 năm để nghiên cứu về tiềm năng của một số loại vaccine trong phòng ngừa ung thư.

Chương trình được phát triển nhằm tận dụng chuyên môn của GSK và Oxford trong lĩnh vực khoa học hệ miễn dịch, phát triển vaccine và sinh học ung thư. Cụ thể, các chuyên gia từ Oxford sẽ tham gia nghiên cứu, xác định và giải trình tự các tân kháng nguyên (neoantigen), được mô tả là “các protein đặc hiệu của khối u giúp hệ miễn dịch nhận diện ung thư”. Điều này có thể hỗ trợ phát triển vaccine hoặc các dạng thuốc khác nhắm vào tế bào tiền ung thư, vốn có thể tiến triển thành ung thư trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ.

nhà nghiên cứu của đại học Oxford hợp tác cùng GSK nghiên cứu vaccine
GSK và Đại học Oxford nghiên cứu về tiềm năng của một số loại vaccine trong phòng ngừa ung thư. Ảnh: University of Oxford.

“Hợp tác cùng GSK, chúng tôi sẽ đẩy nhanh đáng kể nghiên cứu ứng dụng, từ đó phát triển các loại vaccine giúp ngăn ngừa ung thư trong tương lai” – bà Sarah Blagden(1).

Theo bà Sarah Blagden, giáo sư về ung thư học thực nghiệm tại Đại học Oxford, ung thư có thể mất tới 20 năm hoặc lâu hơn để phát triển. Trong quá trình đó, tế bào bình thường sẽ dần chuyển đổi để trở thành tế bào ung thư – đây là giai đoạn mà bệnh khó có thể được phát hiện. Vì vậy, mục đích của vaccine không phải để chống lại tế bào ung thư đã hình thành, mà để chống lại giai đoạn tiền ung thư.

Dựa trên thỏa thuận hợp tác của GSK và Đại học Oxford, một số loại vaccine ung thư đã được thử nghiệm. Công nghệ mới giúp các nhà khoa học giải trình tự bộ gen của khối u để tìm ra các gen đột biến tạo ra neoantigen. Sau đó, vaccine chứa neoantigen được cá nhân hóa được đưa vào cơ thể, thúc đẩy hệ miễn dịch tìm kiếm và tiêu diệt những tế bào tiền ung thư.

Lợi nhuận quý IV được ghi nhận vượt kỳ vọng

Bên cạnh nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine ung thư, GSK cũng có những khởi sắc trong hoạt động kinh doanh.

Lợi nhuận quý IV năm 2024 vượt kỳ vọng đã trở thành bước đệm cho GSK trong việc nâng mục tiêu doanh số đạt được trong năm 2031 lên hơn 40 tỷ bảng Anh, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực vaccine và thuốc điều trị. Ngoài ra, cổ phiếu của doanh nghiệp cũng được đánh giá là một trong những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất ở thị trường châu Âu.

logo GSK
GSK nâng mục tiêu doanh số đạt được trong năm 2031 lên hơn 40 tỷ bảng Anh từ mức 38 tỷ ban đầu. Ảnh: Reuters.

Bà Emma Walmsley, tổng giám đốc điều hành của GSK, đã đưa doanh nghiệp trở lại đà tăng trưởng với trọng tâm là lĩnh vực ung thư và bệnh truyền nhiễm. Điều này nhằm ứng phó với vấn đề hết hạn bằng sáng chế và doanh thu suy giảm từ các loại thuốc bán chạy nhất của GSK trong năm 2030.

“Chúng tôi đang ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các loại thuốc đặc trị trong các lĩnh vực hô hấp, miễn dịch và viêm, ung thư và HIV” – bà Emma Walmsley(2).

Nguồn: Tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận