Góc sinh tồn từ cháy rừng ở Mỹ: Cẩn trọng với tro bụi và khói độc sau cháy - Doctor247

Góc sinh tồn từ cháy rừng ở Mỹ: Cẩn trọng với tro bụi và khói độc sau cháy

Cháy rừng tại Los Angeles (Mỹ) đã tạm lắng, nhưng điều đó không có nghĩa nguy cơ sức khỏe đã biến mất. Nhiều người quay trở lại những căn nhà còn nguyên vẹn may mắn “thoát” lửa, song khói, tro cùng vô số hóa chất độc hại vẫn có thể tồn tại ngay trong không khí bên trong nhà và gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể.

Góc sinh tồn từ cháy rừng ở Mỹ: Cẩn trọng với tro bụi và khói độc

Toàn cảnh hậu cháy rừng tại LA

Chính quyền Los Angeles đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế, đồng thời cấm sử dụng máy thổi lá và các thiết bị thổi khí khác nhằm giảm thiểu nguy cơ hít phải các hạt bụi độc hại. Theo Katherine Pruitt, Giám đốc Cấp cao về Chính sách tại Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, những nhà không bị thiệt hại cũng có thể chứa khói, tro và hạt bụi li ti, vốn nguy hiểm khi xâm nhập vào phổi, mắt và da.

Ngoài ra, các vật liệu cháy còn lại như xe cộ và công trình xây dựng bị thiêu hủy sẽ giải phóng nhiều chất độc ngấm vào tường, sàn và đồ nội thất. Những hóa chất này có khả năng “nhả khí độc” trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng tiếp theo.

Khu vực Los Angeles vốn đã có chất lượng không khí không lý tưởng. Trong Báo cáo Tình trạng Không khí năm 2024 của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, thành phố này đứng trong Top 10 nơi bị ô nhiễm hạt bụi quanh năm cao nhất và còn dẫn đầu nhiều năm liền về ô nhiễm ozone. Khi cháy rừng xảy ra, chỉ số AQI tại Nam California thường duy trì ở mức “không lành mạnh,” khiến tình hình càng thêm nghiêm trọng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy hạt bụi phát sinh từ cháy rừng độc hại hơn so với hạt bụi từ các nguồn thông thường. Chúng có thể tạo ra triệu chứng như cay mắt, chảy nước mũi, và lắng sâu trong phổi, làm trầm trọng thêm bệnh viêm phế quản, tiểu đường, bệnh tim mạn tính. Một nghiên cứu ở khu vực Boulder, Colorado, cũng chỉ ra rằng chất lượng không khí trong nhà vẫn xấu đi nhiều tuần sau khi cháy rừng kết thúc.

Di chứng từ những đám cháy

Trong vụ cháy rừng ở Boulder vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã phát hiện trong tro chứa nhiều kim loại, hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), bao gồm cả benzene – chất gây ung thư. Người dân xung quanh khu vực cháy rừng báo cáo các triệu chứng đau đầu, ho, hắt hơi, đau họng và chảy nước mắt không chỉ trong lúc xảy ra thảm họa mà còn kéo dài cả sáu tháng sau đó, đặc biệt ở những người sống gần các tòa nhà bị cháy rụi.

Giới chuyên gia, bao gồm EPA, khuyến nghị kiểm tra bộ lọc HVAC vài ngày một lần và thay mới khi cần. Bộ lọc hiệu suất cao (MERV-13 hoặc cao hơn) nên được sử dụng liên tục ở chế độ “On” thay vì “Auto.” Những máy lọc không khí di động có bộ lọc HEPA và than hoạt tính cũng là lựa chọn tốt. Ngoài ra, hạn chế các hoạt động dễ tạo thêm bụi mịn, chẳng hạn như chiên hoặc nướng thức ăn nhiệt độ cao, hoặc hút bụi bằng máy thường.

Pruitt khuyên không nên đốt nến hay hương để át mùi khói, vì chúng làm tăng ô nhiễm hạt bụi mịn trong nhà. Khi dọn dẹp, sử dụng khẩu trang N95 hoặc P100 thay vì khẩu trang y tế hay vải, đồng thời mặc quần áo dài, đeo găng tay, kính bảo hộ để tránh tiếp xúc trực tiếp với tro. Phun sương nhẹ lên bề mặt trước khi hút bụi bằng máy có bộ lọc HEPA, nhằm hạn chế tro bay lên không khí.

Những người mắc bệnh tim, bệnh phổi (như COPD, hen suyễn), người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai đều nên tránh tham gia dọn dẹp tro, do hạt bụi mịn có thể gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe của họ. Vật nuôi cũng dễ bị bệnh; cần giữ chúng tránh xa tro và rửa sạch bàn chân nếu chúng lỡ tiếp xúc.

Cuối cùng, hãy nghỉ ngơi thường xuyên, ưu tiên không khí sạch. Nếu không khí ngoài trời đã trong hơn, có thể mở cửa đón gió; nếu vẫn còn khói, hãy tạo “phòng sạch” với máy lọc không khí để nghỉ ngơi, và gặp bác sĩ ngay nếu có dấu hiệu bất thường như khó thở.

Theo CNN

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận