Chủ đề
Dành hơn 4 giờ trước màn hình mỗi ngày làm tăng nguy cơ lo âu và trầm cảm ở “tuổi teen”
Theo một báo cáo mới từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, thanh thiếu niên nhìn màn hình từ 4 giờ trở lên mỗi ngày có nguy cơ mắc các chứng lo âu và trầm cảm cao hơn so với bình thường.
Lo âu và trầm cảm tỉ lệ thuận với thời gian nhìn màn hình
Trong bản tóm tắt được công bố hôm thứ Tư, dữ liệu trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2023 cho thấy, khoảng một nửa số thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi đang dành từ 4 giờ trở lên mỗi ngày để sử dụng màn hình. Cụ thể, 22,8% thanh thiếu niên có 3 giờ sử dụng màn hình mỗi ngày, 17,8% có 2 giờ, 6,1% có 1 giờ và chỉ 3% có ít hơn 1 giờ.
Trong cùng khoảng thời gian, khoảng 1/4 số thanh thiếu niên dành từ 4 giờ trở lên mỗi ngày nhìn màn hình đã gặp phải các triệu chứng lo âu (27,1%) hoặc trầm cảm (25,9%) trong hai tuần gần nhất. Ngược lại, các triệu chứng lo âu và trầm cảm giảm đáng kể ở nhóm thanh thiếu niên có dưới 4 giờ sử dụng màn hình mỗi ngày, lần lượt là 12,3% và 9,5%.
Bác sĩ tâm lý học Neha Chaudhary từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Trường Y Harvard và là Giám đốc Y tế tại Modern Health, chia sẻ với CBS News: “Báo cáo cho thấy thực trạng rõ ràng về thời gian trẻ em dành cho màn hình và những hậu quả đáng lo ngại đối với sức khỏe tinh thần và cảm xúc của chúng.”
Công nghệ là “con dao hai lưỡi”
Chaudhary, người không tham gia vào báo cáo này, cho biết bà đã chứng kiến tác động của công nghệ đến mức độ căng thẳng, lo âu và trầm cảm ở cả trẻ em và phụ huynh mà bà đã làm việc cùng. Dù có ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa mạng xã hội và các chứng lo âu, trầm cảm, bà nhấn mạnh rằng lý do đằng sau phức tạp hơn nhiều.
Chaudhary giải thích: “Với tình trạng bắt nạt trực tuyến, những sự so sánh xã hội liên tục như cảm giác bị bỏ lỡ những điều người khác có hoặc đang làm, thường xuyên tìm kiếm sự công nhận và ảnh hưởng đến hình ảnh cơ thể – không có gì lạ khi thời gian dành cho mạng xã hội càng nhiều thì càng dễ dẫn đến lo âu và trầm cảm.”
Tuy nhiên ở một chiều hướng khác, những người đang gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần có thể dễ dàng tìm đến mạng xã hội như một cách để đối phó, hy vọng tìm thấy sự kết nối, sự công nhận, hoặc thậm chí chỉ là để phân tâm.
Ngay cả các tổ chức như Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng khuyến nghị thanh thiếu niên cần lưu ý đến thời gian sử dụng màn hình hàng ngày, nhưng cũng chỉ ra rằng thời gian xem nên bao gồm nhiều loại nội dung khác nhau, bao gồm cả những nội dung hỗ trợ kết nối xã hội hoặc sáng tạo.
Chaudhary gọi công nghệ là “con dao hai lưỡi” của thế hệ này. “Dù một số người có thể tìm thấy sự hỗ trợ và kết nối giúp họ cảm thấy tốt hơn vì có thể tham gia vào những cộng đồng mà họ không thể tiếp cận trước đây, nhiều người lại cảm thấy tồi tệ hơn hoặc không thay đổi gì.” Thách thức đối với cha mẹ và con cái là cách làm sao để cân bằng, để chúng ta có thể hưởng lợi mà không đánh đổi sức khỏe tinh thần.
Khi công nghệ và màn hình tiếp tục phát triển, ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống của trẻ em cũng thay đổi nhanh chóng. Điều này khiến việc mở rộng hiểu biết về các mô hình, hình thức sử dụng màn hình, về cả tổng thể và trong các nhóm cụ thể, trở nên ngày càng quan trọng.