Chủ đề
Nhịn ăn chỉ uống nước: Xu hướng sức khỏe hay nguy cơ tiềm ẩn?
Nhịn ăn chỉ uống nước – phương pháp kiêng tất cả thực phẩm và đồ uống ngoại trừ nước – đang trở thành trào lưu sức khỏe phổ biến trong những năm gần đây. Liệu xu hướng này có mang lại những rủi ro gì không?
Dù nhịn ăn đã xuất hiện từ lâu trong các hoạt động tôn giáo và tâm linh, nhiều người ngày nay thực hiện vì tin vào những lợi ích sức khỏe như giảm cân, giảm viêm và cải thiện chức năng trao đổi chất.
Trang Health.com cho biết: “Nhịn ăn chỉ uống nước có thể giúp cơ thể loại bỏ các tế bào cũ, hư hỏng thông qua quá trình tự thực bào (autophagy), từ đó giảm nguy cơ mắc một số bệnh.”
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc không ăn gì kéo dài trên 72 giờ mà không có sự giám sát y tế có thể gây ra những rủi ro lớn như mất nước, hạ đường huyết và làm trầm trọng hơn các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh thận.
Trải nghiệm 30 ngày nhịn ăn
Nelly J. Aguilar, một tác giả và nhà sáng tạo nội dung, gần đây đã hoàn thành thử thách không ăn gì, chỉ uống nước trong 30 ngày. “Tôi không xa lạ gì với việc nhịn ăn,” Aguilar chia sẻ. “Tôi đã từng thử nhịn ăn ngắn và thực hành nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) để giãn bữa. Nhưng nhịn ăn suốt 30 ngày hoàn toàn là một thử thách mới mẻ, và tôi cảm thấy thôi thúc phải thực hiện, dù kết quả ra sao.”
Aguilar cho biết cô giảm được 25 pound (khoảng 11,3 kg) sau 30 ngày, khiến cô cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng và linh hoạt hơn.
“Tôi thấy mình di chuyển dễ dàng hơn và không còn cảm giác bị đè nặng bởi cân nặng dư thừa,” cô chia sẻ. “Da tôi sáng hơn, quầng thâm dưới mắt biến mất, và cơ thể tôi như được tiếp thêm sức sống. Khi nhìn vào gương, tôi thấy một thân hình thon gọn dần lộ ra từ những ngày tháng tăng cân thiếu kiểm soát.”
Aguilar cho biết cô không chỉ trải nghiệm lợi ích thể chất mà còn cảm nhận được sự kết nối sâu sắc về mặt tinh thần. “Nhịn ăn không chỉ mang lại lợi ích cho cơ thể, mà còn giúp tôi gần gũi hơn với đức tin và bản ngã của mình. Dù có những lúc đói cồn cào, tôi nhắc nhở bản thân phải sống cho hiện tại và tin rằng thời gian này sẽ sớm kết thúc.”
Lời cảnh báo từ các chuyên gia
Dù nhịn ăn có thể mang lại cảm giác thư thái và tỉnh táo về mặt tinh thần, các chuyên gia cảnh báo rằng giai đoạn này nếu kéo dài có thể gây nguy hiểm khi không có sự giám sát y tế.
Marcelle Rose Bant, chuyên gia dinh dưỡng và trị liệu rối loạn ăn uống, cho biết: “Nhịn ăn quá 48 giờ có thể gây ra nhiều rủi ro cho cả thể chất và tinh thần. Cơ thể sẽ thiếu dưỡng chất thiết yếu, dẫn đến suy nhược cơ bắp, mất cân bằng điện giải và suy giảm chức năng não.”
Bant cảnh báo rằng việc nhịn ăn quá mức có thể kích hoạt các hành vi rối loạn ăn uống, khiến người thực hiện ám ảnh về thức ăn hoặc dẫn đến ăn uống vô độ sau đó. Cô nhấn mạnh rằng xu hướng này phản ánh áp lực xã hội về ngoại hình hoàn hảo và giải pháp giảm cân nhanh chóng, vốn không bền vững.
Giải pháp an toàn hơn chính là nhịn ăn gián đoạn
Bác sĩ Ana Casas, chuyên gia y học về tuổi thọ, cho biết: “Một số nghiên cứu lâm sàng ghi nhận lợi ích ngắn hạn của việc nhịn ăn kéo dài, nhưng những lợi ích này thường không duy trì sau khi kết thúc quá trình này. Đáng chú ý, phần lớn cân nặng giảm được là do mất khối cơ nạc, chiếm đến hai phần ba tổng số cân giảm, chỉ một phần ba là mỡ.”
Bác sĩ Casas khuyến khích mọi người lựa chọn nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) như một giải pháp lành mạnh hơn. “Với phương pháp này, người thực hiện giới hạn thời gian ăn trong 8 giờ và nhịn ăn trong 16 giờ còn lại. Trong thời gian nhịn, bạn có thể uống các loại nước không chứa calo như nước lọc để tránh mất nước. Đây là cách nhịn ăn an toàn hơn và có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.”
Những ai có ý định nhịn ăn quá 72 giờ cần tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện dưới sự giám sát y tế để đảm bảo an toàn. Nhịn ăn chỉ uống nước có thể mang lại một số lợi ích nhất định, nhưng cần hiểu rõ rủi ro và chuẩn bị kỹ càng.
Theo Extended Water Fasting: Wellness Trend or Health Risk? – Newsweek