PTSD - Khi công sở gây sang chấn không khác gì chiến trường - Doctor247

PTSD – Khi công sở gây sang chấn không khác gì chiến trường

PTSD không chỉ tồn tại trong môi trường quân sự mà ngày càng phổ biến trong văn phòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và hiệu suất làm việc. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách hỗ trợ là bước đầu để xây dựng môi trường làm việc lành mạnh.

PTST thường xuất hiện ở những người phải trải qua những sang chấn tâm lý nặng nề
PTST thường xuất hiện ở những người phải trải qua những sang chấn tâm lý nặng nề

PTSD – Rối loạn căng thẳng sau sang chấn

PTSD, hay rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Posttraumatic stress disorder), trước đây còn gọi là “sốc vỏ đạn” (shell shock) thường được liên kết với các cựu chiến binh phải đối mặt với các tình huống đe dọa tính mạng. Thậm chí những cú sốc trong cuộc sống thường nhật cũng có thể dẫn đến việc những người trải qua sẽ bị mắc hội chứng này trong tương lai, khiến họ luôn bị ám ảnh, hồi tưởng, nhạy cảm với môi trường và nhiều hình thức khác.

Tuy nhiên, không chỉ giới hạn trong môi trường chiến tranh hay những công việc đối diện với nhiều nguy hiểm như cứu hộ, PTSD còn có thể phát sinh ở bất kỳ ai gặp phải sự kiện căng thẳng nghiêm trọng, kể cả trong môi trường đó là văn phòng công sở. PTSD trong văn phòng thường bắt nguồn từ các tình huống bạo lực, quấy rối, hoặc áp lực cao tại nơi làm việc. Nhân viên có thể gặp phải PTSD sau khi chứng kiến hoặc trải qua những sự kiện đáng sợ và gây ám ảnh.

Áp lực công việc kéo dài có thể dẫn đến các phản ứng tâm lý tiêu cực, gây ra triệu chứng PTSD như hồi tưởng, ác mộng, hoặc lo âu. PTSD ảnh hưởng đến nhiều người hơn chúng ta nghĩ, vì nhiều nhân viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tình trạng của mình, dẫn đến việc không tìm kiếm sự giúp đỡ

Vì sao PTSD lại có thể xuất hiện ở văn phòng?

Có nhiều yếu tố có thể gây ra PTSD tại nơi làm việc, từ các sự kiện đơn lẻ đến những trải nghiệm tiêu cực kéo dài. Bạo lực tại nơi làm việc có thể là một trong những nguyên nhân chính. Nhân viên có thể bị PTSD sau khi bị đe dọa, hành hung, hoặc chứng kiến các hành động bạo lực khác. Điều này khiến họ cảm thấy không an toàn và lo lắng khi quay lại làm việc.

Việc liên tục bị quấy rối tình dục, bắt nạt hoặc phân biệt đối xử có thể gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng, đặc biệt nếu không được bảo vệ hay hỗ trợ. Áp lực cao và các sự kiện căng thẳng kéo dài cũng là những tác nhân gây ra PTSD thường gặp tại văn phòng. Nhân viên thường phải đối mặt với các yêu cầu vượt quá khả năng của họ, làm việc dưới áp lực lớn và thời gian dài, dẫn đến căng thẳng và phản ứng tiêu cực.

Các triệu chứng của PTSD có thể biểu hiện một cách khác nhau ở mỗi người nhưng thường bao gồm những hành vi và cảm xúc tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến hiệu suất làm việc. Hồi tưởng và ác mộng là triệu chứng phổ biến ở những người mắc hội chứng này. Nhân viên có thể bất chợt nhớ lại các sự kiện căng thẳng, gây ra sự hoảng loạn hoặc ác mộng, làm họ khó tập trung và cảm thấy mệt mỏi.

Tránh né các địa điểm, tình huống, hoặc con người liên quan đến sang chấn là một biểu hiện khác. Điều này có thể dẫn đến cảm giác bị cô lập và cản trở giao tiếp, khiến công việc trở nên khó khăn hơn. Tăng cảm giác cảnh giác cũng là một dấu hiệu. Những người mắc phải rối loạn này thường dễ giật mình, luôn cảnh giác, và khó thư giãn, dẫn đến khó tập trung vào nhiệm vụ hàng ngày.

PTSD có thể xuất hiện trong chính những nhân viên văn phòng nếu họ phải trải sang chân tại nơi làm việc
PTSD có thể xuất hiện trong chính những nhân viên văn phòng nếu họ phải trải sang chân tại nơi làm việc

Để nhân viên không bị “sang chấn tâm lý”

Các công ty có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu PTSD bằng cách cung cấp các chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần và xây dựng môi trường làm việc an toàn. Tạo ra chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần là một bước quan trọng. Doanh nghiêpj nên cung cấp những buổi tư vấn tâm lý, đào tạo kỹ năng đối phó với căng thẳng, và cung cấp thông tin về PTSD để nhân viên nhận thức rõ hơn về tình trạng của mình.

Tạo điều kiện làm việc linh hoạt giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và có thể quản lý công việc của mình một cách hiệu quả hơn. Việc cho phép làm việc từ xa, thay đổi giờ làm việc hoặc nghỉ ngơi đúng lúc có thể giúp giảm bớt căng thẳng. Đồng thời, xây dựng một môi trường an toàn và bao dung, nơi mọi người cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Các chính sách về chống bạo lực và quấy rối cũng cần được thực thi một cách nghiêm túc để ngăn ngừa các sự kiện căng thẳng có thể xảy ra.

Nhiều người hay đùa rằng là bị “sang chấn tâm lý”, nhưng trên thực tế, rối loạn căng thẳng sau sang chấn trong môi trường văn phòng là một vấn đề nghiêm trọng và hoàn toàn có thể xảy ra, ảnh hưởng đến không chỉ sức khỏe tinh thần mà còn đến hiệu suất làm việc của nhân viên.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận