Chủ đề
Suy nghĩ quá nhiều: Hội chứng của thời đại
Áp lực từ công việc, học tập và những sự kiện không mong muốn là nguyên nhân gây ra hội chứng suy nghĩ quá nhiều.
Suy nghĩ quá nhiều – Nguyên nhân do đâu?
Suy nghĩ là hoạt động được kiểm soát và chi phối bởi não bộ. Hoạt động này diễn ra hầu hết thời gian trong ngày – đặc biệt là khi làm việc, học tập và giải quyết những vấn đề xung quanh cuộc sống. Suy nghĩ giúp bản thân mỗi người phát triển năng lực, tăng tính nhanh nhạy và nhìn nhận lại cách cư xử, phản ứng sau mỗi tình huống.
Tuy nhiên, suy nghĩ quá nhiều gây ra không ít ảnh hưởng đối với sức khỏe và cuộc sống. Nếu suy nghĩ liên tục trong một thời gian dài, não bộ sẽ bị căng thẳng, từ đó gây giảm trí nhớ, tính linh hoạt, giảm khả năng tập trung khi học tập và làm việc. Ngoài ra, tình trạng này cũng gia tăng những cảm xúc tiêu cực như lo âu, phiền muộn, buồn bã, căng thẳng, bi quan,…
Suy nghĩ quá nhiều thường gặp ở người trưởng thành và cao tuổi, ít xảy ra ở trẻ nhỏ. Do ảnh hưởng của nội tiết tố và cấu trúc não bộ có sự khác biệt nên nữ giới dễ lo lắng, phiền muộn và nhạy cảm hơn với những vấn đề trong cuộc sống. Đây cũng là lý do vì sao các rối loạn tâm lý gặp nhiều hơn ở phụ nữ.
Suy nghĩ quá nhiều có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất:
- Áp lực từ cuộc sống: Suy nghĩ quá mức thường gặp ở những người có nhiều vấn đề trong cuộc sống như công việc không như mong muốn, mâu thuẫn với gia đình, bạn đời, áp lực tài chính, cha mẹ/ con cái bị bệnh,… Thông thường, tình trạng lo lắng và suy nghĩ sẽ thuyên giảm sau khoảng một thời gian. Tuy nhiên nếu những sự kiện này kéo dài và xảy ra liên tục, phản ứng chung của tất cả mọi người đều là dành nhiều thời gian để suy nghĩ và tìm hướng khắc phục.
- Do đặc điểm tính cách: Trên thực tế, một số người có tính cách nhạy cảm, nhút nhát, hay lo âu và căng thẳng thường suy nghĩ quá nhiều khi có sự kiện đặc biệt xảy ra trong cuộc sống. Trong khi đó, một số người chỉ dành ít thời gian nghĩ đến và nhanh chóng gạt bỏ để bình ổn lại cuộc sống.
- Biểu hiện của các bệnh tâm lý: Suy nghĩ quá nhiều không chỉ là phản ứng của cơ thể trước những vấn đề và áp lực trong cuộc sống mà còn là biểu hiện của nhiều vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, một số dạng rối loạn nhân cách, rối loạn hoang tưởng,… Trong đó thường gặp nhất là rối loạn lo âu và bệnh trầm cảm.
Ngoài những nguyên nhân trên, suy nghĩ quá nhiều cũng có thể xảy ra khi có những yếu tố thuận lợi như là nữ giới, giai đoạn nội tiết tố thay đổi (dậy thì, mang thai, sinh nở, tiền mãn kinh,…), được nuôi dạy trong hoàn cảnh nghèo khó, thường xuyên phải lo lắng về tài chính và gia đình từng phải đối mặt với những biến cố bất ngờ. Những sự kiện này đều gia tăng sự nhạy cảm quá mức và khiến bản thân hay suy nghĩ về những vấn đề, sự kiện trong cuộc sống.
Các biểu hiện đi kèm với suy nghĩ quá nhiều
Não bộ là cơ quan kiểm soát và chi phối suy nghĩ. Khi dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ đến những vấn đề trong cuộc sống, cơ thể sẽ xuất hiện nhiều biểu hiện cả về tinh thần và thể chất. Dưới đây là một số triệu chứng thường đi kèm với tình trạng suy nghĩ quá nhiều:
- Mất ngủ
- Đau đầu
- Uể oải
- Chán nản
- Buồn bã
- Bi quan, tiêu cực
- Tự ti, cảm thấy bản thân vô dụng
- Lo lắng quá mức, thậm chí sợ hãi
- Dễ bị đau nhức vai gáy, chân tay thiếu năng lượng và uể oải, chậm chạp trong các hoạt động thể chất
- Suy nghĩ quá nhiều cũng khiến cho não bộ bị ức chế, từ đó làm gián đoạn quá trình học tập, lao động, gây suy giảm trí nhớ và giảm tính nhanh nhạy, sáng tạo.
- Tăng mức độ nhạy cảm với những lời nói và sự kiện xảy ra trong cuộc sống
- Tâm trạng nhạy cảm, dễ khóc và tủi thân
Ngoài ra, suy nghĩ quá nhiều do các vấn đề tâm lý còn đi kèm với những biểu hiện nghiêm trọng hơn. Nếu tình trạng này kéo dài trong nhiều tuần, bạn nên cân nhắc việc tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và can thiệp điều trị kịp thời.
Những tác hại của việc suy nghĩ quá nhiều?
Suy nghĩ quá nhiều gây ức chế hệ thần kinh trung ương và khiến não bộ rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài. Ban đầu, tình trạng này chỉ gây mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi và uể oải. Tuy nhiên nếu không được khắc phục, chất lượng cuộc sống, sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Một số tác hại có thể gặp phải khi suy nghĩ quá nhiều:
- Suy giảm trí nhớ, giảm hiệu suất lao động và làm việc
- Tăng xung đột, mâu thuẫn trong cuộc sống
- Gây suy nhược thần kinh, đau nửa đầu, rối loạn tiền đình
- Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa, thường gặp nhất là đau dạ dày, khó tiêu, chướng bụng và táo bón
- Đau nhức xương khớp, cổ vai gáy
- Dễ đưa ra những quyết định sai lầm
- Tăng nguy cơ sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích
- Suy nghĩ quá nhiều cũng dẫn đến stress và các bệnh tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm, hoang tưởng,…
Suy nghĩ quá nhiều khiến bản thân đánh mất những cảm xúc tích cực, thay vào đó là trạng thái u uất, buồn bã và chán nản. Do đó, cần thay đổi tình trạng này để ổn định tâm trạng và cải thiện lại chất lượng cuộc sống.
Suy nghĩ quá nhiều phải làm sao? Cách khắc phục hiệu quả
Trên thực tế, rất nhiều người không thể ngăn bản thân suy nghĩ về những vấn đề và sự kiện xảy ra trong cuộc sống. Do đó để khắc phục tình trạng suy nghĩ quá nhiều, bạn cần phải lên kế hoạch phù hợp và nỗ lực trong việc thay đổi suy nghĩ của bản thân.
Dưới đây là một số cách có thể cải thiện tình trạng suy nghĩ quá nhiều:
1. Cố gắng nhìn nhận mọi việc tích cực và lạc quan hơn
Việc đầu tiên cần thực hiện để cải thiện tình trạng suy nghĩ quá nhiều thay đổi cách nhìn nhận. Thông thường, bản thân mỗi người chỉ suy nghĩ những vấn đề tiêu cực và bi quan trong cuộc sống. Bằng cách thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, bạn có thể hạn chế sự lo lắng và tránh tình trạng suy nghĩ quá nhiều.
Có rất nhiều sự việc xảy ra trong cuộc sống không theo ý muốn. Thay vì nhìn nhận theo hướng tiêu cực, bạn cần đánh giá vấn đề ở hai mặt “tốt-xấu”. Đồng thời cần hình dung những tình huống xấu hơn có thể xảy ra và cảm thấy bản thân may mắn vì tình huống thực tế không quá nghiêm trọng. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế suy nghĩ về một số tình huống không thật sự cần thiết.
Ngoài ra, nhìn nhận các vấn đề bằng con mắt tích cực sẽ giúp bạn hình thành tâm lý lạc quan hơn. Mặc dù sự tích cực không thể giải quyết những khó khăn trong cuộc sống nhưng điều này sẽ giúp bạn tỉnh táo và sáng suốt hơn khi đưa ra quyết định. Hơn nữa, duy trì phong cách sống lạc quan, tích cực còn góp phần ổn định tâm trạng và gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực như phiền muộn, lo lắng, chán nản.
2. Lên kế hoạch giải quyết những vấn đề trong cuộc sống
Thay vì nghĩ ngợi quá nhiều, bạn nên bắt tay vào việc tìm ra giải pháp để xử lý những vấn đề trong cuộc sống. Cố gắng đưa ra hướng khắc phục khả thi nhất để cải thiện mức độ của vấn đề. Nếu không thể tự giải quyết, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của những người xung quanh như bạn bè, bạn đời, người thân.
Người ngoài cuộc sẽ có cái nhìn khách quan và sáng suốt hơn. Từ đó sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp bạn dễ dàng giải quyết những vấn đề cá nhân. Ngoài ra, bạn cũng nên chia sẻ công việc nhà với người thân để có thời gian hoàn thành công việc và nâng cao năng lực của bản thân.
3. Áp dụng các biện pháp thư giãn
Suy nghĩ quá nhiều thường gây căng thẳng thần kinh đi kèm với lo âu, phiền muộn và chán nản. Những suy nghĩ quẩn quanh liên tục xuất hiện khiến bản thân rất khó điều chỉnh cảm xúc và chìm đắm trong nỗi buồn. Để cải thiện các cảm xúc tiêu cực do suy nghĩ quá nhiều gây ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp thư giãn như:
- Ngồi thiền: Ngồi thiền là biện pháp hữu hiệu nhất giúp giải tỏa căng thẳng, phiền muộn, gạt bỏ suy nghĩ và những cảm xúc tiêu cực. Thiền định giúp tâm trí và thân thể hòa hợp, mang lại cảm giác thư thái và thoải mái. Không chỉ tốt cho tinh thần, kỹ thuật này còn mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe thể chất như cải thiện sức khỏe tim mạch, thư giãn cơ bắp, tăng cường chức năng hô hấp,…
- Tắm nước ấm: Tắm nước ấm là một trong những cách giải tỏa căng thẳng, phiền muộn mà ít người biết đến. Nhiệt độ ấm từ nước tắm giúp thư giãn cơ và tăng tuần hoàn máu, đồng thời kích thích não bộ sản sinh endorphin – hormone giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng và mang đến sự lạc quan, vui vẻ. Ngoài ra, tắm nước ấm vào buổi tối còn giúp cải thiện giấc ngủ, giảm tình trạng khó ngủ, ngủ chập chờn,…
- Liệu pháp mùi hương: Mùi hương được chứng minh có tác dụng thư giãn và giải tỏa căng thẳng thông qua kích thích khứu giác. Bạn có thể sử dụng các tinh dầu để dưỡng da, chăm sóc tóc, thêm vào nước tắm hoặc cho vào máy khuếch tán tinh dầu. Liệu pháp mùi hương mang lại tác dụng giảm căng thẳng rõ rệt, hiệu quả với cả những người bị trầm cảm và rối loạn lo âu.
- Hít thở sâu: Ngoài các biện pháp trên, bạn cũng có thể giảm tình trạng căng thẳng và lo âu do suy nghĩ quá nhiều bằng cách hít thở sâu. Hít sâu bằng mũi và thở ra từ từ bằng miệng giúp giữ bình tĩnh, kiểm soát sự tức giận, cáu kỉnh và những cảm xúc tiêu cực. Bạn có thể áp dụng biện pháp này khi phải đối mặt với những tình huống căng thẳng để giảm thiểu tối đa xung đột và mâu thuẫn trong cuộc sống.
4. Giúp đỡ những người xung quanh
Giúp đỡ những người xung quanh cũng là cách để vượt qua các cảm xúc tiêu cực và cải thiện tình trạng suy nghĩ quá nhiều. Giúp đỡ mọi người tạo cho bản thân cảm giác hạnh phúc, lạc quan và có niềm tin hơn trong cuộc sống. Hơn nữa, việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cũng sẽ giúp bạn ý thức sự may mắn của bản thân. Từ đó gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực và lạc quan hơn trong cuộc sống.
Bạn có thể bắt đầu giúp đỡ những người xung quanh thông qua các hành động nhỏ và dành thời gian rảnh rỗi để tham gia vào các chiến dịch tình nguyện. Khi tham gia vào những hoạt động này, bạn sẽ không có thời gian để bận tâm với những suy nghĩ tiêu cực và dần tìm ra được mục đích, lý tưởng sống.
5. Dành thời gian cho các hoạt động hữu ích
Nếu có nhiều thời gian rảnh rỗi, bạn không nên tập trung suy nghĩ về những vấn đề và sự kiện xảy ra trong cuộc sống – đặc biệt là những vấn đề không thể giải quyết. Thay vào đó, nên gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực và dành thời gian cho các hoạt động hữu ích như chăm sóc thú cưng, trồng cây cối, dọn dẹp lại nhà cửa,…
Ngoài ra, bạn cũng nên học cách quản lý thời gian và chi tiêu. Những kỹ năng này rất cần thiết trong cuộc sống và có thể giúp bạn giảm thiểu những tình huống căng thẳng đáng kể. Bên cạnh đó, bạn cũng nên dành thời gian cho các hoạt động theo sở thích như vẽ tranh, đan len, chơi thể thao, tìm hiểu về các nền văn hóa, học ngoại ngữ,… Các hoạt động này vừa giúp thư giãn vừa giúp nâng cao năng lực, kiến thức để phục vụ cho cuộc sống và công việc.
6. Xây dựng lối sống khoa học
Lối sống khoa học cũng góp phần không nhỏ giúp kiểm soát cảm xúc và cải thiện tình trạng suy nghĩ quá nhiều. Các nghiên cứu đều cho thấy, người duy trì lối sống lành mạnh dễ dàng chế ngự sự lo lắng, kiểm soát tốt suy nghĩ và ít gặp phải những xung đột, mâu thuẫn trong các mối quan hệ.
Để cải thiện tình trạng suy nghĩ quá nhiều, bạn cần xây dựng lối sống khoa học thông qua các nguyên tắc sau:
- Cố gắng hoàn thành công việc trong giờ làm việc, không nên đem công việc về nhà vì tình trạng này sẽ gia tăng sự căng thẳng và lo lắng. Hơn nữa, làm việc ngoài giờ thường không mang lại hiệu quả, gia tăng sai sót, đồng thời khiến cơ thể mệt mỏi và dễ mất ngủ. Do đó, bạn cần lên kế hoạch để làm việc với hiệu suất cao hơn và hạn chế tối đa tình trạng phải làm ngoài giờ.
- Giấc ngủ là “liều thuốc” tự nhiên giúp giải tỏa căng thẳng và tránh suy nghĩ quá nhiều. Vì vậy, bạn cần đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, nên ngủ trưa khoảng 15 – 30 phút để cơ thể tỉnh táo và phấn chấn hơn vào buổi chiều.
- Khi lo lắng và suy nghĩ quá nhiều, cần tăng cường bổ sung rau xanh, các loại cá, đậu, nấm, trái cây và sữa chua. Các loại thực phẩm này không chỉ giúp giảm rối loạn tiêu hóa mà còn hỗ trợ cải thiện tâm trạng. Bên cạnh đó, nên hạn chế dùng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích và tránh sử dụng quá nhiều caffeine.
- Dành khoảng 3 – 4 buổi/ tuần để tập thể dục hoặc có thể tập thể dục hằng ngày nếu có nhiều thời gian. Hoạt động thể chất giúp cải thiện sức khỏe, đồng thời giải tỏa căng thẳng, giảm tình trạng suy nghĩ quá nhiều và mang lại năng lượng dồi dào, lạc quan hơn.
Xây dựng lối sống khoa học giúp bảo vệ cả sức khỏe thể chất và tâm thần. Do đó ngay cả khi tình trạng suy nghĩ quá nhiều đã được cải thiện, bạn vẫn cần duy trì lối sống hợp lý.
7. Tìm gặp bác sĩ khi cần thiết
Suy nghĩ quá nhiều gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Nếu tình trạng không thuyên giảm khi áp dụng những biện pháp trên, bạn nên cân nhắc tìm gặp bác sĩ. Bởi suy nghĩ quá mức rất có thể là biểu hiện của rối loạn lo âu, trầm cảm và các vấn đề tâm lý thường gặp khác.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc các rối loạn tâm lý tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ tác hại của những bệnh lý này. Trên thực tế, các vấn đề tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc mà còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý thực thể, dẫn đến lạm dụng rượu bia, chất gây nghiện và hình thành suy nghĩ, hành vi tự sát. Do đó, mỗi người cần có sự quan tâm đến đời sống tinh thần bên cạnh các vấn đề thể chất.
Suy nghĩ quá nhiều là tình trạng khá phổ biến ở người trưởng thành. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc đã hiểu rõ về nguyên nhân, các triệu chứng đi kèm và khắc phục tình trạng này hiệu quả. Nếu không chế ngự được cảm xúc tiêu cực và kiểm soát được suy nghĩ của bản thân, bạn nên xem xét việc tìm gặp bác sĩ tâm lý.
Hà An
Theo tapchitamlyhoc.com