Chủ đề
Ngày An toàn người bệnh thế giới 17/9: Chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn!
“Chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn!” là thông điệp của Ngày An toàn người bệnh thế giới năm nay do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra.
Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới là một sự kiện trọng tâm trong ngành y tế, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động cải tiến chất lượng, quản lý rủi ro tại các bệnh viện và tăng cường nhận thức của cộng đồng về vấn đề an toàn cho người bệnh.
Với phương châm “Trước tiên là không gây hại cho người bệnh” (First do no harm for patient), sự kiện này đã trở thành một chiến dịch toàn cầu, kêu gọi sự tham gia và hợp tác của các quốc gia thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Mỗi năm, một chủ đề được lựa chọn nhằm nhấn mạnh những lĩnh vực cần ưu tiên để nâng cao an toàn cho bệnh nhân. Năm 2024, chủ đề “Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự an toàn của người bệnh” (Improving diagnosis for patient safety) được đưa ra, nhấn mạnh tầm quan trọng của chẩn đoán chính xác và kịp thời.
WHO kêu gọi các quốc gia triển khai các chiến lược và kế hoạch hành động để giảm thiểu sự cố trong chẩn đoán – một nguyên nhân gây ra nhiều rủi ro y khoa nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê từ WHO, các sự cố chẩn đoán chiếm gần 16% tổng các sự cố y khoa có thể ngăn ngừa. Hầu hết người trưởng thành trên thế giới có thể gặp ít nhất một sự cố chẩn đoán trong đời.
Những sai sót này thường bắt nguồn từ cả yếu tố cá nhân và hệ thống, bao gồm việc không nhận ra các triệu chứng quan trọng, giải thích sai kết quả, hoặc truyền đạt không chính xác thông tin cho người bệnh.
Với thông điệp “Chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn!” (Get it right, make it safe), WHO kêu gọi nỗ lực phối hợp để giảm thiểu sự cố trong chẩn đoán thông qua nhiều biện pháp can thiệp đa dạng từ tư duy hệ thống đến yếu tố con người với sự tham gia tích cực của mọi đối tượng: người bệnh, người nhà, nhân viên y tế và lãnh đạo quản lý ngành y tế.
Các biện pháp can thiệp sẽ bao gồm cải thiện quy trình khám lâm sàng, đảm bảo quyền truy cập kết quả xét nghiệm, áp dụng công nghệ thông tin, và học hỏi từ những sai sót đã xảy ra nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán, đảm bảo sự an toàn cho người bệnh.
WHO đề xuất các hoạt động tại mọi quốc gia thành viên hưởng ứng chiến dịch Ngày An toàn người bệnh năm 2024 “Nâng cao năng lực chẩn đoán vì sự an toàn của người bệnh”. Các hoạt động có thể là trên mạng xã hội, có thể là tổ chức các sự kiện như mít tinh, hội nghị, hội thảo, tập huấn kỹ thuật…vào tháng 9 và tập trung gần ngày 17/9/2024.
Màu sắc đặc trưng của chiến dịch vẫn tiếp tục là màu cam, WHO kêu gọi các đơn vị có thẩm quyền tham gia chiến dịch toàn cầu thắp sáng thế giới bằng màu cam vào ngày 17/9/2024 cùng nhiều hành động cụ thể thiết thực để lan tỏa thông điệp trên.
4 mục tiêu của Ngày An toàn người bệnh thế giới 2024:
1. Nâng cao nhận thức toàn cầu về các sai sót trong chẩn đoán góp phần gây hại cho người bệnh và nhấn mạnh vai trò quan trọng của chẩn đoán đúng, kịp thời và an toàn góp phần vào việc cải thiện an toàn người bệnh.
2. Đề cao tính an toàn của chẩn đoán trong chính sách an toàn người bệnh và thực hành lâm sàng ở mọi cấp độ chăm sóc sức khỏe, phù hợp Kế hoạch hành động an toàn người bệnh toàn cầu giai đoạn 2021–2030.
3. Thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý y tế, nhân viên y tế, người bệnh và các bên liên quan khác trong việc thúc đẩy chẩn đoán đúng, kịp thời và an toàn.
4. Trao quyền cho người bệnh và gia đình tích cực tham gia với các nhân viên y tế và các nhà quản lý y tế nhằm cải thiện các quy trình chẩn đoán.
4 thông điệp chính của chiến dịch:
1. Chẩn đoán chính xác và kịp thời là bước đầu tiên để can thiệp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Các lỗi chẩn đoán chiếm 16% các tổn hại có thể phòng ngừa và phổ biến trong tất cả các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Các lỗi chẩn đoán có thể bao gồm chẩn đoán bị bỏ sót, chẩn đoán sai, chẩn đoán bị trì hoãn hoặc chẩn đoán bị truyền đạt sai. Chúng có thể làm xấu đi kết quả điều trị của người bệnh và đôi khi dẫn đến bệnh tật kéo dài hoặc nghiêm trọng, thậm chí là tử vong, cùng với chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao.
2. Hiểu rõ quy trình chẩn đoán là chìa khóa để giảm thiểu sai sót.
Quá trình chẩn đoán bao gồm nhiều bước lặp đi lặp lại, cụ thể: sự trình bày bệnh sử của người bệnh; thu thập tiền sử và khám lâm sàng; xét nghiệm chẩn đoán, hội chẩn và thông báo kết quả; hợp tác và phối hợp các chuyên khoa; chẩn đoán cuối cùng và lên kế hoạch điều trị; theo dõi và đánh giá lại. Lỗi có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào.
3. Có nhiều giải pháp để giải quyết lỗi chẩn đoán.
Các nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý y tế nên thúc đẩy môi trường làm việc tích cực và cung cấp các công cụ chẩn đoán chất lượng; nhân viên y tế nên được khuyến khích liên tục phát triển kỹ năng của mình và giải quyết thiên kiến vô thức trong phán đoán; và người bệnh nên được hỗ trợ để tích cực tham gia trong suốt quá trình chẩn đoán của họ.
4. Chẩn đoán là một nỗ lực của cả nhóm.
Chẩn đoán chính xác và kịp thời đòi hỏi sự hợp tác giữa người bệnh, gia đình, người chăm sóc, nhân viên y tế, nhà quản lý y tế và nhà hoạch định chính sách. Tất cả các bên liên quan phải tham gia vào việc định hình quá trình chẩn đoán và được trao quyền để bày tỏ bất kỳ mối quan ngại nào.
Ngày An toàn người bệnh thế giới là một trong những ngày sức khỏe cộng đồng toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được bắt đầu vào năm 2019 khi Hội đồng Y tế thế giới kỳ 72 đã thông qua Nghị quyết WHA72.6 – “Hành động toàn cầu về an toàn người bệnh” và được tổ chức hàng năm vào ngày 17 tháng 9.
Mục tiêu của Ngày An toàn người bệnh thế giới là nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, tăng cường hiểu biết, hướng tới sự đoàn kết và hành động toàn cầu của các quốc gia thành viên nhằm thúc đẩy an toàn người bệnh. Mỗi năm, một chủ đề mới được chọn cho Ngày An toàn người bệnh thế giới để nêu bật một lĩnh vực an toàn người bệnh cần ưu tiên hành động khẩn cấp và đồng bộ. |
Tổng hợp theo WHO