Xu hướng kết hôn muộn ngày càng phổ biến tại Việt Nam - Doctor247

Xu hướng kết hôn muộn ngày càng phổ biến tại Việt Nam

Tuổi kết hôn lần đầu tại Việt Nam đã liên tục tăng trong những năm gần đây, phản ánh một xu hướng rõ rệt là người dân ngày càng có xu hướng kết hôn và sinh con muộn hơn. Trước tình trạng biến động mức sinh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW vào ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong bối cảnh mới. Cùng với đó, Chính phủ đã triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030, với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc.

Bộ Y tế hiện đang nghiên cứu và đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm bảo đảm mức sinh thay thế của quốc gia. Trong bối cảnh này, “Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp” được tổ chức để cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách, từ cấp Trung ương đến địa phương, về thực trạng và xu hướng mức sinh tại Việt Nam. Hội thảo cũng đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến số con mong muốn của các cặp vợ chồng tại các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; đồng thời tham khảo quan điểm và chính sách của các nước trên thế giới, đặc biệt là các ví dụ và thực hành tốt từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhằm đưa ra định hướng chung cho việc xây dựng chính sách duy trì mức sinh thay thế tại Việt Nam.

Tuổi kết hôn của thanh niên Việt ngày càng muộn

Theo ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, tuổi kết hôn lần đầu tại Việt Nam đã tăng đều qua các năm, từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (năm 2019). Trong giai đoạn 2019 – 2023, tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi, đạt mức 27,2 tuổi vào năm 2023. Cụ thể, năm 2023, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam giới là 29,3 và nữ giới là 25,1.

Năm 2023, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam giới là 29,3 và nữ giới là 25,1

Xu hướng sinh muộn và sinh ít con hơn ở nhóm tuổi 25 – 29 đã duy trì liên tục từ năm 2009 đến 2019, đặc biệt ở khu vực thành thị. Phụ nữ tại thành thị có xu hướng sinh muộn và ít con hơn so với phụ nữ ở nông thôn. Tại thành thị, mức sinh cao nhất là ở nhóm phụ nữ từ 25 – 29 tuổi, với 127 trẻ/1.000 phụ nữ. Trong khi đó, tại nông thôn, mức sinh cao nhất thuộc về nhóm phụ nữ từ 20 – 24 tuổi, với 147 trẻ/1.000 phụ nữ. Hiện tại, mức sinh của phụ nữ nông thôn đã giảm xuống dưới mức sinh thay thế.

Ông Hoàng cũng chỉ ra rằng, trong hơn 20 năm qua, mức sinh tại các đô thị luôn thấp hơn mức sinh thay thế. Theo số liệu mới nhất, thành phố Hồ Chí Minh hiện có mức sinh thấp nhất cả nước, chỉ đạt 1,32 con/phụ nữ.

Về các yếu tố tác động đến mức sinh, ông Hoàng nhấn mạnh rằng trình độ học vấn và điều kiện kinh tế có mối liên hệ mật thiết. Dữ liệu năm 2023 cho thấy, người có điều kiện kinh tế giàu nhất có mức sinh trung bình là 2 con, trong khi người nghèo nhất có mức sinh là 2,4 con. Người có trình độ học vấn thấp hơn tiểu học sinh trung bình 2,35 con, trong khi người có trình độ trên THPT chỉ sinh 1,98 con.

Ông Hoàng kết luận, có 4 nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến mức sinh thấp tại Việt Nam: trình độ học vấn, điều kiện sống cải thiện, tâm lý ưa hưởng thụ cuộc sống, áp lực kinh tế, chi phí nuôi dạy con cao, tình trạng nạo phá thai và tỷ lệ vô sinh ngày càng gia tăng.

Nguồn tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận