Chủ đề
Thuê mảnh đất 800m2 giá 10 triệu/tháng, cô gái làm nhà vườn ‘chữa lành’ ở Sa Pa
Không gian nhà vườn đơn sơ, mộc mạc nhưng thiết kế đẹp mắt, nằm ẩn mình giữa những thửa ruộng bậc thang xanh mướt ở Sa Pa là nơi Thùy Giang thỏa sức sáng tạo nghệ thuật, tận hưởng sự bình yên “có tiền cũng khó mua”.
Cách đây 2 năm, Phạm Thùy Giang (SN 1997, ở Sa Pa, Lào Cai) dành thời gian thực hiện nhiều chuyến đi lưu giữ kỷ niệm tuổi trẻ với những trải nghiệm hòa mình vào thiên nhiên như leo núi, đi bộ xuyên rừng…
Trong đó, có một chuyến đi mà Giang thấy ấn tượng và ý nghĩa nhất, đó là lần khám phá con đường đá cổ Pavi (nối liền hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai). Hành trình này không chỉ đánh dấu lần đầu tiên 9X được đồng hành cùng bạn trai (sau này là chồng), mà còn là sự khởi nguồn cho ý tưởng về một chốn “chữa lành” hoang sơ, bình dị giữa đồi núi.
“Sau chuyến đi đó, chúng mình cảm thấy tinh thần được thư giãn hơn nhiều và càng thêm yêu những điểm đến hoang sơ và yên tĩnh. Mình tin một nơi bình yên và gần gũi thiên nhiên như vậy sẽ là địa điểm lý tưởng để sáng tác nghệ thuật nên nảy ra ý tưởng tìm đất, dựng nhà vườn và đặt tên theo con đường đá cổ Pavi mà cả hai từng ghé thăm”, Giang kể lại.
Trước đó, sau khi tốt nghiệp khoa Mỹ thuật, Cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Giang quyết định trở về quê hương và làm một số công việc “không mấy liên quan” như thợ trang điểm, spa, pha chế. Trong khoảng thời gian ấy, cứ hết giờ làm, cô gái trẻ lại tự mình lái xe thong dong khắp các bản làng để chụp ảnh, vẽ tranh.
Sau khoảng hai tháng thi công, không gian nhà vườn “trong mơ” được hoàn thiện, gồm: Khu vực nghỉ ngơi, góc thưởng trà và sân vườn
Giang cho biết, sau khi tìm kiếm, cô cùng chồng “chốt” thuê một mảnh đất rộng 800m2 ở bản Giàng Tả Chải (xã Tả Van, thị xã Sa Pa) với giá 10 triệu đồng mỗi tháng. Xung quanh khu đất là những thửa ruộng bậc thang, màu sắc và không gian thay đổi theo mùa.
Trên mảnh đất có sẵn căn nhà mà người chủ để lại, cặp đôi xây thêm một căn và thuê máy xúc san lại đất, tạo thành không gian 2 cấp có độ cao khác nhau, gồm vườn, sân và nơi lưu trú.
Họ cũng làm lại bậc thang cho thuận tiện đi lại, đồng thời cải tạo, thiết kế thêm một số hạng mục như bãi cỏ, góc check-in, nhà chòi… để cảnh quan đẹp mắt hơn nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với bối cảnh không gian của địa phương.
Khu sân vườn ngoài trời thường được đôi vợ chồng trẻ thay đổi bối cảnh cho vừa phù hợp với cuộc sống sinh hoạt, vừa làm mới không gian
Ở khu vực nghỉ ngơi, vợ chồng Thùy Giang ưu tiên thiết kế theo tiêu chí tối giản, song vẫn toát lên bản sắc văn hóa của người dân vùng cao. Họ tận dụng các vật dụng thô sơ của bà con địa phương, kết hợp cùng những bức tranh về người dân tộc thiểu số để trang trí.
Thỉnh thoảng, cặp đôi lại tranh thủ thời gian rảnh rỗi, rong ruổi khắp các bản làng, đến từng nhà dân để tìm mua những vật dụng sinh hoạt bằng gỗ đã cũ. Khi là thớt gỗ, thùng đựng gạo, khi lại là thùng đập lúa, bàn uống nước…
Cô gái trẻ thường vẽ chân dung các cụ già vùng cao trên những tấm gỗ cũ với đủ kích thước khác nhau, từ cụ bà người Mông ngồi chơi đàn nhị, cụ bà người Dao với chiếc kính lão ngồi thêu thổ cẩm, cho đến cụ bà người Nùng nở nụ cười đôn hậu với con cháu trong nhà…
Giang cho hay, kể từ khi có không gian sống xanh mát, cô thấy tinh thần và sức khỏe tốt hơn rất nhiều, có thể thỏa sức vẽ tranh, sáng tác nghệ thuật như mong muốn. Thỉnh thoảng, 9X cũng đón người thân, bạn bè và những vị khách quý tới thăm, giúp họ xua tan những bộn bề, áp lực từ công việc, cuộc sống.
Theo: Vietnamnet