Tắm là hoạt động quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân hàng ngày, nhưng một số bộ phận trên cơ thể thường bị bỏ qua.
Theo Jason Singh, bác sĩ gia đình ở bang Virginia, Mỹ, kinh nghiệm nhiều năm làm việc với bệnh nhân giúp ông nhận ra mọi người thường bỏ quên làm sạch một số khu vực trên cơ thể khi tắm, gián tiếp gây ra những bệnh lý nghiêm trọng. Phổ biến nhất là ba khu vực: Rốn, lòng bàn chân và sau tai.
“Lần cuối cùng các bạn vệ sinh rốn cẩn thận là khi nào?”, vị bác sĩ đặt câu hỏi và cho rằng rốn là nơi chứa nhiều bụi bẩn, mồ hôi và vi khuẩn, đặc biệt với những người có rốn sâu. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, đây là nơi sinh sản của vi khuẩn, có thể dẫn đến tiết dịch hôi, thậm chí nhiễm trùng.
Jason Singh khuyến cáo người có rốn sâu trũng nên dùng tăm bông và bọt xà phòng dịu nhẹ để vệ sinh một hoặc hai lần mỗi tuần. Nếu rốn lồi, có thể dùng khăn hoặc miếng bọt biển nhúng vào bọt xà phòng để chà xát nhẹ nhàng
“Góc chết” thứ hai mà vị bác sĩ này nhắc tới chính là lòng bàn chân. Ông cho biết, lòng bàn chân có nhiều tuyến mồ hôi hơn các bộ phận khác trên cơ thể.
“Mồ hôi, kết hợp với môi trường ấm áp do đi giày và tất, tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và nấm”. Jason Singh nói thêm: “Keratin-một loại protein trong da, móng tay và tóc-cũng có thể trở thành nguồn thức ăn cho các vi sinh vật này, khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn”.
Vệ sinh bàn chân kém có thể dẫn đến nấm ở chân hoặc nhiễm trùng tụ cầu, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào da thông qua vết cắt hoặc vết loét.
Tiến sĩ Eric Ascher, bác sĩ gia đình và là trợ lý giám đốc các dự án đặc biệt của Northwell Health – mạng lưới chăm sóc sức khỏe lớn nhất bang New York với hơn 81.000 nhân viên, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa chân.
“Mọi người có xu hướng quên hoặc mong đợi xà phòng chảy từ các bộ phận khác trên cơ thể trong khi tắm sẽ chảy vào chân họ” Ascher nói. “Nếu bạn là người đi tất, đi giày bó sát hoặc tập thể dục thì việc rửa các ngón chân là đặc biệt quan trọng”.
Sau tai cũng là khu vực nhiều người quên vệ sinh đúng cách.
Jason Singh cho biết, tuyến bã nhờn phía sau tai là hỗn hợp của mồ hôi và bụi bẩn. Vùng da sau tai cũng rất dễ bị đọng mồ hôi cũng như các chất cặn bã từ sản phẩm chăm sóc da, tóc. Nó sẽ ẩn trong các nếp gấp và khoảng trống của vùng da sau tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Để vệ sinh tai đúng cách, nên dùng vải mềm thấm ướt rồi nhẹ nhàng lau sạch vùng ngoài tai. Khi lau cần nhẹ nhàng để tránh làm xước hoặc gây những thương tổn.
Keith Crandall, giám đốc sáng lập Viện Sinh học và giáo sư thống kê sinh học tại Đại học George Washington cùng sinh viên cũng từng thu thập mẫu da tại ba ”góc chết” và phát hiện vi khuẩn có hại tại đây nhiều hơn so với những vị trí thường được cọ rửa thường xuyên.
Theo: Nypost